Đông Nam bộ đối mặt với khô hạn

Thời điểm này tuy chưa phải đỉnh điểm của mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhiều diện tích cây trồng khô héo và các hồ chứa cung cấp nước đang trong tình trạng cạn khô... Nguy cơ thiếu nước khiến người dân phải xoay xở rất vất vả.
Mùa khô khiến sông hồ tại tỉnh Bình Phước cạn nước
Mùa khô khiến sông hồ tại tỉnh Bình Phước cạn nước

Hồ đập khô cạn

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết tỉnh Bình Phước diễn biến khá phức tạp. Mặc dù mới đầu tháng 3, chưa phải là đỉnh điểm của khô hạn nhưng các hồ chứa nơi cung cấp nước tưới cho cây trồng đang ở trong tình trạng mực nước chết, ao hồ và sông suối cạn trơ đáy.

Trong 3 tháng (từ tháng 12-2018 đến cuối tháng 2-2019), một số khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa nhưng không đáng kể. Tại các xã Đăng Hà, Đăk Nhau, Phú Sơn (Bù Đăng); Lộc Thành, Lộc Khánh (Lộc Ninh); Đồng Tâm (Đồng Phú) từ đầu năm 2019 không có mưa nên toàn tỉnh chỉ có 4 hồ chứa đạt, còn 43 hồ chứa mực nước thấp và nước ở các công trình thủy điện trên sông Bé đều ở dưới mực nước dâng bình thường. Trong đó, thủy điện Thác Mơ đạt cao trình 211,9m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 6,1m, thủy điện Cần Đơn đạt cao trình 104,76m, thấp hơn mức dâng bình thường 5,24m. Hiện tượng Enso có xu hướng chuyển sang El Nino từ những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Tổng lượng mưa từ tháng 11-2018 đến tháng 4-2019 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20%-50%. Dòng chảy sông suối khu vực Nam bộ thấp hơn từ 10%-30%, dẫn đến nguy cơ thiếu nước, khô hạn cục bộ.

Thời điểm này những năm trước tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn thuộc khu vực xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) diện tích mặt nước ở đây còn lớn nên chỉ cần đặt máy bơm trực tiếp là có nước tưới cho vườn tiêu nhưng đến nay mặt hồ thu hẹp, nhiều diện tích trên mặt hồ đã trơ đáy. Để có nước tưới, các hộ dân phải đào hố lấy nước để tưới cho tiêu. Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ xã Phước Thiện) cho biết thêm, nhiều diện tích lúa của bà con trong vùng thiếu nước nên phải bỏ hoang. Đập M26 đã cung cấp nước tưới để giảm bớt nguy cơ đồng ruộng khát khô nên bà con cũng đỡ lo lắng nhưng về lâu dài khô hạn kéo dài hồ nước không thể đủ nước để tưới tiêu.

Để chủ động phòng chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất dân sinh mùa khô 2018-2019, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước vừa có công văn đề nghị tăng cường kiểm tra, lập kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình dẫn và trữ nước; rà soát các khu vực có khả năng thiếu nước và đối với những vùng không đảm bảo nguồn nước suốt vụ phải khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp…Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Phước cũng khuyến cáo, mực nước trên các hồ đập đang ở mức thấp, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng, vật nuôi là khó tránh khỏi. Do đó, người dân sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng các nguồn nước có thể để tưới cây trồng, hạn chế tối đa thiệt hại.

Mót nước cứu cây trồng

Đi dọc quanh hồ thủy điện Cần Đơn những ngày này dễ dàng bắt gặp hàng loạt máy bơm nước đang hoạt động hết công suất, hệ thống ống tưới dày đặc. Đang hì hục lắp máy bơm để lấy nước tưới cho 2.000 trụ tiêu của gia đình, anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Thiện Hưng) cho biết: “Gần 3 tháng nay trên địa bàn không có mưa nên hồ cạn nước. Lo thiếu nước nên tôi tranh thủ đào ao để tưới cả ngày lẫn đêm. Trước đây mỗi tuần tưới một lần nhưng thời tiết nắng gắt như hiện nay buộc phải tưới liên tục để giữ ẩm cho đất và cứu vườn tiêu không bị khô héo. Nếu trời không có mưa buộc phải nối dài ống hút ra giữa lòng hồ để lấy nước”.

Theo anh Nguyễn Văn Hiếu (cùng xã Thiện Hưng) thì “Chưa có năm nào vừa ra tết nắng nóng khủng khiếp như năm nay. Gia đình tôi và nhiều hộ dân trong khu vực còn tận dụng nước từ con suối để tưới cho cây trồng, thế nhưng suối hết nước. Các hộ phải dùng nước giếng khoan để tưới cho cây trồng nhưng nếu nắng nóng kéo dài sẽ thiếu nước nên bà con đã chủ động sử dụng nước tiết kiệm”.

Thiệt hại do hạn hán rất lớn nên cơ quan chức năng huyện biên giới này đã tổ chức kiểm tra, rà soát các hồ, đập thủy lợi và có kế hoạch cân đối khả năng cung cấp nước. Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, cho biết, huyện đang cho kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa, điểm cấp nước tập trung, xây dựng lịch thời vụ hợp lý và xem xét chuyển đổi cây công nghiệp và dừng canh tác đối với hoa màu... 

Để chống hạn cho hơn 4.000ha đất nông nghiệp tại huyện Bù Đốp, mới đây Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước và Nhà máy thủy điện Cần Đơn đã phối hợp tổ chức xả nước phục vụ sản xuất cho hơn 4.548ha đất nông nghiệp các xã Tân Tiến, Tân Thành, thị trấn Thanh Bình và một phần xã Thanh Hòa. Mỗi ngày trung bình xả nước ra 4 kênh, mỗi kênh 4 giờ, lưu lượng tối thiểu từ 1-3m3/giây. Đây là bước khởi đầu trong công tác chống hạn, đáp ứng được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân và cây trồng, vật nuôi trong mùa khô.
KHOẢNG 700HA RỪNG TRÀM Ở CÀ MAU ĐANG Ở MỨC CẢNH BÁO CHÁY NGUY HIỂM

(SGGP). - Ngày 8-3, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện lượng nước dự trữ dưới các tuyến kênh, mương trong khu vực lâm phần rừng tràm và dưới chân rừng tràm đang bốc hơi nhanh. Khu vực rừng U Minh Hạ hiện có khoảng 700ha rừng tràm đang ở mức cảnh báo cháy nguy hiểm (cấp IV); toàn tỉnh có trên 10.000ha rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp III - cấp có nguy cơ xảy ra cháy cao, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Khánh Thuận (huyện U Minh). 
Trước tình hình khô hạn diễn ra nhanh như hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu các chủ rừng chủ động, chuẩn bị ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện trực 24/24 giờ tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như Vườn quốc gia U Minh Hạ, xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh An, Nguyễn Phích… Đồng thời, các cơ quan chức năng và địa phương đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng phòng cháy chữa cháy rừng cho các lực lượng tham gia bảo vệ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng, chủ rừng và các địa phương còn chủ động đắp 86 cống, đập giữ nước; bố trí 59 chòi quan sát; trang bị 118 xuồng máy; chuẩn bị 91 máy bơm với 67.320m vòi chữa cháy, cấm biển cảnh báo, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sống trên lâm phần có ý thức hơn trong việc phòng cháy rừng, không được đốt đồng, đất sau khai thác vào thời gian này. 
TẤN THÁI

Tin cùng chuyên mục