Đồng muối Sa Huỳnh lo bị “xóa sổ”

Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) được xem là vựa muối lớn nhất miền Trung, tồn tại trên 100 năm nay. Nơi đó có cánh đồng muối 110ha, với gần 600 hộ diêm dân (khoảng 2.300 nhân khẩu) ngày đêm đeo đẳng với nghề, mỗi năm cho ra sản lượng muối trên 9.000 tấn. Nhưng nay, vựa muối  ấy sắp bị đô thị hóa “xóa sổ”.
Diêm dân Sa Huỳnh trên đồng muối truyền thống
Diêm dân Sa Huỳnh trên đồng muối truyền thống
Biệt thự lấn ruộng muối
Diêm dân trên đồng muối Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đang hết sức lo lắng vì đồng muối của họ sắp “rơi” vào tay một doanh nghiệp bất động sản. Bởi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký quyết định phê duyệt cho dự án xây nhà ở, biệt thự, kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh (gọi tắt là dự án Sa Huỳnh) vào cuối năm 2017 với tổng vốn trên 210 tỷ đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư - Phát triển đô thị Ân Phú. 
Theo đó, dự án triển khai gần 20ha đất tại xã Phổ Thạnh. Trong đó, có gần 4ha đất là đất ở của người dân, nhà đầu tư sẽ lấy chỉnh trang; 16ha đất nhà đầu tư dùng để xây dựng nhà liên kết với 337 lô đất, 112 lô biệt thự… Trong 16ha này có khoảng 10ha là ruộng muối của trên 50 hộ dân Tân Diêm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự án nằm chồng lấn lên ruộng muối của người dân có nguy cơ “xóa sổ” luôn cả đồng muối truyền thống của Sa Huỳnh. Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho rằng, đồng muối Tân Diêm đã gắn bó bao đời nay, có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân và đặc biệt là hệ sinh thái nước mặn. 
Ông Kiều Bá Đoàn (60 tuổi, thôn Tân Diêm) lo lắng: “Dân Sa Huỳnh đất chật, người đông. Đất trồng lúa, trồng hoa màu người ta cũng lấn dần để xây dựng nhà cửa, khu đô thị… Giờ đến lượt ruộng mặn cũng đang đứng trước nguy cơ bị lấy đi. Dần dần rồi đồng muối này cũng tự dẹp luôn”.
Tương lai mờ mịt
Theo ông Nguyễn Duy Trinh, tại một cuộc họp mới đây giữa UBND xã Phổ Thạnh và người dân, hầu hết các diêm dân đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, do giá đền bù quá thấp, chỉ 110-120 triệu đồng/sào (500m2) nên người dân phản đối. 
Các diêm dân Tân Diêm lo lắng một khi dự án này triển khai sẽ khiến cho diện tích muối còn lại trên cánh đồng muối Sa Huỳnh “chết” theo. “Khu dân cư mới được xây dựng lên thì sẽ có nước thải ảnh hưởng đến đồng muối. Nhà cao tầng mọc lên che chắn, bao trùm cũng khiến việc làm muối bị ảnh hưởng. Dần dần người ta sẽ bỏ đồng muối hết”, diêm dân Nguyễn Văn Hùng nói.
Ông Kiều Bá Đoàn nêu ý kiến: “Tôi nghe doanh nghiệp này lấy ruộng muối chúng tôi để xây dựng khu đô thị, biệt thự rồi bán lại với giá rất cao. Chúng tôi sẽ không được hưởng bất cứ cái gì trong dự án đó. Họ thu hồi, đền bù với giá rẻ như cho, đến khi bán lại hét giá trên trời. Những người có tuổi 50-60 như tôi thì chuyển đổi sang nghề gì bây giờ, nếu không còn ruộng muối? Trong khi đó, đa số những người làm muối ở đây đều đã lớn tuổi, đeo bám nghề hơn nửa đời người rồi”.
Những hộ dân ở đây tính toán, nếu bàn giao đất và nhận mức đền bù 110 triệu đồng/500m² rồi mất việc thì cuộc sống rơi vào khốn khó. Bởi chỉ tính vụ muối năm ngoái được giá, với 500m² người dân đã thu về hơn 150 triệu đồng.
“Làm muối cũng chẳng lo gì, cứ nắng lên tháo nước mặn vào chờ, bỏ công ra lấy tiền chứ không lo lắng rầy, bọ như trồng lúa. Dù giá bấp bênh nhưng nhìn chung cũng có thu nhập, không lo nghèo. Dân chúng tôi chỉ mong muốn, lãnh đạo cho dân “cái cần câu” chứ đừng cho “con cá”, rỉa rồi cũng hết, sau đó lấy gì sống?”, ông Kiều Bá Đoàn lo lắng.

Tin cùng chuyên mục