Đong đầy tình yêu thương

Dù trong thời đại nào, “gia đình” vẫn là hai tiếng thiêng liêng được ghi sâu trong tâm khảm của mỗi con người Việt Nam. Gia đình chính là điểm tựa, là chốn bình yên mà mỗi thành viên luôn muốn quay về; trong đó, bữa cơm gia đình được coi là nơi hội tụ, gắn kết, lan tỏa tình yêu thương giữa các thành viên. Chính vì thế, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được chọn là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay.
Đong đầy tình yêu thương

Dù trong thời đại nào, “gia đình” vẫn là hai tiếng thiêng liêng được ghi sâu trong tâm khảm của mỗi con người Việt Nam. Gia đình chính là điểm tựa, là chốn bình yên mà mỗi thành viên luôn muốn quay về; trong đó, bữa cơm gia đình được coi là nơi hội tụ, gắn kết, lan tỏa tình yêu thương giữa các thành viên. Chính vì thế, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được chọn là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay.

Vợ chồng chung sức

Trong ngày hội tuyên dương gia đình tiêu biểu do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, chúng tôi thấy niềm vui đong đầy trong mắt gia đình chị Lê Thị Mỹ An và anh Nguyễn Văn Kiên (công nhân Công ty cổ phần Dược liệu Pharmedic). Chị Mỹ An đi lại vẫn còn khó khăn do bị tai nạn giao thông vào năm 2015, mỗi lần chị di chuyển, anh Kiên luôn theo sát để dìu vợ những lúc cần thiết. Nghe hỏi về chuyện bị tai nạn, chị Mỹ An nở nụ cười mà nước mắt chảy ra: “Thời gian hơn 10 tháng nằm một chỗ, nếu không có chồng kề bên chăm sóc, tôi không biết phải vượt qua như thế nào. Nghĩ lại tôi thấy thật thương anh”.

Thời gian đó, đều đặn mỗi sáng, anh Kiên dậy sớm nấu cơm cho cả nhà rồi giúp vợ vệ sinh cá nhân, sau đó anh đi làm. Buổi trưa, anh tranh thủ chạy về lo cơm nước để vợ ăn rồi lại đi làm. Buổi chiều, dù có con gái lớn về phụ nấu cơm nhưng khi tan ca, anh vẫn về sớm để chăm sóc vợ và dạy con học bài. Chăm sóc một người bệnh, thường phụ nữ làm dễ hơn đàn ông, nhưng anh Kiên lại cho thấy hình mẫu một người đàn ông lý tưởng khi chăm vợ bệnh.

“Việc tôi làm cho vợ, cho con có là gì đâu so với sự hy sinh lớn lao đến 10 năm vợ lo cho mình. Yêu thương nhau là cùng nhau vượt qua lúc khó khăn, bệnh tật”, anh Kiên chia sẻ. Câu chuyện 10 năm hy sinh của vợ mà anh Kiên nói đến chính là thời gian anh phát hiện và điều trị bệnh ung thư đại tràng, còn các con anh chị đứa thì 7 tuổi, đứa mới sinh ra đời.

Khi đó, bác sĩ đã lắc đầu với bệnh của anh. Vậy mà chị Mỹ An đã cùng anh vượt qua tất cả mọi đau đớn, thử thách, khó khăn để giành lại sự sống cho anh từ thần chết. Những lúc anh nản lòng nhất, định buông xuôi thì chính tình yêu của chị và con đã vực anh dậy. Bằng tình yêu thương chồng, con, chị Mỹ An cố gắng vừa làm mẹ, vừa làm cha. Ngoài thời gian đi làm kiếm tiền, chị về lo thuốc thang, động viên chồng, vừa nuôi dạy 2 con ăn học đàng hoàng. Động lực giúp chị Mỹ An vượt qua gian khó khi ấy chính là niềm tin một ngày chồng chị sẽ khỏi bệnh, các con chị vẫn có cha bên cạnh. Và thành quả cho sự hy sinh ấy giờ đây các con chị rất ngoan hiền, hiếu thảo. Đứa đã học năm cuối đại học và đứa đang học lớp 10. Sau gần 23 năm sống cùng nhau dưới một mái nhà, vợ chồng chị Mỹ An nhận thấy rằng chính tình yêu thương, sự sẻ chia sẻ giúp các thành viên vượt qua mọi thử thách. “Giờ tôi hài lòng với cuộc sống hạnh phúc hiện nay”, chị Thúy An nói trong nụ cười rạng ngời.

Hạnh phúc của gia đình chị Võ Thị Hải Đường (quận 1) tại Hội nghị biểu dương các gia đình hạnh phúc tiêu biểu ở quận 1

Quây quần bên mâm cơm

Tại hội thi nấu ăn do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức, chị Ngô Thị Liễu (làm việc tại UBND phường 4, quận 10, TPHCM) tất bật bày biện nào xoong, nào chảo lên bàn; bên cạnh chị, anh Lý Hoàng Dũng (chồng chị Liễu, làm bảo vệ khu phố) cũng luôn tay phụ vợ lặt rau, xắt hành. Dù bận rộn công việc nhưng nụ cười luôn túc trực trên môi đôi cặp vợ chồng đã gần 50 tuổi này. Chị Liễu bảo sáng nay anh chở chị đi chợ sớm để chuẩn bị nguyên liệu cho hội thi. Và trong suốt thời gian nấu ăn, hầu như món nào anh chị cũng cùng nhau nêm nếm. Anh Hoàng Dũng chia sẻ rằng hơn 30 năm cưới nhau và đến nay cả gia đình ba thế hệ gồm 7 người của anh chị luôn duy trì được bữa cơm chung vào lúc 19 giờ. Tại bữa cơm chung này, các thành viên trong gia đình chị Liễu có dịp gặp gỡ, chia sẻ, động viên và gắn kết tình yêu thương với nhau. Hay nói như chị Liễu là để các con biết chỗ đi về, biết nơi đây là tổ ấm để cùng nhau vun vén, yêu thương. Thường chị Liễu là người đi chợ nấu cơm, nhưng những lúc chị bận việc thì anh Dũng lại đảm nhận trọng trách này. “Khi ta chia sẻ công việc bếp núc cùng vợ, người chồng sẽ thấy thêm yêu vợ mình hơn”, anh Hoàng Dũng bật mí.

Vợ chồng anh chị Ngô Thị Liễu tham gia Hội thi nấu ăn do Hội LHPN TPHCM tổ chức

Cuộc sống bận rộn khiến không ít gia đình quên mất bữa cơm chung của gia đình. Có gia đình người mẹ vẫn nấu bữa cơm cho cả nhà, nhưng mạnh ai đói thì nấy bới cơm ăn và có khi mỗi người ăn một góc. Để dạy hai con hiểu ý nghĩa bữa cơm gia đình, chị Nguyễn Thị Như Mai (công nhân may tại huyện Hóc Môn) dành nhiều thời gian dạy con nấu ăn. Từ những buổi mẹ con cùng vào bếp, chị truyền đạt cho con hiểu sự yêu thương của người phụ nữ dành cho gia đình thông qua cách chuẩn bị bữa ăn. Cũng chính sự chăm chút của chị mà chồng chị dù bận rộn thế nào cũng thu xếp về ăn bữa cơm cùng vợ con. Chị bảo, hơi ấm từ những bữa cơm gia đình cũng chính là để đong đầy tình yêu thương dưới mỗi mái nhà.

THÁI PHƯƠNG

Bà ĐOÀN THỊ THANH THỦY (Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM): Cần lắm bữa cơm gia đình

Đong đầy tình yêu thương ảnh 3

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam đã hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, bằng tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến của các bậc sinh thành đối với con cái. Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam, cũng là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, hướng đến xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, Ngày Gia đình Việt Nam năm nay mong muốn mỗi người hãy trân trọng những giây phút của gia đình bên mâm cơm hạnh phúc, đầm ấm. Trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện nay, dù bận rộn với công việc nhưng lớp trẻ cũng nhận thức được bữa cơm gia đình là dịp để mọi người thể hiện tình yêu thương và gắn bó các thành viên với nhau. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình vì điều kiện làm việc không thể sắp xếp được bữa cơm tại gia đình do chính tay người vợ hoặc chồng chuẩn bị. Theo tôi, các gia đình nên sắp xếp thời gian để có bữa ăn cùng nhau, ít nhất là một hoặc hai lần trong tuần.

Tiến sĩ PHẠM THỊ THÚY (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia): Nền tảng hình thành nhân cách trẻ

Đong đầy tình yêu thương ảnh 4

Một đứa trẻ lớn lên, có trở thành công dân tốt hay không, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gia đình, nhà trường, xã hội…, nhưng quan trọng hơn hết, gia đình chính là tiền đề, nền tảng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trong xã hội hiện nay, các bậc cha mẹ phải chạy theo cơm áo gạo tiền nên dẫn đến quan niệm về cách giáo dục trẻ cũng khác trước. Cha mẹ ít có thời gian gần gũi, chia sẻ, tâm sự, vui chơi cùng con. Trong khi đó nhân cách của con người không tự nhiên sinh ra, mà hình thành từ việc được giáo dục như thế nào. Từ xưa đến nay, ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương cho trẻ noi theo. Do vậy ông bà, cha mẹ cần sống tốt để trẻ trong gia đình được ảnh hưởng tốt.

Điều đáng lo ngại hiện nay chính là lỗ hổng nhân cách của giới trẻ. Các cuộc ấu đả, đánh nhau ngày càng xuất hiện ở các độ tuổi nhỏ dần. Việc giáo dục trẻ theo từng giai đoạn để trẻ biết hiếu thảo, biết thương yêu, biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh và tránh xa bạo lực sẽ giúp trẻ dần hình thành nhân cách tốt.

Bà ĐẶNG THỊ VƯỢNG (60 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM): Gia đình phải là tổ ấm để ai cũng muốn quay về

Đong đầy tình yêu thương ảnh 5

Không phải chờ đến ngày hội gia đình chúng ta mới quan tâm, yêu thương và quây quần cùng nhau bên mâm cơm gia đình. Mà theo tôi, bữa cơm gia đình nên được duy trì thường xuyên mỗi ngày. Đây là dịp để các thành viên cùng nhau chia sẻ những vui, buồn cũng như giúp con trẻ hiểu được giá trị của mái ấm gia đình. Ông bà ta có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người vợ, người mẹ cần phải thể hiện vai trò của mình là người gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau và tôi cho rằng chính bữa cơm gia đình sẽ làm nên được điều ấy. Chồng giúp vợ, con phụ mẹ để cùng dọn một bữa cơm sẽ giúp mỗi người thấy mình có trách nhiệm với nhau hơn. Một người phụ nữ xây tổ ấm thành công, chính là làm sao để các thành viên xem gia đình là tổ ấm, là bóng mát mà ai cũng muốn quay về cho dù bên ngoài xã hội có bao nhiêu điều hào nhoáng, thú vị và lôi cuốn.

HỒNG HẢI ghi

Tin cùng chuyên mục