Đòn bẩy đưa ĐBSCL phát triển bền vững - Bài 4: Liên kết vùng - yếu tố sống còn

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 đã đạt được một số kết quả quan trọng, như: Tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; Phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; Thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ; Kết nối liên vùng đang được thúc đẩy; Điểm nghẽn về nguồn vốn đang được quan tâm giải quyết... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể là: Thể chế điều phối vùng chưa được nghiên cứu; tư duy phát triển theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai; chưa hình thành được cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội; chưa có các giải pháp đột phá trong đầu tư cho ĐBSCL; vấn đề quy hoạch tích hợp, xây dựng nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.

Đòn bẩy đưa ĐBSCL phát triển bền vững - Bài 4: Liên kết vùng - yếu tố sống còn ảnh 1 Cầu Vàm Cống, một trong những công trình quan trọng góp phần phát triển liên kết vùng tại ĐBSCL. Ảnh: PHAN THANH
Không có ranh giới trong ứng phó với BĐKH

Khi đề cập đến vấn đề liên kết vùng, tại buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045, đặt trong tầm nhìn và chiến lược chung của cả nước đến năm 2045. Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL, phát triển nhanh, bền vững và có bước đột phá một số lĩnh vực để không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt.

Để làm được điều đó, theo Thủ tướng, phải có một số giải pháp đột phá cả về tư duy, hành động để đồng bằng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt đối với vùng. Chính vì vậy, một số giải pháp lớn là khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì triển khai, phối hợp với địa phương, bộ, ngành, chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến đến giữa năm 2020 trình thông qua. Quy hoạch khu vực này gắn với TPHCM và Cần Thơ. Quy hoạch đó phải có giải pháp kết nối cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng phải đặt ra. 

Lâu nay, các nhà khoa học đã đưa ra nhận định: “Biến đổi khí hậu (BĐKH) không có ranh giới hành chính”, đây được xem là một khuyến cáo để các tỉnh ĐBSCL chung tay liên kết, thực hiện các giải pháp đồng bộ để chủ động thích ứng với BĐKH. “Chúng ta không thể đơn độc giải quyết các vấn đề về BĐKH đang gặp phải. Chỉ có sức mạnh, sự đoàn kết và nỗ lực tập thể của các cấp chính quyền và cộng đồng mới có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong quá trình phát triển”, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ): “Khi thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ cần phát huy tính kế thừa các kinh nghiệm về liên kết vùng thời gian qua mà các địa phương vùng ĐBSCL đã cùng nhau hợp tác liên kết tiểu vùng, nhất là “liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến 2030 vẫn còn nguyên giá trị. Tận dụng nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện nghị quyết có hiệu quả”.

Để làm được điều này, yêu cầu hiện nay là phải đẩy mạnh liên kết vùng. Theo lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, vấn đề liên kết vùng rất khó thực hiện vì khó trong tư duy, vì chưa có thể chế và ý thức về liên kết. “Quan trọng là nhận thức của lãnh đạo để liên kết, bởi chúng ta liên kết không phải chia cái bánh mà liên kết là cùng nhau làm cho cái bánh lớn ra, cùng nhau thay đổi nhận thức, sáng tạo để cái bánh lớn ra”, một vị Bí thư Tỉnh ủy cho biết. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết vẫn còn rất lúng túng. 13 tỉnh, thành ĐBSCL có nét tương đồng, lúa trồng khắp vùng. Vậy giờ phải liên kết kiểu nào, liên kết không chỉ chính quyền mà cả cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vì, nếu không có doanh nghiệp tham gia vào thì tư duy doanh nghiệp sẽ xé lẻ, ai cũng chụp giựt thì họ lại dẫn dắt người nông dân đi theo con đường đó, nay ông này đặt hàng cái này, mai ông kia đặt hàng cái kia, vụ này giống này, vụ sau giống khác. 

“Tôi kiến nghị mấy lần cần có thiết chế mới là vừa có doanh nghiệp, vừa có người đại diện cho người sản xuất thông qua các hợp tác xã, đại diện chính quyền… tất cả cùng ngồi lại. Thành ra, quy hoạch phân khúc thị trường phải phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải quy hoạch này trồng bao nhiêu lúa, nuôi bao nhiêu con vịt, con gà. Tất cả do thị trường điều chỉnh hết”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết.

Quy hoạch tích hợp và nguồn lực cho phát triển

Theo Bộ KH-ĐT, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành đang được bộ này triển khai thực hiện. “Quy hoạch vùng ĐBSCL mới sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. 

Hiện tại, Bộ KH-ĐT đã hoàn thành đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để tổ chức lập quy hoạch vùng; tiến hành khảo sát ở một số địa phương trong vùng để rà soát, đánh giá trình thực hiện quy hoạch và xác định các vấn đề liên ngành, liên tỉnh mà quy hoạch vùng cần giải quyết; khẩn trương nghiên cứu xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL, dự kiến trình thẩm định trong tháng 9-2019. 

Trong giai đoạn trước mắt, Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) để số hóa cơ sở dữ liệu về quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn vùng để bộ, ngành, địa phương có thể tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về quy hoạch phục vụ việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Dự kiến quy hoạch sẽ hoàn thành trong quý 3-2020 và trình Chính phủ trong quý 4-2020. Trong đó, tập trung một số nội dung cần quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng như: Phát triển nông nghiệp theo 2 mục tiêu là thích ứng với các tác động của BĐKH, sử dụng đất và nước một cách bền vững trong tương lai; trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL, hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên kinh doanh nông nghiệp để tăng trưởng bền vững. Phát triển vận tải và logistics phù hợp quy hoạch tích hợp vùng; có cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực vận tải và logistics... 

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, quy hoạch vùng ĐBSCL là một bước đột phá vì cơ hội mà nó tạo ra để biến sự chuyển đổi mô hình phát triển thành hiện thực. Nó cũng cho phép vùng ĐBSCL chuyển từ tình trạng có quá nhiều quy hoạch ngành phân tán và mâu thuẫn sang xây dựng một bản quy hoạch thống nhất, giúp định hướng phát triển cho vùng và xác định các đầu tư ưu tiên.

Tuy nhiên, để quy hoạch vùng phát huy hiệu quả, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh ĐBSCL, chính quyền trung ương, các bên liên quan tại địa phương, khu vực tư nhân, các chuyên gia trong ngành và ban soạn thảo quy hoạch. Một quá trình hợp tác và có sự tham gia của nhiều bên liên quan đảm bảo rằng việc xây dựng quy hoạch vùng sẽ suy xét đến tất cả các yếu tố quan trọng cần chú ý và có liên quan.

Về xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, hiện Bộ KH-ĐT đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) hoàn thành Dự thảo cơ chế và chính sách ưu tiên để khuyến khích đầu tư tư nhân ở ĐBSCL. Trong đó cần bổ sung 45.000 tỷ đồng đầu tư từ nhiều nguồn, gồm nguồn nhân sách và ODA dành riêng cho phát triển các hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, các dự án ứng phó BĐKH, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển vùng.

Theo các chuyên gia tài chính, để huy động được tài chính, điều quan trọng đầu tiên là phải thiết lập một nền tảng tài chính toàn diện, có thể kết hợp và thúc đẩy các nguồn tài chính của Nhà nước và tư nhân, vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại, và phân bổ hiệu quả các nguồn tài chính này cho những dự án ưu tiên đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế về Quỹ tín thác, Quỹ tài chính, cơ chế tài chính toàn diện, bao gồm các chương trình hỗ trợ ngân sách trực tiếp, trái phiếu, quan hệ đối tác công - tư (PPP) và tài chính khí hậu có thể mang đến những ý tưởng, bài học kinh nghiệm sâu sắc, có giá trị cho ĐBSCL.

Mục tiêu cuối cùng của Nghị quyết 120 là nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội, biến những khó khăn, thách thức của tự nhiên thành cơ hội cho toàn vùng. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi các địa phương cùng bước, cùng tiến, cùng quyết tâm đưa NQ 120 thật sự đi vào đời sống. Đó chính là đòn bẩy mới, tạo động lực giúp ĐBSCL thuận thiên mà hướng đến thịnh vượng và là đích đến đáng chờ đợi cho tương lai của các thế hệ người dân vùng đất “chín rồng”.

“Từ những kết quả bước đầu của Nghị quyết 120, Chính phủ cùng các bộ ngành đang quyết tâm tới đây sẽ tạo điều kiện tối đa về mặt chính sách, vốn, hạ tầng, ưu tiên môi trường đầu tư, kinh doanh, ban hành cơ chế điều phối vùng đủ mạnh để ĐBSCL thật sự cất cánh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc về kinh tế - xã hội với ĐBSCL mới đây. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đã chủ trì 5 cuộc làm việc về ĐBSCL, đó là chưa kể các buổi làm việc riêng với từng tỉnh, thành. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ về ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục