Đời xém nữa vui

Con đường có 2 hàng cây cổ thụ lâu năm nhất thành phố, chục năm nay bị chiếm dụng làm chợ tạp nham. Nếu không phải đi chợ, người dân phố núi chẳng mấy ai thích đi qua đây. Đoạn thì kê bàn bán hủ tiếu gõ, đoạn lại bị giăng bạt bày bán cuốc xẻng, mô-tơ, cũi chó, rọ heo… trông ẩm thấp, nhếch nhác. Quầy bán lưới, thau chậu, dây kẽm của bà già cũng là một trong số đó. 
Đời xém nữa vui

Xưa giờ, câu “khách hàng là thượng đế” vốn không xài được ở quầy hàng này. Bà già làn da nhăn nheo, xanh bủng vì thiếu nắng, bị chìm lẫn trong đống thau chậu chất cao, giọng nói sang sảng phát ra một góc khiến khách giật mình: “Lấy nhiêu? Đó chỗ đó. Rồi lấy gì nữa? Ờ, bưng qua đây coi coi”.

Ai đồ đạc cồng kềnh, bà già gọi ông già tới xếp lên xe giùm khách rồi dặn: “Chạy tém tém lại chớ không để xe đụng là buồn đời nghe con”. Nếu khách giãy nảy: “Gì mới đó đã trù con người ta?”, bà già lại hù thêm miếng nữa: “Là buồn đời cái đứa tông phải mình đó, bóc lịch chết luôn”.

Bà lại liên tưởng đến “cuộc đời xém nữa dui (vui)” của mình. Xém vui vì hồi bà còn trẻ, có cô gái lạ thất tình, lao vô đầu xe bà đang tập lái, để tự tử. Oái oăm ở chỗ, người chết thì nằm im lìm dưới đất, đâu hay biết “ân nhân” giúp mình toại nguyện sẽ bị gọi là phạm nhân.

Thời đó, ai đi tù về cũng mang trên người mấy hình xăm. Bà già vốn không định xăm gì mà bị mấy bạn tù gí xuống sàn nhà để… thử kim. Lúc đứng lên, nghe bắp tay tê tái, máu với mực còn chảy rề rề, thấy hình con gì nửa giống phượng hoàng, nửa giống gà trống. Biết phản kháng cũng vô ích, lần sau bà già nằm im chấp nhận hình xăm mới. Bà tự an ủi, hình xăm trái tim có mũi tên xuyên qua nhỏ máu và dòng chữ “hận đời” cũng đẹp, ít nhất trông giống trái tim chớ không bị tưởng lầm quả thận.

Sau này ra tù, tưởng được ngoi lên đón ánh sáng, bà già đâu ngờ mấy hình xăm bất đắc dĩ lại trở thành vết tích tù tội, y như nhờ nó mà ai cũng biết: “Cái bà đó mới đi tù về”. Bởi vậy, bà già rong ruổi khắp huyện mà vẫn không kiếm nổi việc làm. Có lúc bà buồn đời, muốn tự tử. Đứng tần ngần ở ngã ba chọn xe để lao vô mà ngó xe nào bà cũng thấy đau đau như chính mình là người đang cầm vô lăng.

Hôm ấy, bà già ra chợ tạp nham mua sợi dây thừng tính về kết liễu đời mình thì gặp ông già. Nói chuyện một hồi nhận ra hồi đó 2 người giam cùng nhà tù. Ông già ỏn ẻn: “Hay cậu về với tớ”. Lúc đó, bà già cũng chưa thương ông, nhưng nghĩ cuộc sống vậy có khi sáng sủa. Bà già tặc lưỡi, gửi gắm nửa cuộc đời còn lại ở chợ tạp nham.

Thấy khu chợ tối tăm, buồn bã, bà già khoét một lỗ trên mái che để nghe tiếng mưa nhỏ từng giọt cho vui. Sau này, trong một đêm mưa, ông già trúng gió chết, bà già dằn vặt: Đó giờ, sao mình lỡ giết nhiều người quá. Đám tang chồng, bà mới nhận ra đời mình lẽ ra cần một mái nhà, ít nhất để có chỗ neo đậu chiếc quan tài. Bà thấy có lỗi với ông già khi kê quan tài ông trên mấy hòn đá chẻ ngoài chợ. Mưa to, nước cuộn từng dòng, cuốn từng đụn rác trôi dưới gầm quan tài. Thỉnh thoảng, anh bán dao phải lấy cây khều bớt rác cho nước khỏi chảy tràn lên chỗ nằm người đã khuất.

Ông già đi, người ta thấy bà già như người lẫn, giọng không sang sảng như xưa. Nhấc chiếc chậu đất lên, thấy vài con giun hoảng hốt oằn mình dưới lớp bùn nhão lâu ngày, bà xuýt xoa: “Đừng chết nghen!”. Có lúc, bà cúi xuống lượm chân một con rết, lẩm bẩm: “Để cất giùm cho”.

Chiếc lỗ trên mái che quầy hàng của bà ngày một to dần như thể ai đó cố tình khoét ra. Bà già người gầy đét, chẳng thiết buôn bán, luôn bận bộ đồ đẹp nhất, nằm thẳng tưng ở một góc chợ. Chắc bà đang chờ một đêm mưa gió nhân tiện cuốn mình khỏi cuộc đời xém nữa thì vui.

Tin cùng chuyên mục