Đối thoại, giúp doanh nghiệp gỡ rối về lao động và BHXH

Sở LĐTB-XH TPHCM và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM vừa trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ, giải đáp các vướng mắc về lao động việc làm, BHXH. Nhiều nội dung thiết thực đã được chia sẻ, nhiều vướng mắc được giải tỏa, đồng thời cũng ghi nhận không ít khó khăn phát sinh.
Làm việc nặng nhọc, độc hại nhưng chưa được nghỉ hưu sớm
Đó là tình cảnh mà Công ty cổ phần May Bình Minh (quận Bình Thạnh) gặp phải. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng công ty, phản ánh có người lao động (NLĐ) làm việc cắt, ủi, đóng gói (theo diện lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) mấy chục năm qua, giờ đến tuổi nghỉ hưu thì không được giải quyết.
Điều rất mâu thuẫn là 15 năm qua, DN và NLĐ phải đóng BHXH theo diện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (cao hơn 5% so với người làm công việc trong điều kiện lao động bình thường). Song, bây giờ khi làm thủ tục nghỉ hưu cho NLĐ (nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi) thì lại bị trả lời là… công việc không thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
“NLĐ đã vất vả bao nhiêu năm, cũng đóng BHXH cao hơn bình thường. Nhưng, giờ họ không được nghỉ hưu theo diện lao động nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, mà phải đợi thêm 5 năm nữa để nghỉ hưu theo diện lao động làm việc trong điều kiện bình thường (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) thì quá thiệt thòi”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho hay, sắp tới, có hàng loạt NLĐ đến tuổi nghỉ hưu và nếu cứ rắc rối như thế này thì ảnh hưởng rất lớn tới DN và NLĐ. 
Đối thoại, giúp doanh nghiệp gỡ rối về lao động và BHXH ảnh 1 Đại diện các doanh nghiệp có nhiều băn khoăn về lĩnh vực BHXH, lao động việc làm
Đối thoại với DN, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TPHCM), cho biết các công việc nêu trên đều không thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại do Bộ LĐTB-XH ban hành.
Bà Nga đề nghị DN báo cáo với Tập đoàn Dệt may Việt Nam để đề xuất Bộ LĐTB-XH điều chỉnh. Không hài lòng với câu trả lời này, ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay, DN đã báo cáo tập đoàn và tập đoàn đã có báo cáo với BHXH Việt Nam từ nhiều năm trước rồi.
“Gần đây, cuối năm 2017, Bộ LĐTB-XH lại yêu cầu tập đoàn rà soát, báo cáo. Và bây giờ BHXH TPHCM lại yêu cầu chúng tôi báo cáo tập đoàn. Mọi việc đã báo cáo từ lâu rồi. Vấn đề là bao giờ được giải quyết, bao giờ DN và NLĐ có câu trả lời cụ thể”, ông Tuấn chất vấn.
Trước bức xúc của DN, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, ngay lập tức trực tiếp kết nối với Bộ LĐTB-XH. Ông Lâm đề nghị DN tiếp tục đeo bám, đồng thời cũng hứa, sở sẽ tiếp tục đeo bám, kiến nghị giải quyết.
Không được bắt NLĐ nộp tiền bảo đảm mới giao việc
Trao đổi về vấn đề tiền lương tăng ca mà nhiều DN thắc mắc, ông Nguyễn Bảo Cường, Phó trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở LĐTB-XH TPHCM), cho hay các DN khi tăng ca phải đảm bảo điều kiện tăng ca, phải được sự đồng ý của NLĐ, tăng ca không quá số giờ quy định và phải đảm bảo nghỉ bù cho NLĐ.
Đặc biệt, phải đảm bảo tiền lương tăng ca: ngày thường là 150%; cuối tuần là 200%; ngày lễ, tết là 300%. Ông Nguyễn Bảo Cường lưu ý, mức trên chưa bao gồm 100% tiền lương đương nhiên phải trả cho NLĐ làm ngày đó. Như vậy, khi tăng ca, NLĐ lần lượt được nhận thu nhập ở các mức tương ứng: 250%, 300% và 400%. 
“DN giao cho NLĐ chiếc xe máy để giao hàng, DN có thể yêu cầu NLĐ đưa một số tiền để đảm bảo cho chiếc xe đó không”, đại diện một DN băn khoăn.
Ông Nguyễn Bảo Cường nhấn mạnh, việc yêu cầu NLĐ đảm bảo bằng tiền, tài sản để thực hiện công việc theo hợp đồng là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong quan hệ lao động.
Về vấn đề 10 ngày sau khi hết hạn thử việc, DN mới ra thông báo thử việc không đạt thì quan hệ lao động có hình thành hay không, ông Cường phân tích, thời gian thử việc không quá 60 ngày với công việc cần trình độ cao đẳng trở lên, 30 ngày với việc cần trung cấp và 6 ngày với công việc khác.
Nếu DN không có nhu cầu sử dụng NLĐ, thì trước khi thời gian thử việc kết thúc, DN phải thông báo cho NLĐ; nếu có nhu cầu, thì khi kết thúc thử việc, phải giao kết ngay hợp đồng lao động. Do vậy, mãi tới 10 ngày mà DN không giao kết thì mặc nhiên là hai bên đã giao kết, quan hệ lao động đã hình thành rồi, chỉ có hình thức (ký kết hợp đồng) là thiếu.
Một DN băn khoăn về trường hợp hợp đồng lao động hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc, ông Cường cũng lưu ý, lúc này, DN phải (không được lựa chọn) giao kết hợp đồng mới với NLĐ; trong trường hợp DN không giao kết mới, thì hợp đồng mới cũng mặc nhiên được hình thành: từ thử việc thành chính thức, từ hợp đồng 12 tháng thành hợp đồng 24 tháng, từ hợp đồng có thời hạn thành hợp đồng không thời hạn.
Ông Cường lưu ý, thời gian qua, sở nhận rất nhiều khiếu nại của NLĐ về vấn đề này nên DN cần đặc biệt lưu tâm, tuân thủ, áp dụng đúng luật để tránh rắc rối với NLĐ.
Liên quan đến trường hợp NLĐ đã có sổ BHXH mà thôi việc, sau đó mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình thì khi đi làm trở lại, lại bị vướng về thẻ BHYT, DN cho rằng chuyện này mất thời gian. Bà Trần Ngọc Giao Châu, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ (BHXH TPHCM), khẳng định DN chỉ cần báo tăng bình thường, BHXH TPHCM sẽ tự xử lý tất cả dữ liệu trùng, cấp lại BHYT mới ở DN cho NLĐ, không yêu cầu DN phải đi lại; NLĐ chỉ cần ghé địa phương nhận lại số tiền dư khi không tham gia BHYT hộ gia đình nữa. Tương tự, trong trường hợp có nhiều sổ BHXH, DN chuyển hết dữ liệu lên BHXH TPHCM để gộp sổ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và đúng luật - mỗi NLĐ chỉ có 1 sổ BHXH. NLĐ cũng không phải đi lại, không phải làm gì trong trường hợp này.

Tin cùng chuyên mục