Đối thoại để giảm điểm nóng khiếu nại ​

Theo số liệu từ Thanh tra TPHCM, từ năm 2014 khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực, chỉ 3 năm trên toàn thành phố đã tổ chức tiếp trên 135.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 
Cán bộ Ban Tiếp dân Trung ương trong một buổi đối thoại với người dân quận 2
Cán bộ Ban Tiếp dân Trung ương trong một buổi đối thoại với người dân quận 2
Các vụ việc khiếu nại đông người và kéo dài thường tạo thành điểm nóng gây bất an cho xã hội. Bài học rút ra từ thực tiễn giải quyết điểm nóng khiếu nại là tổ chức đối thoại và cán bộ đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấu hiểu nỗi bức xúc của dân và có giải pháp thấu lý hợp tình giải quyết vấn đề.
Tìm tiếng nói chung
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị lớn, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội, TPHCM phải tổ chức giải tỏa nhiều diện tích mặt bằng. Giải tỏa, đền bù nhiều, nên không tránh khỏi phát sinh những vụ việc khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai kéo dài. Nhiều điểm nóng về khiếu nại đã hình thành, trong đó nổi cộm là vụ người dân khiếu nại trong việc giải tỏa đền bù thực hiện các dự án đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất (Gò Vấp), khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), khu công nghệ cao (quận 9), khu đô thị Sing - Việt (huyện Bình Chánh)...
Những điểm nóng về khiếu nại có chung đặc điểm là vụ việc có tính pháp lý phức tạp, khiếu nại đông người và đã kéo dài nhiều năm (có vụ hàng chục năm). Nhiều vụ việc, cơ quan chức năng đã có quyết định giải quyết nhưng người dân không đồng tình. Không chỉ gửi đơn khiếu nại gay gắt, người dân còn tập trung đông tại các trụ sở làm việc cơ quan Đảng, chính quyền, thậm chí, không ít vụ người dân còn tổ chức đoàn ra thủ đô khiếu nại. Điều này không chỉ gây phiền hà, tốn kém cho người dân mà còn gây bất ổn xã hội. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, đối thoại là biện pháp tối ưu để làm nguội tình tình, tiến đến xóa điểm nóng khiếu nại. Nhiều điểm nóng khiếu nại tưởng chừng không có lối thoát, qua đối thoại và giải quyết hậu đối thoại, các bên đã tìm được tiếng nói chung.
Ông Mạc Kim Chung (trong nhóm khiếu nại ở phường 3, quận Gò Vấp) cho biết, 47 hộ dân nhiều lần làm đơn khiếu nại yêu cầu chính quyền đền bù thỏa đáng khi thu hồi đất thực hiện dự án đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất. Căng thẳng kéo dài nhiều năm. Chính quyền ban hành nhiều văn bản giải quyết khiếu nại nhưng không thuyết phục người dân. Khi cơ quan Thanh tra Chính phủ vào cuộc, tổ chức đối thoại, sự việc bớt nóng dần. Kết quả của những lần đối thoại hai bên đã đi đến thống nhất, chính quyền điều chỉnh giá đền bù, còn người dân tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nếu không đối thoại, chưa biết đến bao giờ vụ việc mới giải quyết xong. 
Đặt mình vào hoàn cảnh của dân
Theo số liệu từ Thanh tra TPHCM, từ năm 2014 khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực, chỉ 3 năm trên toàn thành phố đã tổ chức tiếp trên 135.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trên 101.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân gửi đến các cơ quan chức năng, trong số đó 77.000 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước. Mỗi một lần tiếp công dân hay giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo ngay từ đầu, đã thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Để Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đi vào cuộc sống một cách thiết thực, người cán bộ cần có năng lực nghiệp vụ vững, tâm sáng, biết chia sẻ, thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân.
Đang tập trung toàn lực tháo gỡ từng bước các vụ việc khiếu nại trên địa bàn, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, chia sẻ còn rất nhiều việc phải làm nhưng dù vụ việc lớn hay nhỏ, muốn giải quyết khiếu nại có hiệu quả, cán bộ phải đặt mình vào vị trí người dân. Tất cả cán bộ làm công tác tiếp dân và người đứng đầu phải áp dụng triệt để. Lịch tiếp dân của quận và các phường phải công khai cho người dân biết để liên hệ. Người đứng đầu mà cụ thể là chủ tịch phải trực tiếp tiếp dân, giải quyết khiếu nại của người dân. Cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại không chỉ dựa vào tài liệu, văn bản tham mưu của cấp chuyên môn, mà phải xuống nhà dân để nắm tình tình.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết: Tại trụ sở, có lúc người dân vì quá bức xúc đã hành hung cán bộ tiếp dân. Nhưng cán bộ không vì thế mà xa dân mà phải gần dân hơn. Để giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, cùng với việc động viên người dân trở về địa phương, cán bộ Ban Tiếp dân Trung ương đã trực tiếp vào các địa phương. Riêng ở TPHCM, Ban đã phối hợp với UBND TPHCM tổ chức nhiều cuộc đối thoại, trực tiếp giải quyết khiếu nại. Sau những lần đối thoại và giải quyết hậu đối thoại đã góp phần làm nguội dần các điểm nóng khiếu nại, tố cáo.

Tin cùng chuyên mục