Đổi mới xúc tiến để thúc đẩy xuất khẩu

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Chế biến chả giò tại Công ty CJ Cầu Tre, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến chả giò tại Công ty CJ Cầu Tre, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo chỉ thị trên, những năm qua hoạt động xuất khẩu đã có bước tăng trưởng mạnh, bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 13,5%/năm. Xuất siêu được duy trì trong 2 năm 2016 và 2017. Đặc biệt, xuất khẩu năm 2017 đạt thành tích cao cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu của nước ta vẫn còn những hạn chế, tồn tại và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những rào cản đối với xuất khẩu. Các bộ ngành khẩn trương xem xét lại một số quy định đối với sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin giúp định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam tại các thị trường ngoài nước tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Trong lĩnh vực sản xuất, cần đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, gạo... Phát triển sản xuất công nghiệp gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương; gắn với phát triển quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh là dệt may, da giày, điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác đàm phán, hội nhập để phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Bộ Công thương chủ trì nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, giảm tỷ trọng của các hoạt động như tổ chức hội chợ, triển lãm hay tham gia hội chợ, triển lãm; chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung hạn và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể; chú trọng đào tạo, phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại (FTA), nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA; hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với thương hiệu các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình “Thương hiệu quốc gia”; ưu tiên hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam.

Đẩy mạnh hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chương trình “Thương hiệu quốc gia” nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, trái cây...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các hiệp hội, ngành hàng đẩy mạnh công tác thông tin thị trường cho hội viên để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động; đẩy mạnh thông tin tới hội viên về các mô hình quản trị hiện đại, tầm quan trọng của cải tiến mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm có thương hiệu đối với hoạt động xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục