Đổi mới không thể rập khuôn, nôn nóng

Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) vừa qua gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Năm học mới này, nhiều nơi tiếp tục triển khai nhưng cũng có nhiều nơi dừng thực hiện VNEN. 
Bộ GD-ĐT thì chỉ đạo chỉ triển khai VNEN ở những nơi có đủ điều kiện, ngược lại chưa đủ điều kiện thì dừng. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kết quả đánh giá tác động của VNEN. Báo cáo dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc WB với sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, Quỹ Dubai Cares, Chương trình hợp tác Giáo dục Toàn cầu (GPE) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mê Công. Tuy nhiên bản báo cáo đầy “màu hồng” này cũng khiến dư luận băn khoăn.

VNEN xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ Latinh. Từ năm học 2011 - 2012 đến cuối năm 2016, Bộ GD-ĐT được sự tài trợ của GPE, ủy thác qua WB đã nghiên cứu, thí điểm và triển khai dự án VNEN. Tuy nhiên, sau khi triển khai mô hình này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì đa số giáo viên “than” gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của nhiều học sinh. 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ GD-ĐT đang xây dựng thì vẫn còn một bộ phận giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được. Tiêu biểu là trong mô hình trường học mới, giáo viên tuy tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn (theo chuẩn cũ) là rất cao nhưng về phương pháp dạy học, kỹ năng hướng dẫn, truyền đạt vẫn còn hạn chế do chưa được chuẩn bị, tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp. Điều này dẫn đến tình trạng triển khai VNEN tràn lan, chất lượng chưa đảm bảo. 
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, bước vào năm học 2017 - 2018, số lượng đăng ký triển khai VNEN ở tiểu học tăng lên 4.800 trường tại 58 tỉnh thành với tỷ lệ 18% học sinh tham gia; cấp THCS có 1.500 trường trên 51 tỉnh thành tham gia với tỷ lệ học sinh là 13%. Như vậy, dù còn nhiều ý kiến trái chiều, thì số lượng trường đăng ký tham gia vẫn tăng lên. Đáng chú ý, dù dư luận còn nhiều lo lắng về mô hình này thì theo đánh giá của WB, qua giám sát điểm thi môn tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh VNEN có sức học bằng hoặc hơn các em ở lớp truyền thống. VNEN tác động tích cực đến việc phát triển kỹ năng nhận thức và phi nhận thức của trẻ em Việt Nam. Ở VNEN, học sinh có hoạt động khám phá và thảo luận mang tính sư phạm nổi bật hơn, có thêm cơ hội thực hành và giải quyết vấn đề thông qua cả hoạt động cá nhân và tập thể. So với mô hình truyền thống, học sinh VNEN có thời lượng hoạt động cá nhân tương tự, nhưng lớp học VNEN dành nhiều thời gian cho hoạt động của nhóm hơn, có thể mang lại hiệu quả giảng dạy cao hơn. Các trường học VNEN cung cấp thêm rất nhiều không gian cho học sinh phát triển và thực hành kỹ năng thế kỷ 21 như lãnh đạo, làm việc theo nhóm, học tập hợp tác, giao tiếp và tự học. Dựa trên phản hồi của phụ huynh về sự phát triển hành vi của con em trong 3 năm theo học VNEN, WB tổng hợp được kết quả: học sinh của VNEN có sự phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc tốt hơn các em học trường truyền thống.

Trước báo cáo đánh giá tác động VNEN do WB công bố gây nhiều ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, với phương pháp nghiên cứu khoa học, những số liệu thu thập thể hiện trong báo cáo là khách quan. Tuy nhiên, việc phân tích, rút ra nhận định vẫn ít nhiều mang tính chủ quan của người đánh giá. Nếu những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN được phân tích một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn để đưa ra cách giải quyết thì báo cáo sẽ hoàn thiện hơn.

Bản chất của phương pháp giáo dục theo VNEN là thực hiện phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, ở một số nơi chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Trong khi triển khai còn rập khuôn, máy móc, tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức nên kém hiệu quả, một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập như mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT phủ nhận thông tin cho rằng Bộ GD-ĐT “buông tay” với VNEN. Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu tạm dừng ở những nơi chưa đủ điều kiện và sẽ không “buông tay” mà sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới…

Việc đổi mới luôn phải đối diện với những khó khăn, vướng mắc về nhiều mặt, trong đó không tránh khỏi sẽ có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Khó khăn lớn nhất và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới vướng mắc trong việc triển khai VNEN là do việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo VNEN còn hạn chế, nhất là ở những địa phương triển khai mở rộng, cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự sẵn sàng. Điều đó cho thấy, khi thực hiện bất kỳ đổi mới nào, nhất là việc áp dụng kinh nghiệm, mô hình giáo dục của thế giới cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng mới thực hiện. Mọi sự nôn nóng, rập khuôn đều làm phát sinh hệ quả tiêu cực và vô hình trung làm mất lòng tin của xã hội.

Tin cùng chuyên mục