Đổi mới để chinh phục người tiêu dùng

Để tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã mạnh tay thay đổi thiết kế sản phẩm, thực hiện khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút người tiêu dùng. 
Dệt may tiếp cận người tiêu dùng nội địa qua các kênh phân phối hiện đại
Dệt may tiếp cận người tiêu dùng nội địa qua các kênh phân phối hiện đại

Thị trường tiêu thụ dệt may nội địa được nhận định là có sức tiêu thụ lớn, lên tới gần 4 tỷ USD; song việc tiếp cận của nhiều DN ngành này chưa thực sự hiệu quả cao như kỳ vọng. Theo các DN ngành dệt may, để chinh phục thị trường nội địa, từ mẫu mã sản phẩm, giá cả cho đến chất liệu vải cùng các chương trình khuyến mãi đã được DN liên tục đưa ra. Đơn cử như Tổng công ty 28 đã tập trung vào phân khúc khách hàng nam từ độ tuổi 25 trở lên, có mức thu nhập trung bình khá tới cao cấp. Đồng thời, xây dựng hệ thống kênh phân phối trên khắp cả nước, nhờ đó bước đầu sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hay như, Tổng công ty cổ phần Phong Phú ra mắt sản phẩm khăn và sợi lapyarn với tính năng vượt trội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Phong Phú tiếp tục phát triển dòng sản phẩm thời trang như các loại quần, áo, váy, vest, các sản phẩm dệt kim… “Để mở rộng thị phần, năm nay Phong Phú sẽ đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, thực hiện các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng, cũng như phát triển hoạt động kinh doanh online và các chiến dịch digital marketing”, đại diện Phong Phú cho biết. 

Thực tế, hàng dệt may Việt Nam chất lượng không thua kém gì hàng ngoại, bởi năng lực sản xuất của các DN Việt đã được chứng minh khi chúng ta xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm. Các thương hiệu hàng đầu thế giới như adidas, Nike... đều đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, với những giải pháp khá đồng bộ kể trên, nhiều DN dệt may kỳ vọng, việc kinh doanh tại nội địa của ngành sẽ tốt hơn trong năm nay. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho rằng ngoài việc DN chú trọng đổi mới mẫu mã, thiết kế và chịu trách nhiệm đến cùng cho sản phẩm làm ra để người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng, thì Nhà nước cần đưa ra giải pháp hiệu quả hơn nữa cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cụ thể là các đơn vị nhà nước phải quyết liệt hơn trong việc dùng sản phẩm trong nước. Ngoài ra, phía cơ quan truyền thông cũng phải tuyên truyền nhiều hơn để người tiêu dùng hiểu và quan tâm đến hàng Việt.

Tin cùng chuyên mục