Đọc sách của nhà báo

Vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 hàng năm, thị trường xuất bản đều cho ra mắt nhiều cuốn sách liên quan đến nghề báo, như một cách chia sẻ trải nghiệm cũng như kinh nghiệm về nghề cho những bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ gắn bó với nghề. Năm nay, những đầu sách ra mắt dịp này đa dạng và phong phú về thể loại, nội dung; được viết bởi chính những người đã và đang theo đuổi nghề báo. 
Những đầu sách ra mắt dịp này đa dạng và phong phú về thể loại, nội dung
Những đầu sách ra mắt dịp này đa dạng và phong phú về thể loại, nội dung

Sức hấp dẫn từ hiện thực

Nhà báo Nguyễn Chương giới thiệu đến độc giả tác phẩm Giáo sư Trần Văn Khê - Những câu chuyện chưa kể (NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành). Trong cuốn sách này, nhà báo Nguyễn Chương đã cần mẫn lắng nghe, cần mẫn ghi chép lại những tâm tình của GS Trần Văn Khê.

Dù có thể độc giả đã từng đọc bộ “Hồi ký Trần Văn Khê” phát hành vài năm trước, nhưng cuốn sách của nhà báo Nguyễn Chương vẫn có sự hấp dẫn riêng khi mang đến những câu chuyện được GS Trần Văn Khê đúc kết cả một đời để kể ra, để gửi đến quê hương và dân tộc Việt.

Đó là những câu chuyện với không ít chi tiết lần đầu được kể, hoặc khai thác sâu hơn đối với những chi tiết từng được biết đến. Nhờ đó, độc giả có may mắn được đọc những câu chuyện giản dị, sâu sắc làm nên tinh thần và cốt cách đáng quý ở GS Trần Văn Khê. 

Một sự hấp dẫn khác đến từ những trang đời, những phận người được phản ánh sinh động và chân thực qua tập phóng sự dày hơn 500 trang Đảo gió hú (NXB Trẻ) của nhà báo Ngọc Vinh. Những bài phóng sự trong sách, lâu nhất được viết vào năm 1991 - gần nhất là 2005; dù vậy, vẫn nóng hổi hơi thở cuộc sống đương đại.

Độc giả dễ dàng nhận ra đằng sau cuốn sách là một sự dấn thân, tinh nhạy trong phát hiện và triển khai đề tài của một người xem nghề báo là “chứng nhân của sự thật”; và hiểu nhà báo “phải đánh đổi bằng lao động khổ sai hoặc chính cái chết của mình”. Đọc những bài viết như “Thành phố những đứa trẻ mất tích”, “Rừng và máu”, “Cuối năm thăm trại người già”, “Giấc mơ của trẻ đánh giày”, “Những đứa trẻ sinh ra chờ… chết đuối”… vẫn không khỏi khiến độc giả hôm nay băn khoăn, suy ngẫm về thân phận con người. 

Không chỉ sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, Bùi Nguyễn Trường Kiên còn được biết đến là một nhà báo xông xáo. Dịp 21-6 năm nay, nhà báo Trường Kiên ra mắt bộ phóng sự “Sài Gòn một thuở chưa xa” (NXB Tổng hợp TPHCM).

Bộ sách gồm 3 tập: Những đồng tiền nghiệt ngã (tập 1); Ai đã quên lời thề Hippocrate? (tập 2) và Thầy ơi, thương lấy dân nghèo! (tập 3). Hơn 50 bài phóng sự từ 3 tập sách, được chọn lọc từ hơn 300 bài báo cùng thể loại, do nhà báo Trường Kiên thực hiện trong khoảng 10 năm cuối của thế kỷ XX (1988-1999) lúc đang công tác tại Báo Phụ Nữ TPHCM.

Đọc và bắt gặp những em bé đành giày, những người già bán vé số, dân móc cống, những cô gái làm nghề lái xe… lại khiến độc giả bồi hồi và rưng rưng, bởi chúng được viết ra “từ những rung cảm nơi sâu thẳm của trái tim” tác giả. 

Những trang viết đầy cảm xúc

Trong làng báo văn nghệ của thành phố, nhà báo Tiểu Quyên (hiện công tác tại Báo Phụ Nữ TPHCM) được nhiều đồng nghiệp đánh giá là một cây bút năng động và chăm chỉ. Không chỉ khiến đồng nghiệp ngạc nhiên về thành quả làm việc qua những bài báo, sự chăm chỉ của Tiểu Quyên còn thể hiện trong lĩnh vực văn chương.

Sau 5 tập truyện ngắn và 2 tập tản văn, mới đây chị cũng vừa ra mắt thêm tập tản văn thứ ba - Sông có bao giờ thẳng (NXB Phụ Nữ). Với lợi thế của nghề, Tiểu Quyên có những chuyến đi cả trong lẫn ngoài nước cũng như được tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau trong xã hội.

Đó chính là chất liệu quý giá để hình thành nên những trang văn sau này, mà tập tản văn vừa ra mắt mới đây là minh chứng cho điều đó. Điểm chung trong các bài tản văn của nhà báo Tiểu Quyên là luôn được viết mượt mà, nhiều cảm xúc nhưng vẫn chứa đựng những ưu tư, trăn trở với cuộc sống.

Cũng là một tập tản văn chứa đựng nhiều cảm xúc, nhưng tác phẩm Nối những vệt không gian (NXB Văn Học) của nhà báo Nguyễn Quang Hưng (Báo Nhân Dân) lại dẫn dắt bạn đọc trở về với nhiều không gian khác nhau. Đó có thể là vùng quê nào đó ở Bắc bộ, gợi nên sự yên bình và mộc mạc.

Hay cũng có thể là không gian phố phường trầm lặng ẩn đằng sau vẻ ồn ào, tấp nập mà đôi khi phải nhờ đến một sự tình cờ nào đó ta mới nhận ra: “Bất chợt dừng lại ở một góc phố, nhìn thật lâu cây lớn dù biết cây ấy đã ở với phố bao nhiêu năm rồi, đã bên những người qua lại và đã cùng với cửa nhà khuất mờ sau lửa đạn, sau những tiếng nổ rung trời”. 

Nguyễn Quang Hưng là một nhà báo đa tài, ngoài tản văn, anh còn sáng tác thơ, hát quan họ. Và đặc biệt, anh cũng là người dành sự quan tâm và mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Tác phẩm Nối những vệt không gian vừa ra mắt cũng có thể xem là một nỗ lực trong hành trình kiếm tìm và gìn giữ những vẻ đẹp, những trầm tích văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Gây chú ý từ thời sinh viên bởi giọng thơ trữ tình, cá tính; nhà báo Lữ Mai (Báo Nhân Dân) định hình trong ấn tượng của độc giả trước hết là một nhà thơ. Tuy nhiên, trên thực tế chị vẫn viết văn xuôi dù có phần lặng lẽ. Đến nay, sau hơn 10 năm sáng tác với các tác phẩm từng ra mắt như: Giấc (thơ, NXB Hội Nhà văn 2010); Hà Nội không vội được đâu (tản văn, NXB Văn học 2014, tái bản 2019); Mở mắt rồi mơ (thơ, NXB Hội Nhà văn 2015); Thời cách ngăn trống rỗng (thơ, NXB Hội Nhà văn 2019), dịp 21-6 năm nay, nhà báo Lữ Mai vừa ra mắt tập truyện ngắn đầu tay, Linh hồ (NXB Văn Học).

Truyện ngắn của Lữ Mai được viết tinh tế, nhiều ẩn dụ, lúc dữ dội lúc sâu lắng. 16 truyện ngắn chưa hẳn đã là nhiều nhưng đủ để bạn đọc tin tưởng và hy vọng vào tiềm năng văn xuôi của nữ nhà báo vừa bước qua tuổi 30 này.

Tin cùng chuyên mục