Doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề - Nhiều trở ngại

Gắn kết doanh nghiệp (DN) với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tuy nhiên, trên cả pháp lý lẫn thực tế, các DN và cơ sở GDNN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi phối hợp với nhau. 
Th.S HUỳnh Thị Thanh Thảo, Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, hướng dẫn sinh viên thực hành trên trang thiết bị hiện đại của trung tâm vi điều khiển. Ảnh: QUANG HUY
Th.S HUỳnh Thị Thanh Thảo, Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, hướng dẫn sinh viên thực hành trên trang thiết bị hiện đại của trung tâm vi điều khiển. Ảnh: QUANG HUY

Mới hợp tác trên tinh thần thiện nguyện

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TPHCM, cho biết Bộ luật Lao động áp dụng thực tế từ năm 2013 đã nhìn nhận vai trò của DN với công tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, 6 năm đã trôi qua, hiện nay, các DN mới chỉ hợp tác trên tinh thần thiện nguyện chứ chưa thấy được sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm tương xứng.
Từ phía các DN, các DN phản ánh, khi tham gia dạy nghề, DN phải bỏ ra nhiều chi phí, nhưng không rõ chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với DN ra sao? Với ngành đặc thù về cấp thoát nước và môi trường, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã thành lập Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực, chủ động nguồn lao động cho đơn vị. Công ty có 1.100 công nhân viên và đông đảo trong đó là đội ngũ kỹ thuật lành nghề, nhiều người đứng lớp dạy cho người lao động. Ông Lê Nhân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ vì trung tâm đào tạo thuộc DN, các chi phí đào tạo, DN chi trả.
Ông Nhân cho hay: “Các chính sách hỗ trợ cho DN đào tạo nghề chưa có nhiều và chúng tôi thật sự cũng… chưa thấy. Chủ yếu chúng tôi tự lo”. Luật chỉ quy định “khuyến khích” DN thành lập cơ sở dạy nghề, hoặc mở lớp dạy nghề tại đơn vị để đào tạo kỹ năng cho người lao động đang làm việc, nên ông Lê Nhân đề nghị không dùng từ “khuyến khích”, mà cần có chính sách cụ thể hỗ trợ DN tốt hơn. 
Cùng chia sẻ từ phía DN, bà Cao Thị Quỳnh Giao, CEO Shipping Gazette Việt Nam, thành viên Ban tư vấn đào tạo nghề Logistics, cho hay không phải DN không muốn tiếp nhận sinh viên, mà vì vướng nhiều rào cản. Nếu DN tiếp nhận sinh viên từ 1 đến 3 tháng vào thực tập, thực hành (không phải thực tập tốt nghiệp), DN có phải ký hợp đồng lao động không, ký thì ký thế nào, có phải đóng bảo hiểm xã hội cho các sinh viên này không? Nếu không ký hợp đồng lao động thì xem như DN phạm luật. Vậy thì DN không dám tiếp nhận sinh viên.
Một vấn đề khác bà Quỳnh Giao cũng tâm tư là những người giảng dạy cho người lao động trong DN: “Cử người làm trong DN đi dạy cho người lao động, cho sinh viên thì có vi phạm Bộ luật Lao động không, vì DN đã ký hợp đồng làm công việc cụ thể, giờ lại phân công họ làm thêm việc giảng dạy nữa có được không”.

Đại diện Công ty Pouyuen (100% vốn nước ngoài) cho biết, 100% công nhân của đơn vị là công ty tự đào tạo, vì nghề giày không có trường nào đào tạo chi tiết các khâu. Tuy nhiên, khi đào tạo xong, làm việc 1 - 2 năm công nhân rành nghề lại… đi nơi khác làm việc. Công ty Pouyuen đề nghị, cần có quy định ràng buộc, khi được đào tạo rồi thì người lao động cần gắn bó một thời gian nhất định với DN đã bỏ chi phí đào tạo công nhân. 

Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Giới sử dụng lao động (VCCI-HCM), nhận xét với quy mô 110.000 lao động của Pouyuen mà khi đào tạo xong, nhiều công nhân lại đi làm ở nơi khác thì DN đã đào tạo công nhân bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong bức tranh chung về sự gắn bó của người lao động với DN, bà Bùi Thị Ninh cho biết theo khảo sát của VCCI, năm 2013, người lao động sau khi được DN đào tạo đã tiếp tục làm việc trên một năm là 76%. Tỷ lệ này giảm dần, đến năm 2018 chỉ còn 63%, khiến DN “đau đầu”.

Bên cạnh đó, sau khi được đào tạo, người lao động chuyển sang DN khác làm việc, thì cũng giảm sút sự gắn bó, từ 95% làm việc theo hợp đồng chính thức (năm 2013) giảm còn 85% (năm 2018). Mối quan hệ ngắn hạn, lỏng lẻo giữa người lao động với DN dẫn tới 2 hậu quả: kỹ năng DN đào tạo theo tính đặc thù, người lao động sẽ không sử dụng được khi chuyển việc, gây lãng phí; sự bỏ việc nhiều làm nản lòng các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhiều tới chính sách, chiến lược của DN khi đầu tư vào đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật. 

Nhiều quy định chưa đi vào thực tế 

TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN), nêu câu hỏi: “Tại sao chúng ta có nhiều quy định tạo thuận lợi cho DN tham gia GDNN, nhưng những quy định này vẫn chưa lôi kéo được sự tham gia thực chất của DN”. Bà Bùi Thị Ninh cho rằng do còn quá nhiều bất cập, rào cản ngay từ chính các quy định. Quy định người học nghề là từ 14 tuổi trở lên, 2 bên phải ký hợp đồng đào tạo nghề. Tuy nhiên, độ tuổi lao động lại từ 15 tuổi trở lên (nếu 14 tuổi, học nghề mấy tháng, học xong sẽ… làm gì khi chưa đến tuổi lao động); không có quy định hướng dẫn cụ thể về hợp đồng đào tạo nghề về thời hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm mỗi bên.

Hiện nay, cũng chưa có quy định về hình thức đào tạo tại chỗ của DN: đội ngũ giảng viên tại DN, tiêu chuẩn, chứng nhận, quan hệ lao động, hợp đồng lao động đối với nhóm lao động này… DN đặt hàng với cơ sở GDNN để đào tạo, hoặc nhà trường tuyển và đào tạo theo đặt hàng của DN, vậy hợp đồng đào tạo và nghĩa vụ cụ thể các bên ra sao? Đặt cọc đào tạo như thế nào, nếu đào tạo xong, người lao động bỏ việc ở DN thì nhà trường có chịu trách nhiệm không? 

Doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề - Nhiều trở ngại ảnh 1 Th.S Nguyễn Thanh Đức, giảng viên Khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM), hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành trên máy. Ảnh: QUANG HUY
TS Vũ Xuân Hùng đề nghị, cần xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp 3 bên giữa Nhà nước - nhà trường - nhà DN. Trong đó, phân định rõ nội dung thực hiện quyền và trách nhiệm của DN. Ông Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi, cho rằng điều quan trọng là các cơ sở GDNN không nên ngồi chờ DN đến với mình, mà hãy chủ động tìm đến DN. Các trường nên đưa ra chương trình, cách đào tạo của mình là thực tế, chất lượng để thuyết phục, mời gọi DN tham gia. Ở phía DN, ông Dũng đề nghị, các DN cũng cần chủ động hơn, nếu có nhu cầu như thế nào về nhân lực, cần trao đổi rõ với các hiệp hội ngành nghề, cơ quan chức năng và các trường, để cung cấp kịp thời.

Ông ĐẶNG MINH SỰ, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB-XH TPHCM: Nghẽn trong đào tạo kép

DN đang đặt ra vấn đề được hỗ trợ, quyền lợi gì từ chính sách của Nhà nước và nghĩa vụ ra sao nếu DN tham gia đào tạo nghề? Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, tôi cũng chưa biết hướng dẫn sao cho DN để DN được lợi trong đào tạo nghề. Năm 2018, Bộ LĐTB-XH có Thông tư 32 về hướng dẫn hỗ trợ người lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa học nghề. Tôi băn khoăn lắm, nghiên cứu văn bản cả tháng nay và chưa biết hỗ trợ như thế nào? Thông tư có nói tương đối rõ về đối tượng thụ hưởng là người nghèo, cận nghèo, phụ nữ, người khuyết tật, người diện thu hồi đất… Nhưng DN đào tạo cho đối tượng này, thì ngành tài chính có chi không, chi dựa trên quy định nào? Tôi đề nghị, đã là luật thì bỏ chữ “khuyến khích”, mà cần cụ thể, đặt thẳng vấn đề hỗ trợ, để áp vào làm ngay, DN thấy lợi ích là làm. 

Về đào tạo kép (đào tạo 30% lý thuyết ở cơ sở GDNN, 70% thực hành ở DN), TPHCM đang chú trọng điều này. Nhưng chi tiền thế nào cho cơ sở GDNN, hay chi cho DN và mức chi ra sao? Nên vấn đề đào tạo kép ở TPHCM đang “treo”. Trong việc đào tạo, các thợ cả đào tạo cho người lao động thì thợ cả cần học thêm nghiệp vụ sư phạm nghề. Trường sẵn sàng tới DN đào tạo nghiệp vụ sư phạm nghề, nhưng nếu vậy, lại vướng quy định là đào tạo ngoài địa chỉ, đào tạo vượt quá chỉ tiêu. Tôi đề nghị, với nghiệp vụ sư phạm nghề của thợ cả trong DN, cần quy định thoáng hơn, cho đào tạo ngoài chỉ tiêu, tạo thuận lợi cho đào tạo kép. 

Bà LÊ NGUYỄN DUY OANH, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TPHCM): DN nhỏ và vừa đang tự bơi

95% DN có quy mô nhỏ và vừa, làm sao liên kết được dạy nghề ở DN? Riêng ngành khuôn mẫu là ngành chủ đạo trong công nghiệp nặng, ngành bắt đầu trong các ngành cơ khí, chế tạo, ép nhựa, thế nhưng Việt Nam không có khoa nào đào tạo về khuôn mẫu, trường nghề không, đại học không. Phải xem xét lại, ngành khuôn mẫu đang nằm ở đâu trong đào tạo nghề? Tương tự, chúng ta nói phát triển ngành điện tử, nhưng thật ra mới làm được ở mảng điện gia dụng và giờ cũng không biết tìm kiếm nhân sự có nghề ở đâu? Tôi đề nghị trong chiến lược phát triển GDNN, cần đào tạo các ngành theo nhu cầu thị trường và tạo ra cơ hội tiếp cận cho DN nhỏ và vừa, không để DN tự bơi. Tôi mong Sở LĐTB-XH làm sao trong vòng 3 - 5 năm nữa giải quyết được bài toán về nhân lực ngành cơ khí chế tạo cho TPHCM.

TS VŨ XUÂN HÙNG, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy: Được miễn thuế thu nhập DN khi đào tạo nghề

Theo Luật GDNN, các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Gồm các chi phí như xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị để dạy nghề; chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị, vật liệu thực hành; chi phí đào tạo của DN cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại DN; các hoạt động tài trợ phục vụ giảng dạy, học tập, tài trợ học bổng…

DN trong lĩnh vực GDNN được áp dụng thuế suất 10%. Miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập DN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực GDNN (9 năm đối với địa bàn khó khăn). DN được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng phục vụ cho giáo dục đào tạo trong nước không sản xuất. DN còn được thụ hưởng các chính sách khác: giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất và miễn tiền thuê đất… Với DN nhỏ và vừa, khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc dưới 3 tháng thì được miễn chi phí đào tạo. DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại DN nhưng không quá một lần/năm ª

Tin cùng chuyên mục