Doanh nghiệp nhựa tìm hướng cạnh tranh nội địa

Không dừng lại ở những sản phẩm nhựa thông thường, giờ đây, các sản phẩm nhựa được sản xuất theo hướng chất lượng cao, thẩm mỹ và tinh xảo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng chất lượng cao của khách hàng  trong nước và xuất khẩu. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn đang chuộng chọn các sản phẩm xuất xứ ngoại, cho nên các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa để chinh phục khách hàng. 

Từng bước tiếp cận khách hàng trong nước 

Không thể phủ nhận, sản phẩm nhựa đã góp mặt trong đời sống mỗi gia đình và giúp tiện lợi hơn, nhựa làm nên nhiều đồ gia dụng, từ những chiếc cốc uống nước, cái chén, đôi đũa đến những vật dụng to hơn như tủ, ghế, bàn… Dù sản phẩm phong phú nhưng người tiêu dùng nên chọn lựa kỹ càng khi quyết định sử dụng các vật dụng bằng nhựa. Bởi lẽ, nếu không được sản xuất từ những nguyên liệu nhựa sạch và công nghệ tiên tiến thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người sử dụng.  

Như chia sẻ của ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngoài phát triển thị trường xuất khẩu, lượng tiêu thụ trong nước của ngành nhựa cũng gia tăng.

Theo dự báo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, dung lượng thị trường rộng, bao phủ hầu hết các ngõ ngách tiêu dùng của đời sống (nhựa gia dụng, bao bì…) cho đến phục vụ các ngành sản xuất khác, mở ra cơ hội cho nhựa kỹ thuật cao như ô tô, xe máy, điện tử, điện gia dụng, y tế, văn phòng…

Tuy nhiên, mức độ sử dụng nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam mới đạt 41kg - 45kg/người/năm, so với thế giới còn rất thấp (Thái Lan hiện là 100kg/người/năm, Nhật Bản 200kg, Mỹ từ 200kg - 300kg…). Từ đó cho thấy, dư địa phát triển ngành nhựa được đánh giá là còn rất lớn.

Hiện tại, các doanh nghiệp ngành nhựa đang nỗ lực đổi mới để ngày càng sản xuất ra những sản phẩm cao cấp hơn nhằm cạnh tranh với hàng nhập khẩu và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp nhựa tìm hướng cạnh tranh nội địa ảnh 1 Sản phẩm túi nhựa đựng thực phẩm sản xuất theo hướng tự hủy để bảo vệ môi trường
Nếu như trước đây, hình ảnh của doanh nghiệp nhựa thường là những công ty gia đình, công ty tư nhân có quy mô nhỏ lẻ, thì nay cùng với xu thế hội nhập và sự hỗ trợ quyết liệt bằng các chính sách của Chính phủ, doanh nghiệp ngành này đang lớn mạnh và duy trì sự phát triển qua từng năm.

Hiện, doanh nghiệp nhựa nội địa đang cạnh tranh sòng phẳng với các công ty nước ngoài cũng như các mặt hàng nhựa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Đơn cử như, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh đã đưa ra chiến lược hoạt động từ năm 2017 là chấp nhận không tăng giá bán dù giá nguyên liệu nhựa đã tăng mạnh; tăng chiết khấu cho các đại lý trong nước thêm 4%. Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh cũng chi mạnh cho quảng bá và đưa thêm những sản phẩm mới như ống nhựa PP-R, PVC-U ra thị trường.

Sắp tới, Nhựa Bình Minh vẫn sẽ theo đuổi chiến lược tập trung vào mảng cốt lõi (ống nhựa), đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới nhiều phân khúc cũng như tăng cường bán hàng, tiêu thụ sản phẩm qua đấu thầu các dự án, công trình.

Đặc biệt, Nhựa Bình Minh sẽ liên doanh liên kết với các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà tư vấn, thiết kế, nhà thầu xây dựng... để tạo thành chuỗi liên kết.

Trong khi đó, Nhựa Rạng Đông khẳng định cũng sẽ nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, tăng mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước, tăng xuất khẩu... với mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và mở rộng thị phần.

Đổi mới công nghệ để xuất khẩu 

Trước sức ép cạnh tranh của các sản phẩm nhựa nhập khẩu cũng như hàng loạt các doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam đang nỗ lực tìm hướng đổi mới công nghệ, nhà xưởng… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Một điểm đáng chú ý là những doanh nghiệp có thế mạnh nội địa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nhà xưởng, liên kết cùng các tập đoàn đa quốc gia khác để tập trung đầu tư sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông vào tháng 5-2018 đã hợp tác cùng Tập đoàn Sojitz Pla-Net (Nhật Bản) chuyên về các sản phẩm chất dẻo kỹ thuật, đầu tư 32 triệu USD xây dựng nhà máy tại tỉnh Long An.

Giai đoạn 1 của nhà máy vừa đi vào vận hành. Sojitz Pla-Net sẽ giúp Nhựa Rạng Đông kiểm soát nguyên liệu và đạt các mục tiêu kinh doanh, tạo ra những sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn quốc tế có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước và thế giới.

Hay như, Công ty Nhựa An Phát đã đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy số 6 (công suất 3.000 tấn/tháng) và số 7 (công suất 800 tấn/tháng), chuyên xuất khẩu sản phẩm túi nhựa sinh học và bao bì màng mỏng.

Còn Công ty Nhựa Tiền Phong sáp nhập Công ty Nhựa Năm Sao và nâng công suất nhà máy tại miền Trung lên hơn 15.000 tấn/năm. Nhựa Đông Á cũng đang tìm cách nâng công suất nhà máy sản xuất tấm profile, với kỳ vọng đứng đầu lĩnh vực nhựa xây dựng và vật liệu quảng cáo…

Theo chia sẻ của ông Dương Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn, hiện nay doanh nghiệp này vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh nhờ có những khách hàng lớn, ổn định. Nền tảng cho điều này nằm ở việc tập trung đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ, sản xuất thành công một số loại bao bì phức tạp từ công nghệ mới, làm giảm giá thành sản phẩm...

Ngoài ra, hiện nay cơ hội tốt cho sự phát triển ngành nhựa còn là sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp thực phẩm với xu hướng chọn các loại bao bì cao cấp, chất lượng.

Trong 10 năm qua, ngành nhựa có mức tăng trưởng 15% - 20%/năm, đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 477.000 tấn nhựa. Ngành nhựa hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp, trong đó gần 84% doanh nghiệp tập trung ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu; miền Bắc chiếm 14,22% và miền Trung gần 2%. Các sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp nhựa Việt Nam gồm bao bì, sản phẩm tiêu dùng, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục