Doanh nghiệp Nhà nước miễn cưỡng công bố thông tin

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Vì sao nhiều doanh nghiệp nhà nước không công khai thông tin theo luật mà chả thấy bị xử lý gì? Liệu có phải do kết quả tồi tệ không dám công khai, hay động cơ nào khác”?

Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo
Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 19-7, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước ra khỏi những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như bia, sữa, giày dép, may mặc…, đồng thời chấn chỉnh công tác công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trình bày báo cáo về nội dung nói trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM), trong những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước không phải quá tồi nhưng xét về góc độ tài chính thì tỷ suất lợi nhuận đang giảm: ROE - tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu - giảm 39%, ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản) giảm 30% từ 2011 – 2016.

Dẫn đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội công bố tại kỳ họp vừa qua, "hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp", ông Trung nhận định, hiện chưa có cơ quan nào đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi đánh giá doanh nghiệp đầy đủ, toàn diện.

“Mỗi bộ tham gia một mảng nên kết quả giám sát phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của các bộ, hệ quả là chia cắt không đảm bảo yêu cầu thường xuyên liên tục của giám sát”, chuyên gia CIEM thẳng thắn bình luận.

Vẫn theo ông Phạm Đức Trung, tình trạng thiếu thông tin về vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế đã khiến cho việc trả lời câu hỏi “vốn nhà nước hiện đang nằm ở bao nhiêu doanh nghiệp, giá trị thực tế thế nào” trở nên thiếu chính xác, thậm chí trong một số trường hợp còn là bất khả.

Đặt vấn đề tình trạng thiếu thông tin là trách nhiệm của các chủ sở hữu, các bộ ngành, cộng với căn bệnh ưa thành tích, giấu khiếm khuyết, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Vì sao nhiều doanh nghiệp nhà nước không công khai thông tin theo luật mà chả thấy bị xử lý gì? Liệu có phải do kết quả tồi tệ không dám công khai, hay động cơ nào khác”?

Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung thì nhấn mạnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần chỉ đạo về việc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước công khai minh bạch thông tin theo đúng các quy định tại nghị định của Chính phủ, “nhưng doanh nghiệp không làm cũng chả sao; vẫn không làm và rồi cũng vẫn không sao” (?).

Đẩy mạnh cổ phần hóa tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ để định hình phạm vi sở hữu là một kiến nghị quan trọng từ ông Trần Đình Thiên. TS Thiên cho rằng, rất khó để giám sát, khi mà doanh nghiệp Nhà nước được xác định thuộc thành phần chủ đạo, là một trong những trụ cột quan trọng nhất của thành phần này. “Một xin, một cho cùng một nhóm thì giám sát thế nào? Rất khó khách quan được”, ông nói.

Khẳng định thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bước tiến bộ theo cơ chế thị trường, song Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải thiết kế thể chế để ủy ban này hoạt động đúng vai trò thì mới phát huy được tác dụng như mong muốn.

Theo TS Cung, không thể áp dụng quy tắc chung cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước đối với ủy ban này, mà cần có những động lực thúc đẩy riêng. Người đứng đầu CIEM phát biểu: “Cơ quan này “ngồi” trên đống tiền, chứ không thiếu tiền. Cái thiếu là động lực làm việc cho những con người ở đó”.

Tin cùng chuyên mục