Doanh nghiệp bắt nhịp thị trường tiêu dùng xanh

Cùng với cuộc vận động giảm thiểu rác thải nhựa do Chính phủ phát động, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã có những giải pháp trong hoạt động sản xuất nhằm giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và chất thải nói chung. Đây được xem là bước chuyển đổi mạnh mẽ của DN nhằm bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh trên thị trường hiện nay. 
Doanh nghiệp đóng gói sản phẩm bằng hộp giấy. Ảnh: THÀNH TRÍ
Doanh nghiệp đóng gói sản phẩm bằng hộp giấy. Ảnh: THÀNH TRÍ

Lo với rác thải ô nhiễm

Phân tích về hiện trạng sử dụng nhựa tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam sử dụng và thải ra đại dương khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới. Hiện Việt Nam đang bị xếp vào tốp những quốc gia có mức tiêu thụ bao bì nhựa lớn trên thế giới. 

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, chỉ tính riêng bao bì nói chung (bao gồm túi ni lông và bao bì thực phẩm), mỗi năm thải ra môi trường khoảng trên dưới 20 tỷ túi. Thế nhưng, việc vận động giảm thiểu sử dụng nhựa chỉ mới dừng lại ở giảm túi ni lông, còn lượng lớn bao bì thực phẩm chưa được đề cập đến. 

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp, thông tin hiện công ty đang lấy nguồn nước thô khu vực sông Sài Gòn, xử lý và cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ gia đình trên địa bàn thành phố.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, việc lấy nước thực sự rất khó khăn do nguồn nước lẫn tạp chất bao bì nhựa. Đặc biệt, với những bao bì thực phẩm chứa chất dầu ăn thường bị chìm xuống đáy hồ hoặc nổi lưng chừng mặt nước, nên rất khó trục vớt hoặc lọc. Công ty cũng đã đầu tư thêm lưới chắn lọc nhựa, nhưng có những bao bì nhựa thực phẩm nhỏ vẫn lọt qua lưới khiến cho việc vận hành hệ thống xử lý nước gặp rất nhiều khó khăn. 

Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia môi trường cho biết những bao bì thực thẩm nhỏ nói riêng, vi chất nhựa, rác thải nhựa nói chung, khi trôi ra sông, biển thường dễ bị các thủy sinh vật nhầm tưởng là thức ăn. Trên thực tế, hệ sinh thái biển đang bị suy giảm nghiêm trọng do ăn phải thức ăn nhựa trên. 

Về phía Bộ TN-MT phân tích thêm, trung bình mỗi năm Việt Nam tiếp nhận khoảng 12 triệu tấn rác thải. 90% trong tổng lượng rác được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Do vậy, khó tránh khỏi tình trạng ô nhiễm thứ cấp từ bãi chôn lấp rác và một lượng lớn rác thải phát tán ra môi trường tự nhiên. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam tại TPHCM, khẳng định rào cản kỹ thuật về môi trường đang được áp dụng khá phổ biến tại hầu hết thị trường xuất khẩu. Để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường trên thế giới, DN không chỉ thực hiện đủ tiêu chuẩn an toàn môi trường, mà sản phẩm sau khi sử dụng phải có khả năng tái chế cao hoặc tự phân hủy vào tự nhiên. 
Khuyến khích phải đi đôi với chế tài đủ mạnh

Giảm thiểu sử dụng nhựa để giảm rác thải nhựa là cấp thiết. Hiện nhiều DN trong nước đã đưa ra nhiều giải pháp để cùng người tiêu dùng thực hiện vấn đề này. Co.opmart đã chủ động thay thế túi ni lông khó phân hủy sang túi ni lông tự hủy và áp dụng trên toàn hệ thống; sử dụng vật liệu thân thiện để đóng gói sản phẩm thực phẩm…

Những “ông lớn” khác chuyên kinh doanh các mặt hàng ăn uống như Highlands coffee, KFC, Lotte… cũng lần lượt áp dụng nhiều giải pháp giảm giá, khuyến mãi để hỗ trợ người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, túi sử dụng nhiều lần thay cho túi ni lông, sử dụng vật dụng cá nhân thay túi nhựa, ly nhựa… khi mua hàng. 

Còn với những DN sản xuất, việc đưa giải pháp xanh vào sản xuất như tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng xanh thay cho năng lượng hóa thạch, giảm thiểu sử dụng ni lông trong khâu đóng gói bao bì sản phẩm… cũng đã được tính đến và áp dụng.

Đại diện Tập đoàn An Phát cho biết, công ty đã phát triển thành công các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn làm từ tinh bột (mang nhãn hiệu AnEco), nhằm thay thế cho túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần thông thường. Không dừng lại đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã đưa ra các chính sách chỉ ký kết hợp đồng đối tác với những DN đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. 

Tuy nhiên, để tạo thói quen sống thân thiện với môi trường cho cộng đồng và DN, bên cạnh những giải pháp khuyến khích, vẫn cần biện pháp chế tài đủ mạnh. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, dẫn chứng việc thực hiện phân loại rác tại nguồn là cơ sở đầu tiên để giảm thiểu lượng rác chôn lấp, tăng tỷ lệ rác tái chế; nhưng để có thể triển khai đồng bộ trên cả nước, cần có hình thức xử phạt nặng với những hộ gia đình không thực hiện. 

Mặt khác, Chính phủ đã ban hành chính sách thuế môi trường. Theo đó, với túi ni lông không phân hủy, mỗi ký chịu mức thuế 150% - 200%. Đây được xem là mức thuế đủ nặng, nhưng việc thu thuế này hiện đang còn bị bỏ ngỏ tại nhiều địa phương nên tác động không cao. Do vậy, vẫn rất cần những biện pháp chế tài mạnh tay từ phía cơ quan chức năng với từng hành vi vi phạm môi trường, hoặc không thực hiện hoạt động giảm thiểu chất thải nói chung.

Tin cùng chuyên mục