Đoạn tuyệt với tư duy “xấu đều hơn tốt lỏi”

“Đã đến lúc phải xóa bỏ tư duy “xấu đều hơn tốt lỏi”, đừng ngần ngại thiết kế những chính sách vượt trội thì mới mong tạo được những đầu tàu phát triển kinh tế” - đó là thông điệp mà nhiều ĐBQH và các chuyên gia gửi đến cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật Hành chính - kinh tế đặc biệt.
Dự án sẽ được trình Quốc hội và được thảo luận tại các tổ ĐBQH trong ngày hôm nay 10-11.
Bình luận về dự án luật này, tại hội thảo “Chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” (vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan soạn thảo dự luật tổ chức tại Hà Nội), chuyên gia Marcin Milosz, Nhóm tư vấn Công ty TNHH Tư vấn Boston nhận định, dự thảo luật “thực sự rất quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế đang cân nhắc đầu tư vào khu vực Đông Nam Á; đã có được các chính sách quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các đặc khu, từ mô hình thể chế tách bạch rõ ràng về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu; các chính sách ưu đãi đầu tư, các thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi”…
Chuyên gia Patric Tay, Phó tổng Giám đốc phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế của PriceWaterHouseCoppers (PwC - Malaysia) thì đúc kết một cách ngắn gọn rằng: “Chỉ có một bộ luật siêu hạng mới có thể đảm bảo cho sự thành công của một đặc khu siêu hạng”. Dự thảo luật vừa được trình, theo ông Patric Tay, “đã có được những nền tảng tốt, đảm bảo 3 yếu tố quan trọng cho sự thành công của các đặc khu, nhưng chưa hoàn hảo, bởi vì một bộ luật siêu hạng không chỉ chứa đựng những chính sách tốt nhất hiện tại, mà phải đón trước được xu thế tương lai, khi chuỗi giá trị toàn cầu đang phát triển như vũ bão”.

Có cùng quan điểm về sự cần thiết tạo ra môi trường pháp lý “siêu hạng” cho các đặc khu, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật nhận định, làm luật về đặc khu là xây dựng chính sách để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, để thu hút họ tham gia tạo nên những động lực phát triển kinh tế. “Dự luật đã đưa ra một số cơ chế tốt, nhưng vẫn chưa đủ tốt. Điều mà các doanh nghiệp đang rất cần là cơ chế để giải quyết thủ tục thật nhanh, thật thuận lợi. Thế mà khi đưa ra thiết chế Trưởng đặc khu với một số quyền hạn đặc biệt thì đã có ý kiến ngần ngại rủi ro lạm quyền. Trong khi, nếu quy định như dự thảo luật thì thiết chế này còn khá “chơi vơi”, nếu xếp theo thứ bậc hành chính của Việt Nam. Thực tế khi làm việc tại các tỉnh, trao đổi với những người như trong dự thảo luật có khả năng bổ nhiệm làm Trưởng đặc khu, tôi thấy họ đều bày tỏ quan ngại nếu được giao nhiệm vụ này”, TS Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn.

Lưu ý rằng đây không chỉ là một “đặc khu” về kinh tế, mà gắn liền với đó là hành chính, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần có đủ bản lĩnh để không rơi vào tình cảnh “nghe mỗi người tham gia một ý thì lùi lại một tý”. Ông Đặng Hùng Võ nói: “Chính sách cho các đặc khu này vẫn chưa đạt được mức dẫn đường cho đặc khu phát triển. Ở các đặc khu này mà vẫn chỉ áp dụng hành chính một cửa thì cũng không mới hơn gì, vì tới đây cơ chế 1 cửa sẽ được áp dụng cho cả nước. Tại sao không là 100% thủ tục hành chính điện tử? Dự thảo luật đã cho phép thế chấp bằng tài sản trên đất, nhưng lại chưa cho phép thế chấp quyền sử dụng đất. Hoàn toàn có thể cho phép điều này, bởi quyền sử dụng đất cũng chỉ có thời hạn. Cần có cách tiếp cận thật sự thị trường đối với đất đai ở đặc khu”. Về mô hình quản lý hành chính, GS Đặng Hùng Võ đề nghị chọn phương án 1 có điều chỉnh. Theo đó, chính quyền đặc khu là chính quyền đô thị một cấp và tốt nhất là trực thuộc Trung ương chứ không phải trực thuộc cấp tỉnh như trong dự thảo. 

“Tôi biết cả 3 tỉnh có đặc khu được đề xuất hiện nay đều chọn phương án thuộc tỉnh, nhưng không nên như vậy. Hãy dũng cảm “dứt” hẳn ra và trình độ phát triển của công nghệ thông tin hiện tại hoàn toàn cho phép xây dựng các đặc khu thành loại đô thị thông minh; chính quyền đặc khu có thể quản lý chặt chẽ đến từng con người cụ thể. Như thế mới là vượt lên so với các yêu cầu sửa đổi chính sách pháp luật hiện nay. Lo xa là cần thiết, nhưng lo xa quá mức thì thành ra lại kìm hãm phát triển” - GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm. 

Không lâu sau đổi mới, vào năm 1992, những gợi ý đầu tiên về việc thành lập đặc khu đã được nhắc tới. Vậy mà cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu thực sự nào, để có thể trở thành cực tăng trưởng kinh tế cho đất nước, cũng như trở thành “phòng thí nghiệm” cho cải cách thể chế. Luật Hành chính - kinh tế đặc biệt, một khi được hoàn thiện, thông qua là điều kiện cần (dù dĩ nhiên là chưa đủ) để biến giấc mơ đặc khu trở thành hiện thực, sau hơn ¼ thế kỷ thai nghén.

Nhìn rộng hơn một chút, có lẽ đã đến lúc phải đoạn tuyệt với tư duy cào bằng, “xấu đều hơn tốt lỏi”. Chẳng thế mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phải trần tình rằng, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông không đi qua một số địa phương, trong đó có cả quê hương ông cũng như nơi ông từng làm lãnh đạo, nhưng đó là phương án đúng. Vì có tạo điều kiện cho các tỉnh có tiềm năng bứt phá lên, giàu có hơn thì mới có cơ hội cải thiện tình hình kinh tế chung của đất nước; tạo ra sức lan tỏa đến các địa phương khác. Và lúc đó ngân sách dồi dào hơn, có thể hỗ trợ, san sẻ gánh nặng cho các tỉnh khó khăn một cách hiệu quả hơn.  

Tin cùng chuyên mục