Đô thị vệ tinh vẫn ì ạch

Trong số 4 khu đô thị được quy hoạch, chỉ có Khu Công nghệ cao là “chạy đều”.
Khu dân cư tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, khu Nam TPHCM
Khu dân cư tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, khu Nam TPHCM
Theo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010, TP sẽ có 4 khu đô thị mới gồm Khu Nam, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị cảng Hiệp Phước và Khu Công nghệ cao. Các khu đô thị này không chỉ thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho TP mà còn để giải quyết bài toán gia tăng dân số, áp lực hạ tầng của khu nội thành cũ. Tuy nhiên, tình hình triển khai các khu đô thị mới này còn khá chậm. 

Chỉ 1 khu đô thị khởi sắc

Trong số 4 khu đô thị được quy hoạch, chỉ có Khu Công nghệ cao là “chạy đều”. Hiện tại, khu đô thị này đã hình thành tại quận 9 với diện tích 913ha, hạ tầng kỹ thuật hoàn thành khoảng 85%, cấp giấy chứng nhận đầu tư khoảng 82% (60% trong số này đã triển khai xây dựng, chủ yếu là các cơ sở công nghiệp, hỗ trợ công nghiệp). Trong tương lai, TP vẫn xác định hướng Đông Bắc là trục động lực phát triển chính, khoa học công nghệ là nội dung then chốt trong hoạt động của tất cả các ngành trong khu. Với mục tiêu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với kinh tế tri thức, TP dự kiến sẽ hình thành các khu công nghệ cao mới gồm dự án Công viên Khoa học và Công nghệ tại phường Long Phước, Khu Công viên phần mềm Quang Trung 2…

Trong khi đó, tại Khu Nam TP, trừ khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã được đầu tư hoàn chỉnh, còn lại hầu hết là dự án xây dựng manh mún. Tình hình đầu tư xây dựng trên Khu Nam chỉ khoảng 30% - 35% trong tổng diện tích quy hoạch hơn 3.000ha, chủ yếu tập trung khu A và một số khu chức năng lân cận. Theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), hạ tầng trong khu chưa có sự kết nối giữa các khu chức năng đô thị (dạng chuỗi) trên dọc tuyến Nguyễn Văn Linh, khu vực logistic, trung tâm thương mại và các khu đại học tập trung khó mời gọi đầu tư do hạn chế về kết nối giao thông, đặc  biệt là giao thông công cộng, các tiện ích đô thị chưa đồng bộ. Các dự án được chấp thuận đầu tư vẫn mang tính nhỏ lẻ, do chưa mạnh dạn lựa chọn khu đô thị quy mô lớn giao cho nhà đầu tư có năng lực. 

“Đìu hiu” nhất là Khu đô thị Tây Bắc, cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư. Quá trình phát triển khu đô thị này gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có quy mô 6.000ha thuộc một phần huyện Hóc Môn và một phần huyện Củ Chi, dân số dự kiện khoảng 300.000 người. Nếu Khu Công nghệ cao và Khu Nam là trung tâm cấp TP thì Khu đô thị Tây Bắc là trung tâm cấp khu vực phía Tây Bắc, với các chức năng trung tâm thương mại, dịch vụ, hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa - thể dục thể thao, vui chơi giải trí, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ đô thị nhằm giảm áp lực của nội thành, điều tiết dân số, lao động ở khu vực trung tâm hiện hữu. Thế nhưng, hiện tại vẫn chưa có dự án thành phần nào được triển khai đầu tư xây dựng do thiếu động lực phát triển, đặc biệt là quốc lộ 22 chưa được đầu tư mở rộng nên giao thông kết nối từ khu trung tâm nội thành hiện hữu đến Củ Chi vẫn còn hạn chế. 

Với Khu đô thị cảng Hiệp Phước, nguyên nhân chậm triển khai là do còn nhiều vấn đề về quy hoạch. Theo quy hoạch được duyệt, Khu đô thị cảng Hiệp Phước có diện tích 3.911ha, trong đó phần đô thị là 1.354ha, công nghiệp cảng là 1.740ha, còn lại là diện tích mặt nước. Dự kiến khu sẽ là hướng kết nối trục giao thông từ trung tâm TP về phía Nam và là động lực phát triển toàn khu vực Nhà Bè, quận 7. Hiện các cơ quan chức năng đang rà soát ranh khu dân cư hiện hữu để giải quyết nhu cầu cho người dân, tách ranh hiện hữu để thực hiện dự án, nên quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 vẫn chưa hoàn thành để làm cơ sở triển khai dự án.

Rà soát lại quy hoạch

Hiện nay, với tình phát triển kinh tế - xã hội của TP cũng như các tác động bên ngoài, việc quy hoạch - đầu tư các khu đô thị mới cần được rà soát và tính toán lại cho phù hợp. Đối với Khu Nam, Sở QH-KT đề xuất điều chỉnh và nghiên cứu các khu chức năng đặc thù như công viên khoa học, logistic (kho vận), khu đô thị chuyên gia… để tăng tính thu hút đầu tư, giảm áp lực về hạ tầng xã hội, nghiên cứu mô hình phát triển theo tuyến. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh và xác định các cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa các lĩnh vực công viên cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí dạng chuyên đề kết hợp khai thác kinh doanh. Còn với Khu đô thị Tây Bắc, đầu tư phát triển giao thông phải là chiến lược đầu tiên cần tính đến vì đây là động lực để phát triển, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án giao thông thủy dọc sông Sài Gòn.

Khu đô thị cảng Hiệp Phước dường như là nơi có nhiều áp lực nhất, bởi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ ảnh hướng đến quá trình đầu tư. Bên cạnh đó quy mô quá lớn cũng làm chậm quá trình triển khai dự án. 

Ngoài ra, một khu đô thị mới không có trong Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 nhưng đang được TP hết sức quan tâm, đó là Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. UBND TP đã chấp thuận quy mô nghiên cứu khu lấn biển khoảng 2870ha tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa để  làm cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn huyện, phát triển du lịch sinh thái về phía Nam. Hiện Sở QH-KT đang phối hợp với UBND huyện Cần Giờ và một số sở liên quan đánh giá môi trường chiến lược toàn khu dự trữ sinh quyển, đánh giá ảnh hưởng an ninh quốc phòng và tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc.
Dù UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng bao gồm khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang kết hợp với khu đô thị phát triển mới, nhưng hiện tại, Ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc vẫn đang nghiên cứu lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung, cũng như các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000. 

Giai đoạn 2 có quy mô khoảng 3.000ha, dự kiến quy hoạch mở rộng tại xã Thái Mỹ, Phước Thạnh và Phước Hiệp (huyện Củ Chi), quy hoạch chủ yếu là chức năng đất dự trữ phát triển và điểm dân cư nông thôn. Tuy nhiên, quy hoạch giai đoạn 2 của Khu đô thị Tây Bắc không có trong Quy hoạch chung xây dựng TPHCM và Quy hoạch xây dựng của Củ Chi.

Tin cùng chuyên mục