Đỗ Mười - Nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm từ thực tế

1. Khi đồng chí Đỗ Mười là Thường trực Ban Bí thư thì tôi tham gia Ban Bí thư, nên rất hiểu mọi công việc mà đồng chí Đỗ Mười đã đóng góp.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín - Hà Tây (cũ), ngày 1-11-1992. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín - Hà Tây (cũ), ngày 1-11-1992. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Đỗ Mười là lớp đàn anh đi trước, là lãnh đạo của chúng tôi. Nếu đánh giá các đồng chí lãnh đạo thì mỗi đồng chí đều có những cống hiến, đóng góp rất to lớn đối với đất nước. Nhưng với đồng chí Đỗ Mười thì để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc. Đồng chí đã từng kinh qua rất nhiều cương vị lãnh đạo, với trên 30 năm tham gia Bộ Chính trị, trên 40 năm tham gia Trung ương, 80 tuổi Đảng, hơn 100 tuổi đời. Không có việc gì của đất nước mà đồng chí không gánh vác, từ những lúc gian khổ nhất là thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, đồng chí bị tù tội ở nhà tù Hỏa Lò, đến công việc Đảng, Bác Hồ giao gánh vác các nhiệm vụ quan trọng cả về quân sự, chính trị, lãnh đạo nhân dân vùng địch hậu.

Đồng chí Đỗ Mười đã lãnh đạo nhiều tỉnh thành, làm bộ trưởng mấy bộ, từng có vài chục năm làm Phó Thủ tướng, Thủ tướng, được phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Bộ Chính trị. Quá trình đó giúp hình thành nhân cách đồng chí Đỗ Mười, uy tín và những đóng góp của anh. Trong thời kỳ đổi mới, sau khi có Nghị quyết Đại hội VI, đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Thường trực Ban Bí thư đã có công rất lớn giúp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Chính trị triển khai từng bước vững chắc đường lối đổi mới. Ngay từ bấy giờ, những năm 1990, chúng ta đã đề ra đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, thoát ra khỏi cảnh bao vây cấm vận, lần lượt gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế, tạo được sự “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là vì sự nghiệp phát triển nên cần có sự hữu hảo, đa phương hóa, đa dạng hóa trong đối ngoại.

Đồng chí Đỗ Mười có dấu ấn đậm nét với thành tích vượt qua khủng hoảng kinh tế, vượt qua giai đoạn lúng túng về giá lương tiền, đưa đất nước phát triển ổn định cả trong nông nghiệp, hàng tiêu dùng, công nghiệp. Đồng chí tuy không học cao nhưng qua thực tiễn đã làm cho đất nước phát triển vững vàng từng bước một. Các công trình nhiệt điện lớn như Uông Bí, Phả Lại, Ninh Bình... hay thủy điện Hòa Bình, Yaly, Trị An, các công trình cơ khí khác... đều  có dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười.

Đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm đến đời sống của nhân dân, bao giờ đồng chí cũng suy nghĩ làm thế nào để tự mình vươn lên. Tất nhiên không dễ gì làm được, nhưng ý nguyện của đồng chí là tự sức mình, tự lực cánh sinh, từ quyết định công nghiệp hóa là phải tự mình vươn lên, kết hợp với sự giúp đỡ, hợp tác với bè bạn quốc tế. Đồng chí Đỗ Mười có ý tưởng rất lớn về vấn đề này, nên kinh tế chúng ta từ 1999 đã thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực, vươn lên xuất khẩu lương thực. Từng bước một, vị thế đất nước đã được nâng lên cả về công nghiệp, phân phối lưu thông hàng hóa, thương mại dịch vụ... Tôi đánh giá rất cao đóng góp của đồng chí Đỗ Mười với Bộ Chính trị, Trung ương, đây là kết quả sâu xa do kinh nghiệm lãnh đạo từ thực tế mà có được của đồng chí Đỗ Mười.

2. Thời kỳ tôi trực tiếp giải quyết vụ nông dân nổi dậy ở Thái Bình năm 1997, tôi không thể không nói đến công lao của đồng chí Đỗ Mười. Lúc đó đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư, tôi là trưởng ban dân vận được giao trực tiếp chỉ đạo vụ việc. Đồng chí Đỗ Mười theo dõi suốt ngày đêm, có gì cần nhắc nhở, quan tâm thì đồng chí Đỗ Mười đều cùng với đồng chí Lê Đức Anh và các đồng chí khác bàn bạc, quan tâm và giúp tôi, giúp Trung ương đường hướng giải quyết ổn định ở Thái Bình. Khi phải giải quyết vấn đề rất gay gắt ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, đồng chí đã thường điện thoại cho tôi, kể cả 2 giờ đêm. Đồng chí nhắc phải nắm chắc tình hình, lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy dân chủ. Đồng chí cũng cử đồng chí Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư, về Thái Bình làm việc một đêm. Rồi đồng chí Phan Văn Khải cũng về Thái Bình. Khi tôi đề xuất cần phải lập tổ công tác ở Thái Bình với hàng chục đồng chí đại diện cho các ban quan trọng của Đảng như nội chính, tuyên giáo, kiểm tra, tổ chức cũng như đại diện một số bộ, ngành liên quan… thì đồng chí đã ủng hộ ngay cũng như quyết định cử những cán bộ hiểu biết, vững vàng bản lĩnh. Tôi rất ấn tượng với sự chỉ đạo sâu sát đó.

Khi tình hình Thái Bình tương đối ổn định rồi thì đồng chí Đỗ Mười rút ngay ra kinh nghiệm là phải xây dựng quy chế dân chủ từ cơ sở. Trước hết là ở các phường xã, rồi đến các loại hình tổ chức khác. Lúc bấy giờ, cuối năm 1997, đồng chí Đỗ Mười đã thôi làm Tổng Bí thư nhưng đồng chí vẫn rất nhiệt tình, có góp ý rất kịp thời, chặt chẽ để giúp cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung lúc đó chuẩn bị dự thảo Nghị định 29, giúp cho Trung ương ra Chỉ thị 30 về quy chế dân chủ ở cơ sở. Cả giai đoạn đó, cương lĩnh chính trị, nghị quyết về mặt trận dân tộc thống nhất, chuẩn bị Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều hình thành trong quá trình đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư và làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí đã có đóng góp rất to lớn vào quá trình cách mạng, đặc biệt là giai đoạn đổi mới.

Trong thời kỳ tôi làm Trưởng Ban dân vận Trung ương, các vụ việc “nóng” đồng chí Đỗ Mười đều có chỉ đạo rất sâu sát. Như vụ lũ lụt ở huyện Mường Lay (Điện Biên) đúng dịp rằm Trung thu năm 1996 làm chết 29 người, đồng chí Đỗ Mười gọi tôi chỉ đạo không chỉ anh Phan Văn Khải lên mà tôi cũng phải lên trực tiếp. Hay vụ xả lũ thủy điện Hòa Bình gây ảnh hưởng triền đê hạ lưu, rồi lũ lụt ở Nam bộ gây đuối nước nhiều trẻ em… thì đồng chí đều nhắc chúng tôi phải đến hiện trường. Đến tận nơi, trước là để cứu trợ cho dân, sau là nắm tình hình để đưa các chủ trương sau này như tuyến tránh lũ, khu vượt tránh lũ... hình thành lên, chấm dứt tình trạng diễn đi diễn lại nhiều năm dài.

Đồng chí Đỗ Mười cũng luôn quan tâm, bồi dưỡng, theo dõi những cán bộ tốt, có năng lực, uy tín, biết phát huy đường lối của Đảng trong công việc để góp ý, xây dựng. Khi tôi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 1988-1996, đồng chí còn góp ý với tôi lựa chọn những cán bộ ngoài Đảng, như bác sĩ Tôn Thất Bách không phải đảng viên nhưng làm Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội 2 khóa. Không chỉ cán bộ trong Đảng mà những trí thức ngoài Đảng như GS Hoàng Xuân Sính, nhà văn Văn Cao, nhà thơ Tế Hanh... đồng chí đều rất quan tâm. Tết, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tôi đến thắp hương đồng chí Trần Phú, thăm các gia đình trí thức có công với đất nước, kể cả trí thức ngoài Đảng để động viên anh em. Điều đó gây ấn tượng sâu sắc với tôi khi đồng chí không chỉ quan tâm trí thức trong Đảng mà rất quan tâm trí thức có năng lực, uy tín ngoài Đảng để xây dựng đất nước.

Thời kỳ đổi mới, đất nước rất khó khăn. Những đồng chí lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... đều chí công vô tư, quyền lợi của đất nước là thượng tôn, không cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, tham nhũng, xa dân. Điều đó là rất rõ. Đồng chí Đỗ Mười là con người suốt đời học tập, không lúc nào tôi đến mà không thấy anh không đọc sách. Dù đã nghỉ, tuổi đã cao, nhưng có vấn đề gì thì đồng chí đều trao đổi rất chân tình với các bậc đàn em, đồng chí luôn quan tâm đến các vấn đề cụ thể của đất nước.

Tin cùng chuyên mục