Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2018: Khả năng “đổi chiều tăng trưởng”

Ngày 18-9, tại TPHCM, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Diễn đàn “Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018: Tình hình và triển vọng”. Tại đây các đại biểu đã chỉ ra một số vấn đề “nóng” liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; làm thế nào để kinh tế Việt Nam đổi chiều tăng trưởng… 

Tại diễn đàn, TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia đánh giá, tác động của Luật Cải cách thuế mới của Mỹ có thể tác động đến đầu tư của quốc gia này tại Việt Nam trên nhiều góc độ.

Đối chiếu với số liệu cơ cấu đầu tư của một số nước vào Việt Nam theo từng lĩnh vực từ đầu năm đến nay cho thấy, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam lên tới 79,63% trong lĩnh vực chế tác, tiếp đến là Hàn Quốc 70,88%, Mỹ là 18,65%...

Riêng lĩnh vực dịch vụ, Mỹ đầu tư tới 68,23, Hàn Quốc 15,06%, Nhật Bản 13,72%. Nhìn chung, xuất nhập khẩu có nguy cơ giảm do cuộc chiến thương mại và chính sách bảo hộ của Mỹ, giá cả trong năm nay có xu hướng tăng do giá hàng hóa thế giới tăng.

Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2018: Khả năng “đổi chiều tăng trưởng” ảnh 1 Bốc hàng xuất khẩu lên tàu tại cảng Cát Lái. Ảnh: CAO THĂNG
Theo TS Trần Du lịch, về cơ bản, trong năm 2018 các chỉ báo kinh tế vĩ mô tích cực vẫn là chủ đạo; những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam nặng về yếu tố tâm lý nhiều hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm từ giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 7,33%/năm; 2006 - 2010 tăng bình quân còn 6,32%/năm và 2011 - 2015 tăng bình quân chỉ còn 5,96%/năm và tiếp tục đà này cho đến hết quý 1-2017.

Từ quý 2-2017 bắt đầu đổi chiều với tốc độ tăng trưởng cao. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng có 3 nguyên nhân chính gồm: những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo điều hành tập trung của Chính phủ; lợi ích của hội nhập sâu rộng mang lại và hấp thụ; ứng dụng những thành tựu của công nghệ mới trong các ngành kinh tế.

Năm 2018, sự tăng trưởng cao của quý 1 có nguyên nhân bất thường, nên ngay từ đầu quý 2 các dự báo đều đưa ra nhận định năm 2018 tốc độ tăng GDP sẽ giảm dần (khác với mọi năm) và cả năm cũng chỉ đạt mức 6,7% - 6,8% (không thể cao như quý 1). Hiện nay những chỉ báo kinh tế vĩ mô đang được Chính phủ quan tâm để xử lý đồng bộ, chứ chưa đủ cơ sở để đe dọa đến sự bất ổn vĩ mô.

Các chỉ báo quan trọng như: lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,35%; giá USD tăng khoảng 1% so với tháng 12-2018; cán cân thương mại dương (xuất siêu); dự trữ ngoại hối đạt 63,5 tỷ USD; tăng trưởng tín dụng 6,35%, thấp hơn mức huy động tín dụng (tăng 7,78%), ngân sách cân đối chi tiêu và trả nợ như kế hoạch… 4 mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn đảm bảo, gồm tăng GDP, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng trong năm 2018. Do đó về tổng thể tình hình kinh tế vĩ mô năm 2018 được cải thiện so với đầu năm 2016. 

Tin cùng chuyên mục