Diễn biến Brexit: EU khởi động đàm phán với Anh

Ngày 8-11, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên có cuộc thảo luận tại Brussels (Bỉ) về mối quan hệ tương lai với Anh sau khi nước này rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Người dân Anh biểu tình phản đối Brexit tại London
Người dân Anh biểu tình phản đối Brexit tại London

Quan hệ bất định

Các nguồn tin châu Âu cho biết, trong cuộc gặp ngày 8-11, 27 nước EU xác định những vấn đề chính mà các cuộc đàm phán sắp tới sẽ gặp phải và bước đầu định hình cho giai đoạn chuyển tiếp và quan hệ tương lai. Tiến trình này sẽ cho phép tiến hành một cách nhanh chóng hơn các cuộc thảo luận về một giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, dự kiến vào ngày 29-3-2019, tiếp theo là hiệp định thương mại liên kết giữa Anh và EU trong tương lai.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 10, 27 nước EU đã chấp nhận khởi động công việc chuẩn bị nội bộ cho cuộc thảo luận trong tương lai về một hiệp định thương mại với Anh. Mục tiêu là để có thể sẵn sàng tiến hành mọi việc một cách nhanh chóng, ngay khi bắt đầu giai đoạn hai của cuộc đàm phán về ba vấn đề ưu tiên liên quan đến cuộc chia tay đạt được những tiến bộ đầy đủ.

Ngay trước thềm cuộc đàm phán ở Brussels, chính phủ Anh cảnh báo các công dân EU sinh sống tại Anh sẽ phải đối mặt với luật trục xuất khắt khe hơn nếu họ vi phạm pháp luật tại nước này sau Brexit. Các quy định mới được áp dụng sau khi nước Anh hoàn tất việc rời khỏi châu Âu,  đồng nghĩa với việc những công dân EU bị kết án trên 1 năm tù sẽ đối mặt với việc bị trục xuất. Tài liệu kỹ thuật dài 5 trang của Bộ Nội vụ Anh khẳng định, quy định cứng rắn sắp được áp dụng thể hiện quyết tâm không để 3,2 triệu công dân EU được cấp quy chế định cư lâu dài tại Anh sau Brexit trở thành một nhóm công dân đặc quyền với nhiều ưu đãi hơn cả các công dân Anh và các nhóm người nước ngoài khác.

Người Anh bi quan 

Kết quả cuộc thăm dò dư luận về triển vọng đàm phán Brexit nói trên do hãng ORB International thực hiện với hơn 2.000 cử tri trên 18 tuổi vừa được công bố cho thấy niềm tin của người dân Anh vào kết quả đàm phán về Brexit và khả năng Thủ tướng Theresa May giành được một thỏa thuận có lợi với EU đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Theo đó, 40% người dân được hỏi tin rằng việc nước Anh quyết định rời khỏi EU sẽ kéo theo nhiều khó khăn hơn là thuận lợi, trong khi số người tỏ ra lạc quan về tương lai của nước Anh hậu Brexit chỉ còn 37%. Có đến gần 70% số người được hỏi không đồng tình với cách thức chính phủ Anh đang tiến hành các cuộc đàm phán Brexit. Đây là mức phản đối cao nhất kể từ khi ORB bắt đầu thực hiện các cuộc thăm dò dư luận về Brexit. 

Niềm tin vào khả năng của bà Theresa May giành được cho nước Anh một thỏa thuận có lợi với EU cũng giảm nhanh. Trong tháng 6, vẫn còn đến 44% cử tri ủng hộ bà May, nhưng sau thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử sớm vừa qua, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 34%. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ cử tri ủng hộ bà May đã xuống chỉ còn 26%. 

Ngay cả trong nhóm cử tri cao tuổi, vốn vẫn thường bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ, phần lớn cũng không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của bà May. Thủ tướng Anh đang phải đối mặt với sự phản đối từ mọi phía trong Hạ viện Anh liên quan đến dự luật rút khỏi EU, với việc các nghị sĩ đối lập và nghị sĩ của đảng Bảo thủ đòi có quyền bỏ phiếu cuối cùng về thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU. Chính phủ Anh đã tuyên bố các nghị sĩ sẽ được trao cơ hội bỏ phiếu thông qua thỏa thuận, nhưng các nghị sĩ theo đường lối ủng hộ ở lại EU muốn có sự đảm bảo rằng, nếu thỏa thuận được cho là bất lợi cho nước Anh thì các nghị sĩ có thể lựa chọn phủ quyết thông qua thỏa thuận này.

Tin cùng chuyên mục