Điểm tựa của người nhiễm HIV

“Chị Hiền đi làm nghề tầm bậy tầm bạ đó, hèn chi tối nào cũng ra công viên, chân cầu đứng với mấy nhỏ ở ngoải”; “Bả có tuổi rồi, sống cùng gia đình chồng mà tối ngày đi nhà hàng”… 

Đó là những lời bàn tán to nhỏ của hàng xóm nói về chị Vũ Thị Hiền, 55 tuổi (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường 28 quận Bình Thạnh) khi chị làm cộng tác viên Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cách đây 14 năm và nay là cộng tác viên của Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM).

Dùng tình cảm tiếp cận người bệnh

Một thời bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) - nơi gia đình chị Hiền sinh sống được biết đến là khu có nhiều người nghiện ma túy, gái mại dâm ở các nhà hàng, tụ điểm karaoke, quán cà phê đèn mờ... Vì vậy, thời điểm SCDI Bình Thạnh thành lập, chị Hiền xung phong làm cộng tác viên cộng đồng, đi tiếp cận những người nghi vấn nhiễm HIV.

Những năm đầu, ngoài lang thang vào các khu dân cư, trong công viên, chân cầu vận động gái mại dâm, người nghiện đi thăm khám, chị Hiền còn vào tận các các nhà hàng, quán karaoke, quán cà phê xin được tiếp xúc với tiếp viên để tư vấn sức khỏe cho họ nhưng bị quản lý xua đuổi.

Nhìn những cô gái tuổi trẻ phơi phới như đám con cháu ở nhà, chị không đành lòng buông mà tìm mọi cách tiếp cận. Nhiều lần tự bỏ tiền túi đi ăn nhà hàng, đi uống cà phê, chị làm quen với tiếp viên và được sự tin tưởng của quản lý. Mưa dầm thấm lâu, những lời tỉ tê tâm sự của chị giúp họ mở lòng chia sẻ, chịu theo chị đi thăm khám. Biết tâm lý những người nhiễm bệnh sẽ rơi vào hoảng loạn, một số còn muốn trả thù đời bằng cách cố tình lây bệnh cho nhiều người khác, chị luôn bên cạnh như người mẹ, người chị, từ chăm sóc đến khuyên nhủ, động viên họ uống thuốc đều đặn, phòng tránh bệnh cho mọi người.

Theo chị Hiền, khó tiếp cận và vận động nhất vẫn là nhóm phụ nữ bị lây bệnh từ chồng, bởi họ uất hận, họ tự ti, sợ bị xóm giềng, người thân kỳ thị khi biết chuyện. “Vận dụng đủ cách đều thất bại, cuối cùng tôi đưa từng người tới khu vực có người nhiễm HIV đang điều trị sinh sống. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của người bệnh không bị xáo trộn mà sức khỏe lại tốt hơn, lo được cho gia đình, con cái, khi ấy họ mới chịu hợp tác điều trị”, chị Hiền kể.

Nhờ sự tận tâm của chị Hiền, hàng trăm người đã chịu uống thuốc đều đặn nên sống khỏe mạnh, nhiều người trong số đó vẫn là lao động chính của gia đình.

Kéo người thân và người bệnh gần nhau hơn

Bệnh HIV không còn là điều gì quá ghê gớm so với nhiều loại bệnh hiện nay, bởi nếu được điều trị đúng cách, người bệnh vẫn sống tốt và không ảnh hưởng gì đến người xung quanh. Song, vì bệnh này thường bị định kiến bởi yếu tố đạo đức nên nhiều người e ngại, không dám gần gũi người bệnh, ngay cả người thân, ruột thịt.

Dù gần 10 năm trôi qua nhưng khi nhớ lại hoàn cảnh của bà P.T.T.N. (phường 28, quận Bình Thạnh), chị Hiền vẫn run giọng, mắt đỏ hoe. Chồng bà N. mất sau vài ngày phát bệnh. Đứng trước cảnh chồng chết vì HIV, hàng xóm đàm tiếu, biết chắc bản thân cũng lây bệnh từ chồng nhưng bà nhất định không điều trị mà sống co mình và buông xuôi số phận. Tinh thần suy sụp, lại đơn độc trong chính căn nhà của mình, hơn 1 năm sau, bà N. phát bệnh nằm một chỗ.

Khi cận kề cửa tử, bà N. nhìn chị Hiền rồi nói trong nước mắt: “Chị muốn sống”. Bao nhiêu dồn nén nay vỡ òa theo tiếng khóc của bà N. Còn nước còn tát, chị Hiền gọi cấp cứu tới trung tâm nhờ các bác sĩ chữa chạy. Một mặt giúp bà N. điều trị, một mặt chị Hiền tìm đến người nhà, giảng giải để họ hiểu và hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh. Đến nay, bà N. đều đặn uống thuốc nên sức khỏe tốt, sống cởi mở hơn với mọi người. Niềm vui của bà hiện tại là hàng ngày đưa rước các cháu đi học. 

Điểm tựa của người nhiễm HIV ảnh 1 Chị Vũ Thị Hiền tư vấn cho người thân bệnh nhân chăm sóc người bệnh
“Tư vấn tâm lý cho người bệnh đã khó, tư vấn tâm lý cho người nhà càng khó gấp bội. Nhưng người bệnh không thể sống vui, sống khỏe nếu người nhà không đồng hành. Bởi vậy, khó mấy tôi cũng phải làm”, chị Hiền cho biết.

Vậy là công việc của chị Hiền tăng gấp đôi, gấp ba. Ngoài giám sát người bệnh điều trị, chị Hiền còn động viên người nhà đùm bọc, yêu thương để họ vững tâm chữa bệnh. Với nỗ lực không ngừng ấy, hơn 100 bệnh nhân mà chị theo dõi đều có người nhà ở bên. Người thân của họ còn được chị Hiền kết nối thành một đại gia đình chung.

Nhiều năm qua, ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, họ cũng thường xuyên tới lui, thăm nom, chăm sóc nhau qua những ngày đau bệnh. Thông qua những chương trình gắn kết và đồng hành mà chị Hiền tổ chức, đại gia đình ấy còn giúp nhau công ăn việc làm, hay vực nhau qua những chông gai trong cuộc sống để cùng hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục