Điểm son điện ảnh bưng biền

 Ngày 15-10-1947, cách nay 70 năm, Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam bộ đã thành lập Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh. Sự kiện đó được xem như điểm son đánh dấu sự ra đời một trong những chiếc nôi của nền điện ảnh dân tộc cách mạng Việt Nam hiện nay.
Ngày nay, khi phương tiện nghe - nhìn đang thống soái các lĩnh vực truyền thông - nghệ thuật, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe kể lại câu chuyện có một không hai về sự ra đời của nền điện ảnh giữa thời bom rơi đạn nổ ấy.
Điểm son điện ảnh bưng biền ảnh 1 Làm phim trong rừng
 1.Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều thử thách của những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cảm động biết bao khi những người lãnh đạo cuộc kháng chiến đã thấu hiểu, nhìn ra sức mạnh tuyên truyền, cổ súy sâu rộng, lan tỏa của chính điện ảnh - một ngành nghệ thuật vẫn còn như “một trò chơi sang” bó hẹp phạm vi hoạt động của mình ở chốn thành thị. Cũng ngay từ những ngày xa xưa đó, điện ảnh đã được nâng tầm thành món ăn tinh thần - văn hóa không thể thiếu đối với chiến sĩ, đồng bào. Chính với việc ra đời của Điện ảnh khu 8, cơ sở làm phim đầu tiên trong cả nước là sự thấu hiểu vị trí, vai trò văn hóa, nghệ thuật của những bộ óc mang tầm chiến lược.

Nói tới sự ra đời và hình thành của Điện ảnh Khu 8, cũng phải nhắc đến sự quả quyết của những ai dám nghĩ dám làm, đầy ắp những ước mơ và quyết chí chinh phục một ngành nghệ thuật còn khá non trẻ, nhưng đầy sức hấp dẫn. Vào năm 1995 - trong lễ  kỷ niệm 100 năm ngày ra đời bộ môn nghệ thuật thứ 7, tại Paris, Pháp, nhiều nhà điện ảnh thế giới khi biết tới hoạt động của Điện ảnh Khu 8, khi đã tận mắt xem những bộ phim Trận Mộc Hóa, Trận Giồng Trôm, Chiến dịch Cầu Kè-Trà Vinh, Công binh xưởng trong rừng đã nhất trí gọi Điện ảnh Khu 8 là “Điện ảnh Luymier - Bưng biền”. Họ đã đánh giá rất cao và bị thuyết phục trước sự ra đời của một nền điện ảnh ngay trong khói lửa chiến tranh. Làm sao có thể hình dung nổi, giữa kênh rạch nước nửa ngọt nửa mặn, với những con ghe nay đây mai đó, không điện, không nước sạch mà dám nghĩ tới việc in tráng phim. Thiếu phim sống, thiếu thuốc in tráng, thiếu nhiều phương tiện khác nữa thì vượt qua đồn bốt địch băng vào Sài Gòn mua sắm, dù mỗi chuyến đi có thể phải đổi bằng chính tính mạng của mình. Làm sao mà không ngạc nhiên ngay ở thời kỳ đó Điện ảnh Khu 8 đã dám thể nghiệm việc làm phim truyện...     

2.Đẹp, thơ mộng, lung linh, huyền ảo khung cảnh những buổi chiếu phim của Điện ảnh Khu 8 vào những năm tháng đó. Mỗi tối chiếu phim là một ngày hội. Người ta đi bộ, chèo ghe chèo thuyền cả 4-5 giờ để được xem phim. Phim được chiếu cho bộ đội xem ngay trước giờ xuất kích đánh đồn; phim được chiếu ngay tại làng xóm vừa bị máy bay địch oanh tạc..
.
Ông Phan Văn Trai, người phụ trách máy chiếu phim, làm luôn cả việc thuyết minh phim của Điện ảnh Khu 8 nhớ lại: “Nơi đặt máy chiếu luôn chất đầy nước ngọt, bánh trái của bà con tới xem phim mang theo tặng đoàn. Những chiếc ghe từ các cù lao rất xa kéo tới châu mũi vào nhau. Tiếng cười, tiếng nói rổn rảng. Và khi tấm vải chiếu phim trắng toát được căng lên giữa những cây tràm, cây đước, mọi tiếng lao xao, cười đùa bỗng lặng ngắt. Tựa như bà con cô bác đang chờ đợi một phép màu nhiệm gì sẽ diễn ra từ tấm vài trắng kia. Sau buổi chiếu, theo ghe theo thuyền về là những câu chuyện bàn tán sôi nổi, râm ran không dứt của bà con về những gì đã thấy trên phim” .

Những bộ phim đầu tiên mang chất phóng sự - tài liệu được kể tên trong cuốn Lịch sử Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, mỗi phim vẻn vẹn lướt qua màn ảnh nhiều lắm là từ 3 tới 5 phút. Nhưng vì sao những sản phẩm điện ảnh sơ khai đó lại có sức cuốn hút, hấp dẫn, gây nên những hiệu quả cảm xúc và nhận thức trong lòng chiến sĩ, đồng bào mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục đến như vậy? 

Câu trả lời không khó tìm. Bởi điện ảnh cách mạng tiếp cận với người xem trước hết và chủ yếu bằng thể loại phim “người thật - việc thật”. Còn gì cảm động hơn khi bà con cô bác xem phim vỗ tay, reo to thích thú khi nhận ra thằng Ba, thằng Tư lính Tiểu đoàn 307 vừa đóng quân ở làng mình, xóm mình tháng trước, lúc này trên màn ảnh đang xông lên bất chấp hiểm nguy trong trận đánh chặn một đoàn xe vận tải của Pháp. Làm sao không vui, không phấn khởi được khi nhận ra dì Năm, dì Bảy làng mình, xóm mình đang gánh cơm, gánh những trái mít, trái xoài đi tiếp tế các đơn vị bộ đội; những Út Năm, Út Sáu với chiếc túi cứu thương bên mình, băng băng theo gót người chiến sĩ sẵn sàng băng bó vết thương hoặc dìu đỡ, cáng tải các anh về những trạm cấp cứu tiền phương. 
Điểm son điện ảnh bưng biền ảnh 2 Hình ảnh trong bộ phim Chiến dịch Cầu Kè 
 3.Những năm sau này, khi thể loại phim phóng sự - tài liệu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam gặt hái thành công, gây tiếng vang ra ngoài biên giới trong cuộc chiến tranh chống Pháp, đặc biệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ chính là bắt nguồn từ dạng phim người thật, việc thật mà Điện ảnh Khu 8 đã đặt những viên gạch đầu tiên. 
Có một đặc điểm, cũng là một truyền thống vẻ vang nữa của Điện ảnh Khu 8 còn ít được nhắc tới: Điện ảnh Khu 8 là một đơn vị làm phim trực thuộc Bộ Tư lệnh Khu 8, còn “những nhà điện ảnh thoạt kỳ thủy” như các ông Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn, Lý Cương, An Sơn, Phan Trọng Quỳ, Vũ Ba… chính là những người lính. Họ được bà con cô bác thương yêu như ruột rà. Họ quá rành rõ, quen thuộc với kham khổ, với trận mạc, bám sát diễn tiến trận đánh, bén gót đồng đội trong từng cuộc chiến đấu sinh tử. Bởi họ quan niệm làm phim là để chiếu cho bộ đội và đồng bào xem. Những gì diễn ra trên màn ảnh phải chân thật, phải biểu dương được cái cao đẹp, cái anh hùng để người xem phim làm theo, noi theo… Những điều tưởng đâu như tự thân, vốn có ấy, hình thành trong hoạt động làm phim của Điện ảnh Khu 8 đã tạo nên diện mạo tinh thần, những chuẩn mực thiêng liêng, những đích tới cần phải tuân thủ của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam suốt mấy chục năm sau này.

Tin cùng chuyên mục