Dịch vụ công trực tuyến chuyển mình

Năm 2017, số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TPHCM tăng gấp 3,6 lần năm trước. Cụ thể, trong năm 2016 chỉ có 81.644 hồ sơ nộp trực tuyến thì đến tháng 8 năm 2017, số hồ sơ trực tuyến lên đến 294.125 (chưa bao gồm lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xuất nhập cảnh). 
Người dân tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến tại UBND quận 12 (TPHCM)
Người dân tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến tại UBND quận 12 (TPHCM)

“Lên ngôi” ở quận, huyện

Muốn trích lục giấy chứng nhận kết hôn, đăng ký kết hôn ở quận 1 (TPHCM), chị Tô Mai Hạnh (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) ở nhà truy cập vào trang thông tin điện tử của UBND quận 1 và làm theo hướng dẫn. Vào mục Dịch vụ trực tuyến, sau đó chọn Hộ tịch, chị dễ dàng thực hiện bài bản theo chỉ dẫn. Giao diện website hiển thị nhiều hướng dẫn khá chi tiết, như: chọn “Đăng ký” để gửi hồ sơ cần trích lục; nếu có số hiệu thì thời gian giải quyết trong vòng 4 ngày; nếu không có số hiệu thì giải quyết khoảng 30 ngày. Hay quận 1 giải quyết cấp bản sao giấy tờ hộ tịch được lập tại quận Nhất, quận Nhì, Sài Gòn từ năm 1954 đến tháng 7-1986…

Sau vài thao tác, chị Hạnh nhận thông tin và lịch hẹn đến lấy kết quả, đóng phí. “Bớt đi một buổi đến trụ sở ủy ban ngồi chờ đợi. Dịch vụ trực tuyến về hộ tịch khá đơn giản nên tôi và bạn bè, người thân ưa sử dụng”, chị Hạnh nhận xét. 

Ở UBND một số địa phương khác như 1, 4, Thủ Đức… khi người dân đến làm hồ sơ, nếu trong lĩnh vực có dịch vụ trực tuyến (hộ tịch, lao động, xây dựng…) thì cán bộ quảng bá, hướng dẫn người dân làm hồ sơ qua mạng. Nhiều người sau một lần tiếp cận đã “trung thành” với dịch vụ trực tuyến khi làm thủ tục hành chính ở quận, huyện. Đa số khách hàng nhận xét thủ tục trực tuyến ở quận, huyện khá đơn giản nên họ không cảm thấy phiền phức, ít làm sai. 

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp quận, huyện có sự chuyển biến đáng khích lệ trong năm qua. Nếu năm 2016, chỉ có 2.303 hồ sơ vào “cửa” quận, huyện; đến năm 2017 lên đến 7.440 hồ sơ. Điển hình, ở lĩnh vực lao động, tất cả người dân, doanh nghiệp ở quận 4 và quận Bình Tân đều làm thủ tục trực tuyến. Quận Bình Thạnh đạt tỷ lệ 100% hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực kinh tế. Hay đối với nhóm đất đai - xây dựng, quận Thủ Đức có 72%; Bình Thạnh 42% số hồ sơ thực hiện trực tuyến. Người dân, doanh nghiệp chú ý nhiều đến thủ tục cung cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp chứng nhận số nhà, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ qua internet. 

Hiện nay, các địa phương có nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các quận Bình Tân, Bình Thạnh, 12, 4… thường xuyên cử cán bộ xuống tận UBND phường tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, pa-nô, băng rôn và niêm yết thông tin hướng dẫn thao tác nộp hồ sơ trực tuyến tại trụ UBND cấp phường và bảng tin khu phố cũng được nhiều địa phương áp dụng. Tính đến nay, tất cả quận, huyện đã thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo như UBND TP chỉ đạo. Có 18/24 đơn vị đã thành lập tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến.  

Thực hiện có “chất” hơn

Trong năm 2017, TPHCM đã triển khai mới 236 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Như vậy, tính đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 TPHCM đã triển khai là 552 dịch vụ (tăng 97,5% so với năm 2016). Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức 3 có 493 dịch vụ và dịch vụ công trực tuyến mức 4 có 59 dịch vụ. Ngoài ra, TP đang triển khai 148 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Trong đó, có 130 dịch vụ cấp độ 3 và 18 dịch vụ cấp độ 4.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, đánh giá năm nay, số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng gấp 3,6 lần so với năm ngoái. Cụ thể, năm 2016, toàn TP có 81.644 hồ sơ nộp trực tuyến thì đến tháng 8 năm 2017, số hồ sơ trực tuyến là 294.125 (chưa bao gồm lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xuất nhập cảnh). 

Tuy nhiên, theo bà Trinh, kết quả ấy vẫn chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của chính quyền và nhân dân TP. Ở một số địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân chưa hiệu quả. Người dân chưa thực sự quan tâm và tin tưởng khi tham gia dịch vụ công qua mạng. “Không ít bà con nghĩ đến tận nơi làm còn khó xong, nói gì ngồi một chỗ thực hiện. Ngay chỗ tôi ở, loa phát thanh thường xuyên phát về cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhưng loa phát quá nhanh không nghe kịp, chưa kể phải ghi nhớ”, bà Trinh phản ánh. Bà Trinh cho biết thêm, hiện cơ quan chức năng chưa có cơ chế hỗ trợ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến một cách cụ thể, như: thời gian xử lý hồ sơ đối với nộp trực tiếp và nộp trực tuyến đều như nhau, sử dụng dịch vụ trực tuyến vẫn chịu phí… Chưa kể, thành phần hồ sơ nhiều nhưng tính pháp lý của một số thành phần chưa được pháp luật công nhận. Do đó, nhiều đơn vị chưa mạnh dạn áp dụng triển khai trực tuyến.

Trong năm 2018, UBND TP giao lãnh đạo sở - ngành, UBND quận, huyện đôn đốc nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống phần mềm trực tuyến. Theo đó, thời gian trả kết quả khi làm thủ tục trực tuyến phải sớm hơn cách giải quyết truyền thống; lấy đó làm cơ sở giúp người dân có động lực “mở lòng” với dịch vụ trực tuyến. Riêng Sở Tư pháp TPHCM sẽ xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của TP và quản trị tình hình thực hiện thủ tục hành chính gắn với nâng cấp cổng “Một cửa điện tử”. Với giải pháp trên, người dân có thể nộp, theo dõi, giám sát quá trình xử lý, nhận kết quả thủ tục hành chính tại một cổng thông tin điện tử. Không chỉ vậy, cơ quan chức năng bảo đảm kết nối, tích hợp dữ liệu thủ tục hành chính của TP trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với Cổng thông tin điện tử TPHCM.

Tương tự, Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm khả năng tích hợp Cổng dịch vụ công TP với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo kiến trúc thống nhất trong quá trình xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, sở này đang nghiên cứu, áp dụng thí điểm giải pháp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến tại Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” 

Năm 2018, hoàn thành các cơ sở dữ liệu trọng yếu

Sau khi UBND TPHCM công bố đề án, hệ thống chính quyền các cấp tiến hành thực hiện từng bước theo chức năng, nhiệm vụ đã phân công. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo UBND TPHCM về kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. 

Theo kế hoạch, kho dữ liệu dùng chung của TP gồm: dân cư, đất đai, doanh nghiệp, văn bản điều hành. Trong đó, cơ sở dữ liệu dân cư là nền tảng phát triển các ứng dụng và cơ sở dữ liệu quan trọng liên quan đến người dân. Cụ thể, đó là tài khoản để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, kể cả dịch vụ hành chính công trực tuyến; kết nối cơ sở dữ liệu (hộ tịch, y tế thông minh, giáo dục thông minh). Cơ sở dữ liệu dân cư là đầu vào quan trọng của trung tâm nghiên cứu, mô phỏng và dự báo. 

Tương tự, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp là nền tảng phát triển các ứng dụng quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế trên địa bàn TP như: quản lý ngành, lĩnh vực; lao động, việc làm. Đây cũng là đầu vào quan trọng của trung tâm nghiên cứu, mô phỏng và dự báo. 

Cơ sở dữ liệu đất đai - bản đồ số là nền tảng phát triển các ứng dụng quan trọng liên quan đến công tác quản lý  đô thị như giao thông, xây dựng, cấp, thoát nước; điện; môi trường; quy hoạch. Đây là đầu vào quan trọng của trung tâm nghiên cứu, mô phỏng và dự báo; trung tâm điều hành. 

Dự kiến trong năm 2018, TPHCM sẽ triển khai xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu trọng yếu - dân cư, đất đai, doanh nghiệp, văn bản và chỉ đạo điều hành. Cụ thể, chính quyền TP tiếp tục rà soát hiện trạng cơ sở dữ liệu các ngành, tích hợp cơ sở dữ liệu hiện có về kho dữ liệu dùng chung; triển khai ứng dụng City Dashboard cho lãnh đạo TP; cung cấp các dịch vụ chia sẻ dữ liệu cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung của TP. 

Về thiết kế kiến trúc kho dữ liệu, TP sẽ thiết kế, lập bảng mô tả tài nguyên thông tin; định nghĩa chuẩn tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên quan đến dân cư, quản lý đô thị, kinh tế, văn bản, điều hành. Từ đó, hướng dẫn từng đơn vị khi xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo tuân thủ các quy định chung nhằm  tích hợp về kho dữ liệu dùng chung. 

Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung sẽ thí điểm triển khai hệ sinh thái dữ liệu mở.
MẠNH QUYÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục