Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan: Tự đổi màu cho số phận của mình

Gần 20 năm bước chân vào con đường dịch thuật, nhà văn - dịch giả Nguyễn Bích Lan (ảnh) vừa ra mắt dịch phẩm thứ 36. Đó là một con số thực sự ấn tượng, nhất là với một người gặp hạn chế về sức khỏe như Nguyễn Bích Lan.

Câu chuyện của nghị lực

Tác phẩm dịch mới nhất của Nguyễn Bích Lan là tự truyện Được học của Tara Westover, một cô gái sống ở nước Mỹ, không gặp rào cản về sức khỏe hay trí tuệ, gia cảnh cũng không đến nỗi nghèo túng, nhưng cô phải đợi đến năm 17 tuổi mới được cắp sách tới trường.

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan: Tự đổi màu cho số phận của mình ảnh 1

Lý do chính đến từ cha của cô, một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa. Tara Westover đã phải vượt qua rất nhiều điều phi lý mà không ai tin vẫn tồn tại trên nước Mỹ, để được đi học. 10 năm sau ngày đầu tiên được học, Tara Westover đã giành học vị Tiến sĩ ngành Sử học tại Đại học Cambridge danh tiếng.

Câu chuyện của Tara Westover tiếp tục là khúc ca đẹp đẽ của tinh thần và ý chí nghị lực mà Nguyễn Bích Lan từng giới thiệu trước đây. Đó là Shirley Cheng, cô gái bị mù, bị liệt nhưng đã viết hàng chục cuốn sách; hay chàng trai không tay không chân Nick Vujicic (Cuộc sống không giới hạn, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, Sống cho điều ý nghĩa hơn). Họ được xem là biểu tượng của tinh thần vượt lên nghịch cảnh, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Khi nhắc về Nguyễn Bích Lan, nhiều người cũng nghĩ về chị như vậy.

Nhưng Bích Lan khiêm tốn: “Tôi không nghĩ mình là biểu tượng như mọi người đang nhìn và suy nghĩ. Tôi chỉ thấy, trước hết mình sống như thế để yên tâm với bản thân. Và đó cũng là cách sống mà tôi thực sự muốn, chứ không phải cố gắng sống như vậy, hay theo một ai đó. Tôi thực sự mong muốn một cuộc sống như thế: được làm công việc mà mình đam mê, nhưng đồng thời công việc đó không chỉ giúp ích cho riêng mình”.

Sau khi hoàn thành chương trình lớp 8, Nguyễn Bích Lan buộc phải nghỉ học vì mắc bệnh loạn dưỡng cơ, một căn bệnh nan y hiện chưa có thuốc chữa, làm suy yếu toàn bộ hệ thống cơ, dẫn đến mất một phần khả năng vận động và gây ra các thách thức đáng kể khác về mặt thể lực. Kể từ đó, Nguyễn Bích Lan bắt đầu quá trình tự học.

Chị tự học tiếng Anh, năm 2001 khi “Lớp học cây táo” của chị phải đóng cửa, chị muốn tìm một công việc thầm lặng, không cần tương tác nhưng có thể giúp mình học hỏi. Và dịch thuật là công việc đáp ứng những được yêu cầu trên.

“Đến lúc này, tôi có thể cảm thấy mình sinh ra để dịch văn học mặc dù không phải là người được đào tạo bài bản”, Bích Lan chia sẻ. Liệu rằng, mỗi người được sinh ra đều được cuộc đời an bài? Nguyễn Bích Lan nói rằng, chị tin vào số phận, nhưng chị cũng tin rằng mình hoàn toàn có thể tác động lên màu sắc của số phận đó. Và chị chính là minh chứng rõ nhất.

Nguyễn Bích Lan bộc bạch: “Mọi người phải đi xem bói để biết số phận của mình, nhưng tôi đã biết từ năm 13 tuổi. Ở thời điểm ấy, ai cũng thấy là số tôi đen rồi, không ai có thể nói khác được. Nhưng rõ ràng qua quá trình sống, nỗ lực và tự học của mình, tôi đã đổi màu cho số phận, dù không nhiều nhưng cũng là phần lớn. Bây giờ ai nói đời Nguyễn Bích Lan đen? Một người có đủ việc để làm, có gia đình rất yêu thương trong cả cuộc sống lẫn công việc, rồi có bạn đọc giàu lòng cảm thông, quan tâm. Với tôi, đó là hạnh phúc lớn”.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân, theo Bích Lan còn phải kể đến may mắn nữa. Vì giả sử chị rơi vào một gia đình khác, không có một người mẹ, người em trai suốt bao nhiêu năm tận tâm tận lực sát cánh bên chị, liệu có được Nguyễn Bích Lan như ngày hôm nay? Và nếu giống như Tara Westover, bị gia đình cản trở việc học, việc dịch sách thì chị có trở thành dịch giả của 36 tác phẩm, hay là tác giả của những tập truyện ngắn và tập thơ đã ra mắt? “Đó chính là may mắn. Và tôi may mắn có một gia đình luôn ủng hộ mình”, Nguyễn Bích Lan chia sẻ.

Hạnh phúc đến từ bên trong

Ngoài những cuốn tự truyện ngợi ca ý chí và nghị lực, Nguyễn Bích Lan còn là dịch giả của nhiều tác phẩm của các tác giả đoạt giải Nobel văn chương như: Cọ hoang (William Faulkner), Một đêm duy nhất (Targore), Lời nguyện cầu từ Chernobyl (Svetlana Alexievich). Hay những dịch phẩm có giá trị như: Triệu phú khu ổ chuột, Màu của nước, Tuyến hỏa xa ngầm, Pachinko…

Ban đầu, Bích Lan đến với dịch thuật để phát huy kiến thức tiếng Anh và năng khiếu văn học. Nhưng càng bước chân vào, chị nhận ra con đường dịch thuật không dễ dàng. Cũng đôi lần Bích Lan cảm thấy quá sức, đó là khi chọn nhầm cuốn sách mà có rất nhiều thứ không thuộc lĩnh vực của mình, hoặc chưa hiểu nhiều về nó. Lúc đó, chị sẽ quyết định dừng lại, để cho người khác dịch tốt hơn. Về sau này, chính sự kiên nhẫn học được trong quá trình tự học giúp chị đi qua những cảm giác tiêu cực.

Nguyễn Bích Lan chia sẻ, ngay từ đầu, chị biết những người dịch văn học là những người bắc cầu văn hóa. Đặc biệt, sau khi dịch xong tác phẩm Từ sông Nile đến sông Jordan, chị hiểu rằng, những cuốn sách như thế sẽ giúp bạn đọc hiểu về người Do Thái, hiểu được nỗi đau khi họ bị tàn sát, hiểu dân tộc ấy qua văn chương.

“Chính nhờ văn chương mà các dân tộc hiểu nhau hơn; từ đó giúp loài người sống hòa ái, hướng đến hòa bình nhiều hơn, giảm chiến tranh, ít tàn phá hơn. Cũng từ văn chương, hướng người ta đến những điều tươi sáng, đẹp đẽ hơn”, Bích Lan nói.

Nhìn lại chặng đường gần 20 năm, Nguyễn Bích Lan cho biết, chị cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn. Theo chị, hạnh phúc trong tình yêu hay trong hôn nhân, ít nhiều phụ thuộc vào người yêu hay người bạn đời của mình. Thế nhưng, nếu mình có một công việc ý nghĩa, sống có ý nghĩa thì đó là niềm hạnh phúc tự ở bên trong mình.

Nguyễn Bích Lan giãi bày: “Nó xuất phát từ bên trong chứ không phải chờ đợi từ bên ngoài. Tôi hy vọng là mình không ảo tưởng về hạnh phúc trong 20 năm qua, nhưng thực sự tôi cảm thấy hạnh phúc, yêu quý công việc mình đang làm. Hạnh phúc của tôi bắt đầu từ lúc dịch sách, chứ không phải lúc cuốn sách ra mắt rồi được độc giả đón nhận”.

Tin cùng chuyên mục