Địa phương có quyền cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì chung cư

Phí bảo trì chung cư là khoản tiền 2% giá trị mỗi căn nhà mà chủ đầu tư có trách nhiệm nộp vào tài khoản và sau đó phải bàn giao lại cho ban quản trị tòa nhà...
Ngày 2-8, tại cuộc họp báo quý 2, lãnh đạo Bộ Xây dựng (XD) đã trả lời các cơ quan báo chí nhiều nội dung được người dân và doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua, trong đó nổi bật là vấn đề tranh chấp quỹ bảo trì chung cư và tình trạng khan hiếm vật liệu cát xây dựng.
Về quỹ bảo trì chung cư, theo lãnh đạo Bộ XD, phí bảo trì chung cư là khoản tiền 2% giá trị mỗi căn nhà mà chủ đầu tư có trách nhiệm nộp vào tài khoản và sau đó phải bàn giao lại cho ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã không minh bạch trong sử dụng nguồn quỹ này và cố tình chây ỳ không bàn giao.
Địa phương có quyền cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì chung cư ảnh 1 Chung cư Bàu Cát 2, điểm nóng về tranh chấp giữa cư dân và Ban quản trị
Tình trạng này thường xảy ra ở những tòa nhà đã đưa vào khai thác trong khoảng thời gian trước 2010-2011, khi các quy định liên quan chưa hoàn thiện, trong hợp đồng mua bán nhà chưa có quy định rõ về quyền lợi, nghĩa vụ các bên.
Đến thời điểm này, luật hiện hành đã cho phép các địa phương cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị tòa nhà. Sở XD các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp và cư dân tính toán việc thu chi quỹ bảo trì trước khi bàn giao. Trong trường hợp vướng mắc cần báo cáo Bộ XD để giải quyết.
Về vấn đề khan hiếm vật liệu cát, theo Bộ XD, trong thời gian qua, do việc siết chặt khai thác cát tại các địa phương nên nguồn cung bị hạn chế dẫn đến giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí đầu tư của nhiều dự án.
Một số doanh nghiệp, chủ bến bãi hoặc đầu mối cung cấp cát tại một số địa phương cũng lợi dụng thời điểm này đầu cơ tích trữ, tăng giá cát. Hơn nữa, theo số liệu cấp phép của các địa phương, tổng khối lượng khai thác cát xây dựng giai đoạn 2011-2015 là 62 triệu m3/năm, trong khi nhu cầu sử dụng cát xây dựng hàng năm khoảng 130 triệu m3.
Hiện trữ lượng cát còn khoảng 2,1-2,3 tỷ m3 cát, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, đến năm 2020 nguồn cung cát sẽ cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu.
Để giải quyết vấn đề này, nhất là tại các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số nơi có nhu cầu sử dụng cát xây dựng lớn, Bộ XD đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo địa phương lập phương án về yêu cầu, tiến độ cung ứng cát xây dựng để chủ động chỉ đạo kế hoạch cung cấp ổn định, đồng thời thực hiện nghiêm các giải pháp chống đầu cơ, tích trữ, ép giá, nâng giá cát trái quy định.
Bộ XD cũng đang nghiên cứu bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp, đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ cho xây dựng trong nước.

Tin cùng chuyên mục