Đi qua vùng “đất cháy”

Đã 4 tháng qua, tại vùng Đông Nam bộ, nắng nóng gay gắt và không có một giọt mưa nào. Trong cơn hạn đến quay quắt, toàn vùng có hàng vạn hộ gia đình đang thiếu nước sinh hoạt, hàng chục ngàn hécta tiêu, cà phê, mì và cây ăn trái đang chết dần. Hạn hán nghiêm trọng đang đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh tái nghèo.
Đi qua vùng “đất cháy”

Đã 4 tháng qua, tại vùng Đông Nam bộ, nắng nóng gay gắt và không có một giọt mưa nào. Trong cơn hạn đến quay quắt, toàn vùng có hàng vạn hộ gia đình đang thiếu nước sinh hoạt, hàng chục ngàn hécta tiêu, cà phê, mì và cây ăn trái đang chết dần. Hạn hán nghiêm trọng đang đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh tái nghèo.

Mía cháy khô trên đồng

Trung tuần tháng 3, nắng như đổ lửa. Những cánh đồng mía tại vùng hạ lưu sông Đồng Nai thuộc các xã Phú Hữu, Phước Khánh, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã qua thời điểm thu hoạch cả tháng nhưng vẫn còn đầy trên ruộng, quắt queo dưới thời tiết khô cháy. Có cớ sự như vậy vì đã 2 tháng qua, độ nhiễm mặn trên sông quá cao, Ban quản lý thủy lợi phải đóng đập Ông Kèo ngăn không cho nước vào. Thêm nữa, nắng hạn kéo dài khiến các con rạch trơ đáy. Do thuộc vùng sông nước, khu vực trồng mía thường vận chuyển bằng ghe; nay các con rạch cạn dòng, hàng trăm ngàn tấn mía của các nông hộ đành để khô ngoài đồng, bởi thu hoạch xong cũng không có cách nào vận chuyển mía ra đường lớn.

Chỉ tay vào ruộng mía đang vào thời kỳ thu hoạch, nông dân Trần Văn Kiên, ngụ ấp Phước Lương, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) buông lời ngao ngán: “Gia đình tôi sống tại vùng này lâu đời rồi nhưng chưa khi nào thấy sông Đồng Nai bị xâm nhập mặn nặng nề đến vậy. Hơn 3 tấn mía đã qua thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng đành bỏ khô trên ruộng vì không vận chuyển được. Đến giữa tháng 4-2016, nếu tình hình này kéo dài, các nhà máy đường kết thúc vụ ép thì đồng mía của tôi phải phá bỏ hết”.

Tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), người trồng mì cũng đầy âu lo vì nắng hạn kéo dài. Tính sơ bộ với một hộ thuê 10ha đất để trồng mì, trong tình hình thời tiết như thế này, mỗi đợt tưới phải liên tục 4 ngày, mỗi lần sử dụng khoảng 400 lít dầu để bơm nước, cộng thêm chi phí thuê khoảng 4 nhân công phụ tưới (mỗi ngày công 250.000 đồng/người), như vậy chi phí tưới rẫy mì rất lớn.

Ông Lê Văn Thìn, một nông hộ trồng mì ở xã Bàu Năng cho hay, vụ năm nay, người trồng mì trên đất thuê đang hồi hộp trước nguy cơ lỗ vốn. Nắng hạn quá khiến nhiều diện tích mì bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bị nhện đỏ tấn công làm cây bị khô đọt, rụng lá trông rất thảm hại. Nông dân phải tốn thêm chi phí xịt thuốc...

Người dân huyện Hàm Tân mua từng can nước sạch về sinh hoạt trong gia đình

Vào mùa đào giếng

Thời điểm này, hầu hết các giếng đào ở nhiều nơi thuộc các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đều đã cạn khô. Để có nước sinh hoạt và sản xuất, nhiều hộ dân buộc phải khoan giếng khác, chi phí lên đến hàng chục triệu đồng. Những cơ sở khoan giếng đang “đắt như tôm tươi”.

Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở khoan giếng Hoàng Minh ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) nhận khoan gần 10 giếng, độ sâu từ 70 - 100m. Tiền công khoan tùy theo độ sâu và chất đất từ 150.000 - 180.000 đồng/m. Tùy “hên - xui”, có giếng thi công chỉ 3 ngày là xong, nhưng có giếng đào cả tuần vẫn không thấy nước, đành bỏ dở.

Tại vùng biên giới của tỉnh Bình Phước, tình hình thiếu nước sinh hoạt càng nghiêm trọng. Về xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh vào thời điểm này, toàn thấy cây cối, vườn tược, thôn ấp đang trở nên hoang tàn vì khô hạn. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ giếng đào ở xã Lộc Hưng đã không còn giọt nước nào; gần 800 hộ dân trong xã đang rất căng thẳng vì thiếu nước sinh hoạt. Đã một tháng trôi qua, 92 hộ gia đình người Khmer ở ấp 4 (xã Lộc Hưng) phải mua nước sinh hoạt với giá gần 100.000 đồng/m³. Nếu dùng tiết kiệm hết mức, mỗi hộ dân nơi đây cũng phải mất cả triệu đồng để mua nước sinh hoạt, một chi phí quá lớn nơi vùng nông thôn.

Nông dân cần chia sẻ

Đài Khí tượng - Thủy văn Đồng Nai cho biết, mùa khô 2015-2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng kéo dài hơn. Từ nay đến đầu tháng 4, nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra và rất hiếm có mưa trái mùa, nước trên các sông hồ trên địa bàn phía Nam tiếp tục xuống dần, các dòng chảy kiệt hơn năm trước và nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền. Dự báo độ mặn trong tháng 3 này có khả năng tiếp tục tăng cao trên sông Đồng Nai.

Trước thực trạng hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, UBND huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đã đề xuất Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh hỗ trợ 20 xe bồn chở nước về thôn, ấp hỗ trợ người dân nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Ông Nguyễn Gia Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, cho biết: Từ ngày 17-3, huyện Lộc Ninh chở nước hỗ trợ người dân ở 3 xã Lộc Thịnh, Lộc Thành và Lộc Hưng. Đây là 3 xã đầu tiên có kế hoạch cụ thể gửi Phòng NN-PTNT về khu dân cư, số hộ thiếu nước sinh hoạt, diện tích cây trồng không có nước tưới. Người dân đã chuẩn bị sẵn dụng cụ chứa nước sinh hoạt, ao hồ có trải bạt để chứa nước tưới tiêu.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hiện toàn tỉnh có 16.939 hộ thiếu nước sinh hoạt, hơn 21.200ha cây trồng thiếu nước tưới (18.309ha cây lâu năm, 17.108ha hồ tiêu và cà phê). Như vậy, toàn tỉnh đã có xấp xỉ 1/10 số hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 57,56% diện tích hồ tiêu và cà phê thiếu nước tưới. Theo nhận định, từ khi tái lập tỉnh đến nay, đây là những con số cho thấy sự khốc liệt nhất trong mùa khô ở miền ngược như Bình Phước.

Đi qua những miền khô khát ở vùng Đông Nam bộ lúc này, mới thấy đáng lo cho cuộc sống của bà con nông dân. Hơn lúc nào hết, người dân các địa phương trong vùng, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần sự chia sẻ của các cơ quan hữu quan, các mạnh thường quân trong mùa đại hạn hết sức khốc liệt này.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục