Đi đâu cũng nhớ quê nhà

Theo Taiwan News, tính đến tháng 8-2017, số cô dâu Việt tại Đài Loan là 98.128 người, chiếm 62,9% tổng số cô dâu nước ngoài sinh sống tại lãnh thổ này. Vượt qua trở ngại ban đầu về văn hóa, ngôn ngữ, các cô dâu Việt dần hòa nhập hơn vào cuộc sống và khẳng định vị trí của mình qua nhiều công việc cống hiến cho nền kinh tế, văn hóa và xã hội xứ Đài.

Gia đình chị Ngọc Vân
Gia đình chị Ngọc Vân
Giản đơn mà ấm cúng

Đến Đài Bắc sinh sống đã gần 20 năm, chị Trần Thị Hoàng Phượng, giảng viên Trường Đại học Chính trị Đài Loan, không còn lạ lẫm với không khí đón tết ở hòn đảo này. Tuy Đài Loan và Việt Nam đều ăn tết vào dịp đầu năm âm lịch, nhưng do cuộc sống ở Đài Bắc khá bận rộn và lối sống Tây hóa đã làm cho người dân nơi đây đón tết ngày càng đơn giản. Trong dịp tết, ngoài việc mọi người trong gia đình cùng nhau quây quần trong ngày 30 Tết để cùng ăn một bữa cơm sum vầy, nhiều gia đình sẽ chọn đi du lịch trong hoặc ngoài nước trong những ngày đầu xuân.

Vào ngày mùng 2 Tết - ngày mà các cô con gái đi lấy chồng sẽ về chúc tết gia đình bên ngoại ở Đài Loan, các chị em làm dâu ở xứ Đài như chị Phượng sẽ cùng tổ chức các bữa tiệc nhỏ với các món ăn quê hương như bánh chưng, bánh tét, dưa cải, thịt kho... rồi cùng ăn uống, trò chuyện.

Ngoài công việc của một giảng viên, chị Phượng còn đảm nhận thêm vai trò quản lý Hiệp hội Kế thừa Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam. Năm vừa qua, chị Phượng nhận thêm trọng trách mới là Chủ tịch Ủy ban Người nhập cư Đài Loan. Ở vai trò mới này, chị đang xúc tiến nhiều cải cách trong chính sách quản lý và nâng cao phúc lợi dành cho di dân mới. Đam mê, tận tụy với công việc, nhưng với chị Phượng, không gì quý giá hơn là những ngày tết được sum họp đầm ấm bên gia đình, tận hưởng những ngày nghỉ lễ thật ý nghĩa.

Đi đâu cũng nhớ quê nhà ảnh 1 Chợ tết ở Đài Loan
Thời khắc quan trọng

“Chị ở đây lâu năm rồi nên cũng đã quen với cuộc sống và văn hóa ở đây, cũng không thèm đồ Việt nhiều như lúc mới qua, nhưng vào những dịp lễ tết thì thấy rất nhớ gia đình cha mẹ và anh em. Nhất là lúc gọi điện thoại về chúc tết bố mẹ vào ngày 30 Tết, lúc đó thấy nhớ không khí tết ở nhà lắm”, chị Ngọc Vân, chủ một nhà hàng Việt Nam ở Tân Trúc chia sẻ.

Đến Đài Loan từ 17 năm trước, chị Vân khởi đầu với công việc kỹ sư điện tử, nhưng rồi cơ duyên lại đưa chị đến ngành kinh doanh ẩm thực. Đưa món ăn Việt Nam vào nhà hàng do chính mình mở cũng là một thử thách không nhỏ với chị. Trải qua gần 2 năm hoạt động, công việc kinh doanh của chị dần ổn định hơn khi các thực khách Đài Loan ngày càng ưa chuộng những món ăn truyền thống Việt Nam như phở bò, cơm sườn, bánh xèo, gỏi cuốn.

Nói về không khí đón tết ở Đài Loan, chị Vân cho biết cũng giống Việt Nam, người Đài Loan có thói quen đi chợ tết mua sắm. Dạo quanh các khu chợ sẽ thấy không khí rộn ràng từ những gian hàng được trang trí bắt mắt với vô số hàng hóa phục vụ cho ngày tết như bánh mứt, trái cây, phong bao lì xì đỏ, đồ trang trí nhà cửa… Bữa cơm tất niên cũng là dịp để gia đình cùng thưởng thức trọn vẹn các món ăn ngon truyền thống của Việt Nam lẫn Đài Loan và ôn lại kỷ niệm, cùng hy vọng vào năm mới.

“Gia đình chị năm nay cũng sẽ đi chùa. Ở Đài Loan, mùng 1 Tết thường không đi chúc tết họ hàng như bên Việt Nam mà thường đi chùa lấy lộc đầu năm, hoặc đi chơi, số ít thì ở nhà nghỉ ngơi”, chị Vân cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục