Đi chợ công nhân

Tại TPHCM, không chỉ ở xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp lớn, mà nơi nào có nhà máy, công nhân lao động là gần đó có chợ công nhân. Chợ công nhân chỉ bán vào giờ tan ca, từ 17 giờ đến 20 giờ, dưới ánh đèn đường. 

Họp chợ ở lòng lề đường

Chợ công nhân có quy mô lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số lượng công nhân đang làm việc ở khu vực đó. Chợ nhóm họp trên vỉa hè hay khu đất trống trước cửa nhà máy, có nơi họp chợ ngay dưới lòng đường. Người đi chợ chủ yếu là các công nhân vừa xong ngày làm việc, ghé vào mua vội ít thực phẩm về nấu ăn.

Chừng 17 giờ, công nhân từ các nhà máy Khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) tan ca, con đường lớn trước khu chế xuất  đông người và xe đổ ra. Những tiểu thương từ trên vỉa hè tranh thủ lấn dần xuống lòng đường để bán. Sau chừng 20 phút, con đường lớn trước khu công nghiệp đã biến thành chợ với hàng chục sạp hàng nối nhau, kéo dài hàng trăm mét.

Chị Hoa (bán rau củ tại chợ này) cho biết: “Tôi quê ở miền Trung, ngày trước cũng làm công nhân trong khu chế xuất. Từ khi tôi sinh con nhỏ, bận bịu chăm con, không đi làm được nữa, nên chuyển sang bán rau quả kiếm thêm chút thu nhập. Thời gian bán mỗi ngày chỉ 3 - 4 tiếng nên có thể gửi con để chạy chợ, thu nhập khá hơn làm công nhân”.   

Đi chợ công nhân ảnh 1 Chợ công nhân nhóm họp dưới lòng đường trước Khu chế xuất Linh Trung 2
Từ khi các nhà máy, xí nghiệp khu sản xuất Tài Lộc (trên đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, quận 9) đi vào hoạt động, một chợ công nhân cũng hình thành tự phát dọc theo đường Lò Lu và đường Lã Xuân Oai. Rồi nhà xưởng xây dựng ngày thêm nhiều, số lượng công nhân tăng cao, quy mô chợ cũng lớn dần lên.

Chợ kéo dài hàng trăm mét, từ trước cổng khu nhà máy đến ngã ba Lò Lu - Lã Xuân Oai. Ở đây, chợ nhóm họp từ sáng sớm đến khuya, nhưng thời điểm đông, tấp nập nhất cũng chỉ sau một ngày làm việc và tăng ca, từ 16 giờ đến 21 giờ, người đi chợ chủ yếu là công nhân. 

Chợ công nhân hình thành sớm và tấp nập nhất là chợ ở đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp). Chừng 15 năm trước, khi khu sản xuất hàng xuất khẩu Huê Phong ra đời, nhiều nhà ở được cải tạo chuyển thành phòng trọ, con đường Phạm Văn Chiêu trở thành khu chợ sầm uất kéo dài hàng trăm mét từ đường Lê Văn Thọ đến đường Quang Trung. Những sạp bán rau củ, thịt cá bày trên hiên nhà, lấn ra vỉa hè. Nhiều căn nhà mặt tiền được cải tạo thành cửa hàng bán giày dép, áo quần. 

Tiện lợi nhưng lo về chất lượng

Chợ công nhân đáp ứng được nhu cầu mua sắm thực phẩm của người lao động. Sau một ngày làm việc, các công nhân bước chân ra khỏi nhà máy thì chợ truyền thống đã tan, siêu thị ở xa, nên hầu hết công nhân mua thực phẩm ngay tại chợ công nhân.

Anh Trần Thanh Bình (công nhân điện, nhà ở đường Lò Lu) cho biết: “Dù là chợ tự phát bán ở lòng lề đường, nhưng cũng có đủ các nhu yếu phẩm, gạo, rau củ, thịt cá dành cho bữa ăn gia đình, có cả áo quần, giày dép. Giá cả nhiều mặt hàng bán tại chợ thấp hơn siêu thị và các chợ lớn ở trung tâm”.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi và giá cả phải chăng, chợ công nhân cũng có những điều chưa ổn. Hầu hết các chợ công nhân đều là chợ tự phát, bán trên lòng lề đường, nhiều người bày bán tràn xuống lòng đường, nên vào giờ tan tầm, các tuyến đường có chợ công nhân nhóm họp như Phạm Văn Chiêu, Lã Xuân Oai, Lò Lu, Lê Văn Thọ… đều bị tắc đường, kẹt xe.

Nỗi lo lớn nhất của chợ công nhân là chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo. Nhiều chủ hàng bán ở đây đến các chợ đầu mối, lò mổ để lấy hàng từ sáng sớm, đến chiều tối mới bán, nên bảo quản khó khăn.

Do bán trên vỉa hè, không thể trang bị tủ cấp đông, nên việc bảo quản các mặt hàng thịt cá chỉ dùng cách ướp đá lạnh, khó đảm bảo được chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Sức khỏe công nhân liệu có bền lâu khi thường xuyên ăn uống thực phẩm thiếu kiểm soát về chất lượng? Biết vậy, nhưng các công nhân không còn lựa chọn nào khác.

Tin cùng chuyên mục