Đến hạn cam kết, lòng lề đường vẫn ngổn ngang

Đến nay đã cận kề thời điểm mà 24 quận-huyện phải hoàn thành cam kết với UBND TPHCM là chấn chỉnh, đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè. Thế nhưng, nhiều tuyến đường, khu vực được chọn để đảm bảo trật tự, xóa bỏ lấn chiếm, hay chấn chỉnh bát nháo, hiện vẫn rất ngổn ngang.

Ngổn ngang tại nơi “cam kết trật tự”

Từ đường Nguyễn Thái Bình rẽ vào đường Phó Đức Chính (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) hướng về chợ Bến Thành, một nữ du khách người nước ngoài bỗng khựng lại trước những nón bảo hiểm, mắt kính, dây thắt lưng nằm la liệt trên vỉa hè.

Nữ du khách nước ngoài bối rối một lúc rồi đánh liều bước hẳn xuống lòng đường, len lỏi qua những đầu xe khách loại 16 chỗ, chiếc lao ra, chiếc tấp vô lề đường đá đèn xi nhan chờ tới lượt tổng đài gọi.

Ở quận 1 không khó để bắt gặp những tình huống như vậy, nhất là địa bàn phường Nguyễn Thái Bình vốn nổi tiếng bởi “bến cóc” tồn tại nhiều năm nay. Lòng đường của nhiều tuyến đường ở phường này đã trở thành điểm được các hãng xe H.M., T.T. mượn tạm để dừng, đậu chờ đón khách.

Đến hạn cam kết, lòng lề đường vẫn ngổn ngang ảnh 1 Cả vỉa hè và lòng đường Tôn Đản (quận 4) đều bị xe đẩy chiếm dụng kinh doanh
Trong khi đó, nhiều vỉa hè đã bị hàng quán, người dân chiếm trọn để làm nơi giữ xe máy, hoặc bày bừa hàng hóa. Nổi bật nhất là vỉa hè đường Phó Đức Chính có hàng chục điểm bán nón bảo hiểm, giày dép, hay vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình (trước cổng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM) không còn chỗ trống bởi các quán ăn, quán nước vây kín.

Trước tồn tại này, phóng viên Báo SGGP liên hệ với UBND phường Nguyễn Thái Bình để ghi nhận kế hoạch chấn chỉnh trong dịp cuối năm. Qua điện thoại, bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, trả lời ngắn gọn rằng phường đang… lập kế hoạch nên chưa có kế hoạch để cung cấp cho báo chí (!?).

Điều đáng nói, đường Nguyễn Thái Bình là một trong 10 tuyến đường mà lãnh đạo UBND quận 1 đã ký cam kết với UBND TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo trật tự.

Tính chung trên toàn địa bàn thành phố, lãnh đạo UBND 24 quận-huyện đã ký cam kết sẽ đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè ở 157 tuyến đường; cam kết xóa bỏ 43 khu vực có điểm, nhóm họp chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và chấn chỉnh 101 nơi có tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè phức tạp.

Đồng thời 24 quận-huyện cũng yêu cầu các tất cả các phường-xã thuộc địa phương mình ký cam kết sẽ chấn chỉnh, xóa bỏ các điểm phức tạp về trật tự, đô thị do lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy tình trạng lấn chiếm ở các tuyến đường “cam kết trật tự” như đường Nguyễn Thái Bình nêu trên không phải là cá biệt. Chẳng hạn, vỉa hè, lòng đường Song Hành xa lộ Hà Nội (quận 2), đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), đường Nguyễn Trãi (quận 5), đường Sư Vạn Hạnh, đường Thành Thái (quận 10)… bị người dân, các hộ kinh doanh lấn chiếm thường xuyên.

Người dân thất vọng

Tại một điểm đen trong nhiều năm qua về nạn lấn chiếm vỉa hè của quận 5 là đường Nguyễn Trãi, những ngày qua chúng tôi vẫn không thấy chuyển biến thật sự. Trên tuyến đường này, ngoài các giá treo nón bảo hiểm chiếm giữ toàn bộ vỉa hè (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Biểu thuộc các phường 2, 3) từ sáng tới khuya thì chiều đến, hàng trăm sạp quần áo, giày dép, túi xách cùng đổ bộ bít kín vỉa hè. Người kinh doanh ra sức bày biện hàng hóa trên vỉa hè, thậm chí họ còn cơi nới các giá treo quần áo và không ít giá treo vươn xuống lòng đường.

Đáng lưu ý, cuối tháng 4-2018, UBND quận 5 quy hoạch gần 2km đường Nguyễn Trãi (đoạn từ giao lộ Nguyễn Văn Cừ đến giao lộ Trần Phú và Nguyễn Duy Dương) thành tuyến phố thời trang. UBND quận 5 khẳng định việc sắp xếp các hộ kinh doanh trên vỉa hè vào những khu vực cố định.

Đến hạn cam kết, lòng lề đường vẫn ngổn ngang ảnh 2 Những sạp giày, dép chiếm trọn vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5). Ảnh: THU HƯỜNG

Quận 5 kỳ vọng sẽ thu gọn hàng hóa trên vỉa hè, không tràn xuống lòng đường, có chỗ đậu xe cho khách để không gây mất trật tự đô thị và trên vỉa hè vẫn còn không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên, qua nhiều ngày ghi nhận thực tế gần đây, phóng viên nhận thấy mục đích chính “đảm bảo trật tự đô thị” đặt ra ban đầu đến nay vẫn chưa thể đạt được.

Thực tế trước đây dù có lấn chiếm nhưng người dân vẫn dè chừng và nhanh chóng thu gọn rút vào các hẻm trốn tránh lực lượng chức năng. Còn hiện nay, những người kinh doanh trên vỉa hè được hoạt động công khai và tìm mọi cách ăn gian diện tích trưng bày hàng hóa, đẩy toàn bộ người đi bộ xuống lòng đường.

Tương tự phố thời trang của quận 5, phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) cũng lâm vào tình cảnh tương tự, khiến mục đích tạo các tuyến phố kinh doanh, ăn uống để đảm bảo trật tự đô thị đã không thành hiện thực. Trước khi được quy hoạch thành phố ẩm thực, đường Vĩnh Khánh, đoạn từ đường Bến Vân Đồn đến đường Tôn Đản (dài khoảng 1km) rất bát nháo bởi hoạt động của hàng chục quán ốc, quán hải sản.

Lúc đó, vỉa hè của tuyến đường la liệt bàn ghế, lòng đường tấp nập xe cộ ra vào, qua lại trông rất hỗn loạn. Những tưởng khi được quy hoạch thành phố ẩm thực, tuyến đường này sẽ đổi thay, nhưng thực tế thì lại bát nháo hơn.

“Trước đây, hàng quán còn chừa vài tấc trên vỉa hè cho người ta đi, giờ thì đặt ra tận mép đường. Hàng quán kinh doanh từ chập tối đến tận sáng hôm sau. Điều đáng nói, 10 quán thì đến 8 - 9 quán là bán ốc phục vụ dân nhậu, tìm hoài vẫn không thấy có gì như tên gọi “phố ẩm thực” mà người ta gắn trên tấm bảng đầu đường”, chị Phạm Ngọc Thanh Trang (ngụ đường Vĩnh Khánh) phàn nàn.

Đại diện UBND phường 8 và phường 10 quận 4 phân trần, tuyến đường Vĩnh Khánh vốn không có vỉa hè. Sau khi giải tỏa một số nhà dân để làm cống hộp, làm đường thì còn lại đất trống 2 bên, được làm vỉa hè tạm. Trước tình trạng lấn chiếm lòng lề đường khu này “nóng”, quận 4 xây dựng thành phố ẩm thực và cho các hộ thuê lại vỉa hè để kinh doanh.

Quận có chừa lối đi cho người đi bộ ở phía giáp với nhà nhưng thường xuyên bị lấn chiếm. Theo các phường cho biết, quận đang từng bước chấn chỉnh phố ẩm thực theo tiêu chí mỹ quan đô thị, đảm bảo an ninh trật tự, có bảo vệ, có bãi giữ xe nhằm thu hút thực khách và khách du lịch… Tuy nhiên, phố ẩm thực đã hoạt động gần 10 tháng qua nhưng mỹ quan đô thị và an ninh trật tự của phố ẩm thực Vĩnh Khánh vẫn khiến người dân thất vọng. 

Ông PHAN NGỌC PHÁT, Chủ tịch UBND phường 3 quận 5:

Lấn chiếm sẽ bị buộc ngưng kinh doanh

Thời gian đầu khi quận đưa “phố thời trang Nguyễn Trãi” vào hoạt động, các hộ kinh doanh chấp hành quy định khá tốt. Song gần đây họ lại bung ra và tái lấn chiếm trở lại. Phường đã yêu cầu các hộ ký cam kết giữ gìn trật tự lòng lề đường, kinh doanh theo quy hoạch của phường và quận nhưng nhiều hộ chưa thực hiện. 

Phường đã xây dựng kế hoạch chấn chỉnh lòng lề đường, đặc biệt là tuyến Nguyễn Trãi, để đảm bảo trật tự đô thị từ nay đến Tết Nguyên đán. Trong tuần này, chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với các hộ kinh doanh để cùng thống nhất, nếu hộ nào vi phạm thì sẽ bị phạt nghiêm, hoặc yêu cầu chấm dứt kinh doanh, để răn đe các trường hợp khác. Ngoài ra, phường sẽ tăng cường thêm lực lượng để tuần tra, giám sát vào buổi tối, đảm bảo các hộ kinh doanh hoạt động gọn trong phạm vi giới hạn, không để phát sinh thêm bất cứ điểm kinh doanh mới nào và đảm bảo chừa 1,5m vỉa hè dành cho người đi bộ. Đối với những cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mãi từ nay đến cuối năm thì phải đăng ký để phường hỗ trợ, bố trí điểm giữ xe, không làm ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến đường.

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM:

Cần kiểm điểm trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý

Trong tuần tới, Ban ATGT TP sẽ phối hợp đánh giá kết quả thực hiện cam kết lập lại trật tự đô thị ở từng địa bàn của các quận-huyện với UBND TPHCM. 

Trong thời gian qua, Ban ATGT TP đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế ở gần 300 tuyến đường, khu vực mà các quận-huyện đã cam kết. Chúng tôi cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chỉ đạo MTTQ 24 quận-huyện thực hiện việc giám sát kết quả thực tế ở từng địa bàn. Mặt khác, trên cơ sở kết quả tự đánh giá của các địa phương, Ban ATGT TP sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện cam kết và báo cáo, đề xuất UBND TP nhắc nhở, xử lý đối với những trường hợp không thực hiện đúng cam kết.

Thực tế, tình hình trật tự lòng lề đường, vỉa hè, giao thông trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều tuyến đường thông thoáng hơn. Trong đó, sự ra quân quyết liệt của các cấp chính quyền từ quận-huyện cho đến phường-xã đã tạo nên kết quả này. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, kết quả đạt được chưa đồng bộ, chưa như mong muốn. Khi ra quân thì trật tự tương đối tốt nhưng ngay sau đó, tình trạng lấn chiếm bát nháo lại xuất hiện trở lại.

Nên nhớ, từng quận - huyện đã chủ động cân nhắc vào tình hình thực tế, tính toán giải pháp sử dụng vỉa hè, lòng đường một cách hợp lý rồi ký cam kết sẽ đảm bảo trật tự, xóa bỏ lấn chiếm hoặc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của từng tuyến đường, khu vực cụ thể. Lãnh đạo UBND các quận-huyện đã cam kết với UBND TP thì phải thực hiện theo đúng cam kết ấy. Vì vậy, đối với những tuyến đường, khu vực không thực hiện đúng cam kết sẽ có phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh về cách làm cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, những trường hợp không thực hiện đúng cam kết mà do nguyên nhân chủ quan, như buông lỏng quản lý, thì cũng cần kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương đó.

Tin cùng chuyên mục