Để y tế cơ sở làm tròn vai người gác cổng

Mạng lưới y tế cơ sở hiện nay đã trải rộng khắp từ đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa, đến biên giới hải đảo. Thời gian qua mạng lưới này ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết cán bộ tại mạng lưới y tế cơ sở chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Đội ngũ cán bộ y tế có trình độ về công tác tại tuyến cơ sở luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. 

Cán bộ thiếu và yếu về chuyên môn khiến đa số các hoạt động khám chữa bệnh ở các tuyến y tế cơ sở chỉ duy trì ở mức cầm chừng, không phát triển được kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng lẫn trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh ở các tuyến y tế cơ sở luôn trong tình trạng rất thiếu thốn. Chỉ 6,5% số trạm y tế cơ sở có đủ số phòng theo tiêu chuẩn, 30% còn thiếu trang thiết bị theo yêu cầu. Hầu hết các trạm luôn trong tình trạng thiếu thuốc trong danh mục, kể cả những thuốc trong điều trị các bệnh mãn tính thông thường... Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh.

Chính sự hạn chế trong quá trình hoạt động tại các trạm y tế cơ sở đã có tác động rất lớn đến số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây, khiến cho hầu hết người dân khi có bệnh đều mong muốn đến những cơ sở y tế lớn để khám chữa bệnh bởi họ chưa có niềm tin vào chất lượng dịch vụ, khám chữa bệnh tại đây. Là đơn vị giải quyết bệnh nhân sớm nhất những chứng bệnh đơn giản (gần 80% bệnh tật), nếu mạng lưới y tế cơ sở hoạt động và phát triển hiệu quả sẽ giúp giảm rất lớn về chi phí, rút ngắn về chỉ số giữa các vùng miền cũng như tạo sự cân bằng hoạt động khám chữa bệnh hiện nay. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để làm được điều này trước hết cần hoàn thiện chính sách, đổi mới cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở như: đưa cán bộ thuộc trung tâm y tế huyện luân phiên từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân, để người dân được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe… Bên cạnh đó, cũng theo người đứng đầu ngành y tế, thời gian tới cần tăng cường mạng lưới y tế cơ sở để bảo đảm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế ít tốn kém là yếu tố cơ bản, có tính quyết định tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. 

Để làm được điều này ngoài việc bản thân cán bộ y tế cơ sở phải thay đổi tư duy cách nghĩ cách làm, cần có các giải pháp khả thi và hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, tài chính, chính sách cho tuyến y tế cơ sở, để mạng lưới y tế cơ sở thực sự là người gác cổng của ngành y tế.

Tin cùng chuyên mục