Đề xuất quay lại cơ cấu UBND cũ

Ngày 28-2, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tại hội nghị, trình bày dự thảo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 3 điều, trong đó điều 1 - sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; điều 2 - sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; điều 3 là hiệu lực thi hành.

Theo đó, dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 13 nội dung tại 3 điều của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành và sửa 20 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các ý kiến tại hội nghị thống nhất việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung cần bám sát theo các vấn đề đã được định hướng trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị cho chủ trương hoặc kết luận liên quan đến tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.

Về cơ cấu thành viên UBND cấp tỉnh, huyện, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cơ cấu thành viên UBND như Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.

Theo đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên là người đứng đầu một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp là ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an, mà không bao gồm tất cả người đứng đầu cơ quan chuyên môn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định, UBND cấp tỉnh, huyện gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an.

Theo các ý kiến này, quy định như vậy không ảnh hưởng đến việc lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, vì việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có các chức danh cán bộ (do bầu) mà vẫn có thể lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh công chức (do bổ nhiệm).

Trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong nhiệm kỳ, nhiều chức danh không do bầu cử như thứ trưởng hoặc tương đương nhưng vẫn đang thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm… Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị giữ như hiện hành.

Tin cùng chuyên mục