Đề xuất cho thí điểm mở rộng phương án thi của ĐHQG Hà Nội

Ngày 27-9, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo tham vấn “Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở ĐHQG Hà Nội”.

(SGGPO). - Ngày 27-9, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo tham vấn “Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở ĐHQG Hà Nội”.

ĐHQG Hà Nội dự kiến sẽ áp dụng phương án thi bằng một bài thi tổng hợp theo hướng đánh giá năng lực học sinh dự kiến ngay từ kỳ tuyển sinh năm 2015. Bên cạnh đó, ĐHQG Hà Nội dự định sẽ đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) được áp dụng kết quả bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung của ĐHQG Hà Nội cho xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các cơ sở đào tạo của ĐHQG Hà Nội cũng như tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng khác.

Trên cơ sở những bài học và kinh nghiệm thành công của ĐHQG Hà Nội đã triển khai trong năm 2014, cũng như những ý kiến đóng góp của các trường đại học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, ĐHQG Hà Nội sẽ báo cáo với Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực để Hội đồng tư vấn cho Chính phủ về việc áp dụng ở nhiều địa phương trong cả nước ở những thời điểm phù hợp và thuận lợi để thí sinh có thể sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học ĐHQG Hà Nội cũng như các trường ĐH-CĐ khác.

Tại hội thảo, nhiều trường đại học lớn ủng hộ phương án của ĐHQG Hà Nội. ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất có thể trong năm đầu tiên, một nhóm trường ĐH tốp trên thoả thuận với nhau để thực hiện, sau đó khi đã làm tốt thì có thể nhân rộng.

Thầy Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cũng nhận định, phương án này của ĐHQG là “đi trước thời đại”. Tuy mẫu học sinh thí điểm thi theo phương án này chưa lớn nhưng kết quả rất tốt. Tương lai, nếu dùng kết quả này thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là rất tốt. Tuy nhiên, thầy Nghĩa cũng băn khoăn về tính bảo mật của đề thi cũng như việc ĐHQG Hà Nội dự định thi đợt đầu vào tháng 4 thì đối tượng thi là ai, khi mà  học sinh lớp 12 chưa thi tốt nghiệp? Ngoài ra, chi phí mà học sinh đóng góp và các trường muốn sử dụng kết quả phải trả như thế nào cũng cần làm rõ thêm.

Thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, phương án cần có sự chuẩn bị bài bản, chu đáo và triển khai thử nghiệm. Tuy nhiên đây là 1 trong các tiêu chí chứ không phải tất cả, vì các ĐH trên thế giới ngoài kết quả thi còn căn cứ vào thư giới thiệu, kết quả học phổ thông, phỏng vấn… để xét tuyển. Phương án  này cũng cần cân nhắc vấn đề cơ sở hạ tầng.

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cũng ủng hộ và cho biết sẵn sàng cùng tham gia tổ chức thi, cùng tham gia sử dụng kết quả thi cho việc xét tuyển.

GS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, hiện nay trường đã có quy định về việc triển khai đề án này. Nếu Bộ cho phép các trường được cùng tham gia thì ĐHQG Hà Nội sẽ công bố để các trường sử dụng. Các trường tốp trên cùng làm với nhau, nếu ổn thì sẽ mở rộng. 

Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, việc tuyển sinh theo năng lực có thể từng bước thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là sau năm 2015 khi đã thực hiện đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa. Khi học trò đã hiểu thi theo kiểu đánh giá năng lực là thế nào thì có thể dùng để thay thế thi tốt nghiệp? 

GS Bành Tiến Long, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, người được coi là “cha đẻ” của thi ĐH-CĐ 3 chung cũng cho rằng, phương án của ĐHQG Hà Nội là sự chuẩn bị bài bản, có điều kiện để thành công, đặc biệt là việc trường đã chuẩn bị được hơn 4.000 câu hỏi là việc mà trước đây Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cũng chưa làm được. Tuy nhiên, do đây là phương án rất mới nên cần truyền thông để học sinh biết và chuẩn bị, phải làm sao để học từ lớp 10, 11 đã biết được phương án này. Với học sinh ở vùng khó khăn cần cho các em thời gian làm quen máy tính.

Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đánh giá cao phương án tuyển sinh của ĐHQG. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, phương án nào bảo đảm không gây xáo trộn mới là phương án tốt.

"Phương án thi theo bài thi tổng hợp là cái đích cần đạt tới. Phương án này sẽ rõ nét hơn khi thực hiện đổi mới thi đồng bộ. Phương án thi trong năm 2015 mà Bộ đã công bố là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện đổi mới thi đồng bộ đó”, ông Trinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tự chủ có giải pháp mới tiên tiến phù hợp, với đối tượng tuyển sinh ngành nghề đào tạo và nhất quán toàn hệ thống. “Tôi mong sắp tới phương án này gắn với bảo đảm quyền lợi thí sinh, để thi không làm phức tạp thêm việc thi của học trò. Bộ sẽ có làm việc chính thức với trường ĐHQG Hà Nội. Trước mắt, với hơn 1 triệu thí sinh hàng năm, Bộ phải đi lộ trình phù hợp, chắc chắn hơn, nhưng vẫn phải đến đích”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Tuy vậy, mong muốn của ĐHQG Hà Nội là nếu Bộ GD-ĐT thấy phương án này tốt thì công nhận để cho thí điểm. ĐHQG Hà Nội sẽ tiên phong thí điểm với một số trường đại học để khi phù hợp thì phát triển thành phương án thi quốc gia. 

“Ngày 15-10 trường công bố phương án tuyển sinh, công bố rộng rãi đến thí sinh. Các trường đại học sẽ làm việc thành cụm để chia sẻ với nhau”, ông Nguyễn Kim Sơn nói.

PHAN THẢO

>> Năm 2015: Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện tuyển sinh riêng bằng bài thi tổng hợp

Tin cùng chuyên mục