Để tuổi già thêm ý nghĩa

  Ở tuổi 84, mỗi buổi sáng, ông Huỳnh Công Tấn vẫn chạy xe đến trụ sở UBND phường 6 quận 4 (TPHCM), miệt mài với công tác chăm lo cho những cựu chiến binh cũng như hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Nụ cười gần gũi, tấm lòng cởi mở của ông Huỳnh Công Tấn (giữa) giúp bà con trong khu phố ấm lòng những lúc khó khăn
Nụ cười gần gũi, tấm lòng cởi mở của ông Huỳnh Công Tấn (giữa) giúp bà con trong khu phố ấm lòng những lúc khó khăn
12 tuổi ông Tấn đã tham gia chuyển tài liệu cho các chú, các anh và bắt đầu chuỗi ngày tham gia hoạt động cách mạng. 16 tuổi, ông Tấn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Dù đã 68 năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in cái ngày trọng đại ấy. Trong chiến khu, ông đọc lời tuyên thệ nguyện cả cuộc đời này cống hiến sức mình cho quê hương, đồng bào. Và lời hứa ấy, đến nay ông vẫn còn thực hiện.
Gần gũi, cởi mở, nhanh nhẹn là điều mọi người cảm nhận về ông. Ở cái tuổi lẽ ra phải để người khác chăm sóc mình, ông Tấn đã làm ngược lại: đi thăm hỏi, chăm lo cho người cao tuổi, bạn thời kháng chiến. Mà nhiều người ông chăm lo, tuổi đời còn nhỏ hơn ông. “Mình còn sức khỏe thì còn tham gia hoạt động. Có vận động, làm việc thì tinh thần mới minh mẫn. Với lại được gặp gỡ anh em, được san sẻ những khó khăn cùng nhau lúc tuổi xế chiều, đó còn là niềm hạnh phúc”, ông Tấn chia sẻ. 
Với ông Tấn, điều gì chưa biết thì phải học, không kể tuổi tác đã cao. Và những điều mình đã học được thì phải mang ra cống hiến. Bởi thế, khi đến tuổi nghỉ hưu, về địa phương ông tham gia hoạt động hội cựu chiến binh, câu lạc bộ truyền thống kháng chiến. Trong suy nghĩ của ông Tấn, tuổi đời có thể hưu, nhưng tuổi Đảng thì không hưu.
Thấy cuộc sống những người bạn chiến đấu khi xưa nay còn nhiều khó khăn, nhiều người muốn có một bộ quân phục để mặc vào những dịp hội họp. Vậy là ông trích lương hưu để dành bấy lâu, mang đến gặp lãnh đạo phường trình bày nguyện vọng được mua những bộ quân phục tặng đồng đội cũ. Rồi thấy nhà một cựu chiến binh đã dột nát, ông lại trích tiền hưu trí để hỗ trợ xây lại căn nhà. Người dân trong khu phố thường thấy ông qua phụ một tay, rồi hỗ trợ chi phí khi nhà hàng xóm có ma chay mà không tiền lo đám. Thấy các cụ già neo đơn, bệnh tật, cuộc sống khó khăn, ông lại trích tiền hưu mua bảo hiểm y tế để gửi tặng. Ông còn vận động vợ, con dành tặng những phần quà cho bà con vào các dịp lễ, tết. 
Từ ngày ông Tấn về làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến, hoạt động nơi đây sôi nổi hơn. Các buổi họp mặt, chăm lo thành viên khó khăn được ông thực hiện một cách chu đáo, tươi vui. Ông còn tổ chức các buổi nói chuyện để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương. “Có bác Tấn, hoạt động chăm lo người cao tuổi, an sinh xã hội trên địa bàn được thực hiện tốt hơn. Bác còn là tấm gương đầy nhiệt huyết trong công tác để đảng viên, thanh niên noi theo, học tập”, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 6, nhận xét.  
Vinh dự 2 lần được gặp mặt Bác Hồ, ông Tấn nhớ như in hình ảnh cũng như những lời Bác dạy. “Lần đó tôi cùng anh em đang làm cầu Việt Trì. Bác Hồ đến và ra thẳng công trình để thăm hỏi mọi người, rồi Bác vào bếp, vào nhà vệ sinh để xem điều kiện sinh hoạt của anh em có được tốt hay không. Trong lần Bác đến thăm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi đó tôi đang là sinh viên, Bác nhắc nhở sinh viên là vốn trí thức quý của dân tộc nên phải ra sức cố gắng học tập, luôn luôn cố gắng vừa hồng vừa chuyên”, ông Tấn hồi tưởng. Nhớ lời Bác Hồ, ra sức học tập tấm gương vị Chủ tịch kính yêu, ông Tấn vẫn cố gắng cống hiến để mỗi ngày lại thấy tuổi già của mình thêm ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục