Đề phòng sự cố từ các thiết bị điện lạnh

Máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt... là những thiết bị điện lạnh rất quen thuộc trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân. Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, các vật dụng này cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ...

Vào lúc 12 giờ 10 ngày 3-8, tại nhà số 256/13 Phạm Văn Chí, phường 4, quận 6 (TPHCM) xảy ra cháy, gây thiệt hại một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện từ chiếc máy giặt cũ.

Đề phòng sự cố từ các thiết bị điện lạnh ảnh 1 Hiện trường một vụ cháy do chập điện máy giặt

Vụ việc nói trên không phải là cá biệt. Ngày 11-4, lực lượng Cảnh sát PCCC quận 11 cũng kịp thời dập tắt và cứu nạn một người đàn ông thoát khỏi vụ cháy tại căn nhà số 97, đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình. Nguyên nhân gây cháy được chủ nhà xác định do chập điện hệ thống máy lạnh, rồi bén vào tấm nệm trong nhà gây cháy lan. Ngày 21-7, lực lượng PCCC tại chỗ cùng người dân xung quanh đã nhanh chóng dập tắt vụ cháy khác ở số nhà 11A, đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, quận 9, TPHCM, nguyên nhân gây cháy được xác định do chập điện từ cục nóng máy lạnh…

Trên thực tế, chúng ta cũng không khó để bắt gặp nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn PCCC từ những chiếc máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt... trong gia đình. Đa số đều có xuất phát chung là sự chủ quan từ phía người dân, như bất cẩn trong việc câu mắc, lắp đặt hệ thống dây dẫn điện tùy tiện đối với các thiết bị này; bố trí tủ lạnh, máy giặt ở nơi không thông thoáng; để nhiều vật dụng dễ cháy xung quanh máy giặt, tủ lạnh… Đáng báo động hơn, không ít nhà dân còn xem cục nóng máy lạnh là nơi để đặt nhiều vật dụng sinh hoạt khác; từ đó, rất dễ bắt lửa gây cháy khi có điều kiện. 

Thiếu tá Nguyễn Việt Trà, cán bộ Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC TPHCM, nhận định: “Nguyên nhân gây cháy nổ từ tủ lạnh là do người dân sử dụng các thiết bị quá cũ hoặc quá trình sửa chữa, tân trang, nạp ga tủ lạnh nhiều lần, các đường ống đã cũ và có hiện tượng đóng cặn, làm tắc đường ống dẫn từ dàn nóng đến dàn lạnh, khiến áp suất trong đường ống tăng cao gây ra nổ và cháy. Một nguyên nhân nữa là trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, người dân có nhu cầu sử dụng thiết bị điện nhiều, cụ thể là máy lạnh, tủ lạnh… dẫn đến hiện tượng các ổ cắm, đường dây dẫn điện bị quá tải, làm chập mạch gây cháy. Và nguyên nhân nữa là do thiết bị lạnh không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên khiến đường dây, hệ thống điện của tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh bị chuột bọ gặm nhấm hoặc bị lão hóa, oxy hóa dẫn đến chạm chập gây cháy.

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, Thiếu tá Nguyễn Việt Trà khuyến cáo, người dân nên lựa chọn sản phẩm chất lượng cao từ những thương hiệu có uy tín, sản phẩm phải có thông tin hướng dẫn sử dụng chi tiết và phiếu bảo hành. Trong quá trình sử dụng, các gia đình nên bố trí những thiết bị điện lạnh tránh xa nơi sinh lửa, sinh nhiệt 1 - 3m. Tủ lạnh nên đặt  cách tường 10 - 15cm. Đồng thời, người dân nên bảo dưỡng định kỳ mỗi tháng 1 lần đối với các thiết bị điện lạnh của gia đình. Trong đó lưu ý, khi vệ sinh máy lạnh và tủ lạnh nên kiểm tra, vệ sinh luôn cả dàn lạnh lẫn dàn nóng. Và dàn nóng của các thiết bị này nên đặt nơi thoáng mát, không đặt gần nơi chứa nhiều vật dụng dễ cháy.

Những thiết bị có thể gây cháy nổ tại gia đình

- Bình gas: Nguyên lý cháy nổ là do khí gas bị rò rỉ, kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp dễ cháy. Chỉ cần gặp nhiệt độ cao phù hợp hoặc có tia lửa phát ra khi bật công tắc đèn, quạt, điện thoại, giày cao gót có kim loại tiếp với mặt sàn... thì rất dễ xảy ra cháy nổ lớn.

- Bóng đèn dây tóc: Bóng đèn dây tóc khi được đốt cháy giống như một ống chân không và thực sự nổ tung khi bị quá tải. Ngoài nguyên nhân chập điện, quá tải thông thường, khi bóng đèn quá nóng, một giọt nước rơi vào mặt thủy tinh cũng khiến bóng đèn bị vỡ. 

- Pin, sạc dự phòng: Pin điện thoại sau thời gian dài sử dụng quá tải hoặc không đạt chuẩn sẽ bị phồng lên. Khi vượt quá giới hạn, pin sẽ nóng lên nhanh và gây cháy nổ. Tránh mua pin không phải do các đơn vị chính hãng phân phối và đồng thời phải ngưng sạc pin khi đang ngủ bên cạnh thiết bị sạc.

- Tủ lạnh: Nguy cơ nổ tủ lạnh thường gặp ở những tủ đã quá cũ hoặc do sửa chữa hàn xì, thay gas nhiều lần.

- Bình nóng lạnh: Sau thời gian dài sử dụng, thanh điện trở của bình nóng lạnh bị một lớp cặn bám vào làm giãn nở, gây nứt vỡ vỏ thanh điện trở và rò điện ra nước. Hoặc vỏ thanh điện trở bị ăn mòn làm thủng ống, điện sẽ rò theo nước chảy, khiến người sử dụng bị giật.

- Đường dây điện trong nhà: Khi đường điện bị quá tải, bị hở hoặc các thiết bị điện gặp sự cố sẽ gây chập, cháy. Nếu các thiết bị điện này đặt gần bình xăng xe hoặc bình gas, bình cứu hỏa thì những vụ cháy nổ kinh hoàng xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Tin cùng chuyên mục