Để những hạt giống thiện lành lan xa

Xuất hiện đầy ấn tượng ngay từ tập thơ đầu tiên - Cơn ngạt thở tình cờ vào năm 2007, sau hơn 10 năm, Trần Lê Sơn Ý mới trở lại bằng một tập tản văn - Yêu thương là tự do. 
Để những hạt giống thiện lành lan xa

Cuốn sách có những trăn trở, suy tư và cũng là niềm hạnh phúc của một phụ nữ trong đời sống đô thị, đặt trong các mối tương quan với gia đình, công việc, bạn bè... Đó cũng chính là những thách thức mà phụ nữ ngày nay phải đối diện.

“Đàn bà, mười người thì có đến mười nỗi buồn, nỗi nào cũng to như cái đinh mà chuyện chồng con là tâm điểm”. Trần Lê Sơn Ý đã đúc kết như vậy trong bài viết Não đàn ông làm bằng gì?  Đôi lúc, một số người không vượt qua được “nỗi buồn đàn bà”, bèn tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Nhưng liệu cái chết kia đã hoàn toàn là cuộc giải thoát cho chính người trong cuộc lẫn những người thân bên cạnh? Ngay cả những người đàn ông, đang yên đang lành với cuộc sống, nhưng một ngày bất ngờ tự kết liễu đời mình, để lại những câu hỏi lơ lửng, cùng biết bao hoang mang cho người vợ và những ai biết chuyện. 

Trong cuốn sách, Trần Lê Sơn Ý có nhắc đến câu chuyện của người Eskimo ở vùng Bắc cực khắc nghiệt. Người Eskimo sống bằng nghề săn bắn. Họ có cách săn bắn khác hẳn với mọi người, khi lấy máu súc vật bôi lên một con dao đã mài thật sắc. Sau đó đem con dao cắm giữa trời tuyết giá. Đàn cáo nghe được mùi máu, chúng lần mò tìm tới, liếm láp vào chính con dao đã được nhuốm máu kia. Càng liếm, cáo càng say vì máu tươi nhỏ ra từng giọt. Đàn cáo say sưa liếm láp mà không hề nhận ra con dao đang cứa lưỡi mình dẫn đến kiệt sức mà chết. 

Cuộc sống đô thị ngày nay đang chứng kiến không ít những nỗi cô đơn, trầm cảm của rất nhiều thị dân. Không biết bám víu vào đâu, những thị dân ấy dần trượt dài với cõi lòng đầy phiền muộn. Trần Lê Sơn Ý nhìn thấy hình ảnh chính mình và của rất nhiều người trong hình hài của con cáo trong câu chuyện kể trên, cũng đang chết dần trong thú đau thương của mình. Câu chuyện con cáo có ý nghĩa thức tỉnh với chị: “Những điều đáng lẽ phải buông tay, tôi lại khư khư ôm vào sâu hoắm. Những ngày đáng lẽ phải đón nhận, hy vọng, tôi lại xếp chúng vào ngăn ô lo nghĩ, suy đoán, toan tính” (Con cáo và… tôi). 

Với một tâm hồn, một trái tim rã rời, mỏi mệt như thế, làm sao có thể đón nhận yêu thương? Làm sao có thể trao truyền yêu thương đến những người xung quanh? Không có cách nào khác là “lay con cáo đang liếm láp thú đau thương”, “con cáo vui thú với những đau khổ dằn vặt trong mình” phải dừng lại. 

Yêu thương là tự do (Phanbook và NXB Văn hóa - Văn nghệ thực hiện) có tất cả 56 bài viết, mỗi bài viết lại như một lời thủ thỉ tâm tình của tác giả. Các bài viết cùng bày tỏ một mong muốn chung, là tìm đến sự cân bằng trong tâm hồn, giúp bạn đọc tìm thấy sự bình an trong đời sống nhộn nhạo hôm nay. Tất cả giống như những hạt giống thiện lành, xứng đáng được lan xa. 

Tin cùng chuyên mục