Để người trẻ không thờ ơ với truyền thống

Việc sống nhanh, sống gấp của người trẻ; sự xuất hiện của “thời đại công nghệ số”; sự xơ cứng của phương pháp giáo dục truyền thống… là những lý do được đưa ra cho câu hỏi: Vì sao một bộ phận người trẻ lại thờ ơ với những giá trị truyền thống. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Để người trẻ không thờ ơ với truyền thống

Việc sống nhanh, sống gấp của người trẻ; sự xuất hiện của “thời đại công nghệ số”; sự xơ cứng của phương pháp giáo dục truyền thống… là những lý do được đưa ra cho câu hỏi: Vì sao một bộ phận người trẻ lại thờ ơ với những giá trị truyền thống. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Chị Nguyễn Thị Hương (Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn TNCS TPHCM): Khơi gợi người trẻ đam mê tìm hiểu truyền thống

Xã hội ngày càng phát triển, những người trẻ càng sống nhanh, sống gấp, thời gian của họ bị chi phối bởi quá nhiều việc, bị lôi cuốn bởi những thú vui hấp dẫn khác và cuộc sống ảo trên mạng xã hội. Trong khi lịch sử và các giá trị truyền thống ở nước ta chủ yếu thể hiện qua sách báo khá khô khan nên chưa đủ sức cạnh tranh với mạng xã hội, phim ảnh hay các gameshow đang bùng nổ như hiện nay. Ở các nước trên thế giới, họ rất coi trọng đến việc quảng bá lịch sử của đất nước, người dân có thể tìm hiểu lịch sử ở bất kể đâu. Đơn cử như trên mỗi con đường đều đặt bảng thông tin về bản thân và thành tựu của vị danh nhân mà con đường đó mang tên.

Bản thân những người làm công tác Đoàn như chúng tôi cũng rất buồn vì thực trạng tuổi trẻ Việt Nam ngày càng thờ ơ với lịch sử và các giá trị truyền thống của dân tộc. Chúng tôi cũng nỗ lực tổ chức các hoạt động như thăm các căn cứ kháng chiến, thăm gia đình thương binh liệt sĩ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử hay phổ biến nhất là hoạt động thanh niên tình nguyện để giáo dục về lòng yêu nước qua các thời kỳ... Tất cả những hoạt động trên thu hút đoàn viên tham gia nhưng đó chưa phải là sự chủ động. Theo tôi nghĩ, điều quan trọng nhất để giới trẻ chủ động tìm hiểu về lịch sử và các giá trị truyền thống của dân tộc là phải khơi gợi trong họ niềm đam mê.

Cô Phạm Thị Bích Tuyền (Tổ trưởng tổ Sử, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM): Lỗi không ở người trẻ!

Dưới góc độ giáo viên dạy môn Sử, tôi thấy ngày nay học trò chưa quan tâm đến lịch sử và các giá trị truyền thống do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo tôi lỗi không phải ở người trẻ. Trước hết, người trẻ chịu quá nhiều tác động từ phụ huynh, từ chương trình học và môi trường xã hội. Nhiều năm dạy học, tôi thấy rằng hầu hết phụ huynh đều muốn con em mình học giỏi các môn: Toán, Văn, Lý, ngoại ngữ... hay những môn để sau này vào trường chuyên, đại học; những môn còn lại chỉ cần học đủ điểm lên lớp là được. Tôi đã chứng kiến nhiều học sinh thích môn Sử, đi thi học sinh giỏi môn Sử nhưng lại phải giấu gia đình.

Chương trình giáo dục của ta còn nặng về hàn lâm, lý thuyết. Bản thân giáo viên chỉ dám đổi mới trong phạm vi an toàn, bởi nếu xây dựng những chương trình đi sâu vào nội dung, mở rộng để lồng ghép những nét văn hóa, truyền thống của dân tộc thì không đủ thời gian và có thể còn bị khiển trách nếu “cháy” giáo án. Và tất nhiên, để dạy hết chương trình với một môn có thời lượng ít thì không tránh khỏi tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, học trò chưa kịp hiểu thì không thể bắt các em phải yêu thích môn học đó được. 

Để cải thiện thực tế này là điều không dễ. Điều cần thiết nhất là nền giáo dục phải thay đổi, giảm tải gánh nặng kiến thức lý thuyết cho học sinh; phụ huynh cũng cần thay đổi tư duy để tránh định hướng một chiều cho trẻ; giáo viên phải chủ động xây dựng những chương trình giảng dạy ở đó có sự tương tác của học trò.

Nguyễn Phương Hoa (quận Phú Nhuận, TPHCM): Chúng tôi tiếp cận cái mới để không tụt hậu

Tôi không phủ nhận giới trẻ chúng tôi ngày càng thờ ơ với lịch sử, với giá trị truyền thống của dân tộc, nhưng hãy nhìn lại và cảm nhận bằng con mắt của một người trẻ khi ở thời đại công nghệ số, chúng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ internet, có quá nhiều thứ mới mẻ khiến thế hệ chúng tôi buộc phải tiếp cận để không bị tụt hậu. Hơn nữa, đặc điểm của tuổi trẻ là thích trào lưu, thích xu hướng đám đông sự sôi động, trong khi lịch sử dân tộc vẫn “đủng đỉnh” đi vào các bài học qua các trang sách khô khan. Mọi người hay phàn nàn rằng giới trẻ Việt Nam hiểu rõ lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn lịch sử nước nhà, đơn giản bởi họ đã quảng bá thành công lịch sử nước họ qua các bộ phim được đầu tư cả về nội dung và diễn xuất. Trong khi ở Việt Nam, hàng ngày những bộ phim chạy theo thị trường hay những trò chơi vô bổ, những chương trình hài vô nghĩa vẫn chiếm đa phần thời lượng phát sóng trên truyền hình.

Tôi nghĩ, để tuổi trẻ chúng tôi không thờ ơ với lịch sử và các giá trị truyền thống của dân tộc, trước hết đừng làm chúng tôi ngại học môn Sử, hãy thu hút chúng tôi bằng những bài học về lịch sử phù hợp xu hướng thời đại.

HẢI THU (ghi)

Tin cùng chuyên mục