Đề nghị phân tích 50 vụ cháy nghiêm trọng nhất trong thời gian qua

Lực lượng PCCC nhìn chung đã duy trì tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu, với số vụ cháy được dập tắt kịp thời (99% không để xảy ra cháy lớn). Đi đôi với công tác chữa cháy, lực lượng cảnh sát PCCC đã trực tiếp thực hiện 8.300 vụ cứu nạn, cứu hộ, trực tiếp cứu được trên 4.600 người.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và có giải pháp hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và có giải pháp hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng

Ngày 8-7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018 đã làm việc với Chính phủ.

Tham dự cuộc làm việc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Võ Trọng Việt; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Nga…

Theo Báo cáo của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày, từ tháng 7-2014 đến năm 2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 6.500 tỷ đồng và 6.400 ha rừng.

Đặc biệt, những ngày qua đã xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng trên diện rộng, gây đe dọa an toàn khu dân cư, công trình công cộng và đường dây truyền tải điện quốc gia.

Lực lượng PCCC nhìn chung đã duy trì tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu, với số vụ cháy được dập tắt kịp thời (99% không để xảy ra cháy lớn); tổ chức hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng ngàn người trong đám cháy.

Các vụ cháy lớn đều có sự tham gia, chỉ huy của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Đi đôi với công tác chữa cháy, lực lượng cảnh sát PCCC đã trực tiếp thực hiện 8.300 vụ cứu nạn, cứu hộ, trực tiếp cứu được trên 4.600 người.

Mặc dù vậy, theo Bộ Công an, tình trạng vi phạm quy định về điều kiện an toàn PCCC còn diễn ra khá phổ biến, nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc bảo đảm điều kiện an toàn PCCC chưa cao.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về nguyên nhân, nguồn gốc dẫn đến cháy nổ, để có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, ông đề nghị Chính phủ cần lựa chọn 50 vụ cháy nghiêm trọng nhất trong thời gian qua để phân tích, đánh giá; chỉ rõ giải pháp khắc phục và địa chỉ trách nhiệm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là mùa hè sẽ nóng và khô hơn, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác PCCC.

Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý đến công tác phòng chống cháy rừng và đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và có giải pháp hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tin cùng chuyên mục