Đề nghị Chính phủ sớm hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ngày 27-4, Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ 4 đã diễn ra tại Lạng Sơn nhằm trao đổi kinh nghiệm hoạt động của 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu nêu lên thực trạng tiếp xúc cử tri tại địa phương và những giải pháp tiếp xúc cử tri hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền những chủ trương, nhiệm vụ đến cử tri một cách kịp thời, đầy đủ và nhanh chóng…

Các đại biểu cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp HĐND để HĐND các cấp thống nhất thực hiện; xem xét sửa đổi, bổ sung quy định chế độ chính sách cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; có quy định rõ ràng cụ thể về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND và chỉ đạo Chính phủ sớm có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá hoạt động của HĐND thời gian qua đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt, đi đến cùng sự việc trong công tác giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần cùng chính quyền thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, qua theo dõi, hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể khẳng định rằng, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đặc biệt là các vị đại biểu Hội đồng nhân dân đã thực hiện theo đúng các quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tiếp công dân và các văn bản pháp luật có liên quan trong tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được thì hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn có những hạn chế như: 

- Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh chủ yếu tập trung vào trước và sau các kỳ họp, các cuộc tiếp xúc cử tri chủ yếu theo hình thức Hội nghị; 

- Công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri ở các Tổ đại biểu có lúc, có nơi còn chậm, chưa đầy đủ; 

- Việc giải quyết một số kiến nghị cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND các cấp thuộc trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền chưa được giải quyết dứt điểm, thấu đáo; 

- Việc tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về giải quyết kiến nghị của cử tri chưa được Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức thực hiện thường xuyên…

“Những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp mà các đồng chí đã trình bày, thảo luận tại Hội nghị ngày hôm nay là kinh nghiệm quý để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi xin được tiếp thu và giao Ban Công tác đại biểu tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng giải quyết”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tin cùng chuyên mục