Để giảm rủi ro từ các hợp đồng thương mại quốc tế

Cách nay vài tuần, Công an TPHCM đã tạm giữ đối tượng Obiora Waltter (quốc tịch Nigeria) sử dụng internet để lừa đảo với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng tại Việt Nam. 
Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận đã chiếm quyền kiểm soát, thay đổi địa chỉ email, số tài khoản… của doanh nghiệp bị hại, sau đó nhận tiền bất chính. Trước đó, thương vụ Việt Nam tại một số nước cũng đã phát đi cảnh báo, xử lý các trường hợp liên quan đến việc DN nước ta bị đối tác nước ngoài lừa đảo. 
Mất tiền do chủ quan
Gần đây, có doanh nghiệp chuyên về nông sản tại một tỉnh ở miền Tây Nam bộ đã phải thông qua Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) để khởi kiện một doanh nghiệp nhập khẩu của châu Âu liên quan tới việc nhận hàng nhưng không chuyển tiền. Qua so sánh, đối chiếu thông tin thì bên nước ngoài cho biết đã chuyển tiền đầy đủ làm 4 đợt, với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng cho nguyên đơn. Bên bị đơn cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có đưa ra một email tên miền “Yahoo” chỉ định tài khoản thụ hưởng là người Trung Quốc (thực chất là hacker - dùng email mạo danh, đổi thông tin tài khoản doanh nghiệp Việt Nam, đề nghị bên nước ngoài chuyển tiền - PV).
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, phía Việt Nam đưa ra hợp đồng có thông tin người thụ hưởng là công ty của họ tại Việt Nam. Vì đây là căn cứ để đối tác nước ngoài chuyển đúng thông tin, không cần phải chuyển vào tài khoản người thứ 3. Nhưng phía bên nước ngoài đưa ra bằng chứng hợp đồng phía Việt Nam không có thông tin người thụ hưởng, nên họ căn cứ vào thông tin trên email chuyển khoản sang người thụ hưởng là bên thứ 3 ở Trung Quốc. 
Để giảm rủi ro từ các hợp đồng thương mại quốc tế ảnh 1 Doanh nghiệp chuyên doanh đa ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, mây tre đan… cần thận trọng khi giao dịch với đối tác ở nước ngoài. Trong ảnh: Khách chọn mua túi xách làm từ lục bình
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, nhìn nhận, đối với vụ việc trên, theo thủ tục tố tụng trọng tài hoặc tố tụng dân sự tại tòa án thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên tham gia vụ kiện. Cụ thể, các bên chứng minh bằng phương thức như truy xuất thông tin bản gốc hợp đồng để cho thấy rằng tài liệu do bên mình cung cấp chính là tài liệu các bên đã ký giao kết. Việc chứng minh này hơi khó, vì liên quan đến phương thức giao dịch. Mà cụ thể trong trường hợp này là giao dịch bằng fax. Nguyên đơn (Công ty Việt Nam) thảo hợp đồng, sau đó chuyển bằng email sang nước ngoài để bị đơn ký tên, đóng dấu rồi fax lại cho nguyên đơn làm thủ tục tương tự (ký tên, đóng dấu, fax trở lại cho bị đơn). Như vậy, chỉ riêng từng bên (nguyên đơn và bị đơn) đang nắm giữ bản lưu hợp đồng chỉ có con dấu có chữ ký… màu đen (thông qua fax) của bên đối tác. Muốn chứng minh hợp đồng là bản chính các bên đã giao dịch thì phải lưu trữ tất cả các file liên quan đến họ đã chuyển bản gốc này cho bên còn lại. Có thể doanh nghiệp chứng minh được rằng, tại thời điểm đó có fax một thông điệp dữ liệu, nhưng không chứng minh được trong nội dung đã fax liệu có tồn tại hay không tồn tại tài khoản người thụ hưởng. Do vậy, với phương thức giao dịch điện tử bằng fax có rủi ro. 
Luật sư Châu Việt Bắc dẫn chứng, có thể chứng minh rằng tài khoản của “anh A” vừa nhận một cuộc điện thoại vào ngày giờ cụ thể, nhưng đâu thể chứng minh nội dung cuộc điện thoại đó là gì. Chính vì vậy, hai bên không chứng minh được thông qua fax, mà phải quay sang chứng minh bằng hình thức khác, đó là căn cứ xem xét email giao dịch chỉ định chuyển tiền cho người thứ ba có phải là của nguyên đơn hay không. Bên nguyên đơn cho rằng, email có tên miền “vnn.vn” là email hợp lệ. Điều đó có nghĩa email chuyển tiền có tên miền “@yahoo.com.vn” không hợp lệ. Trong vụ này, nếu chỉ dừng lại ở việc hai bên giao dịch với nhau qua emai có tên miền “vnn.vn” thì phía Việt Nam sẽ thắng kiện. Thế nhưng, phía bị đơn lại chứng minh được rằng, trong quá trình giao dịch giữa hai bên, phía Việt Nam đã từng sử dụng 2 địa chỉ email có tên miền “vnn.vn” và “@yahoo.com.vn”, mặc dù phía Việt Nam thoái thác từng sử dụng tên miền “@yahoo.com.vn” để chỉ thị chuyển tiền. Kết cục, phía công ty Việt Nam thua kiện. 
Cẩn trọng
Không chỉ bị lừa chuyển tiền như thương vụ trên, còn nhiều vụ lừa đảo trong kinh doanh có yếu tố nước ngoài giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác cũng liên tiếp được Bộ Công thương nước ta phát đi cảnh báo, chẳng hạn như vụ doanh nghiệp ký kết các hợp đồng bán hàng nông sản cho đối tác UAE.
Theo phân tích của lãnh đạo Tham tán Thương mại Việt Nam tại UAE, thị trường nước này khá dễ chịu nên nhiều doanh nghiệp Việt muốn hợp tác. Quốc gia này hiện trung chuyển khoảng 40% hàng hóa nhập khẩu, do vậy mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề cực kỳ khốc liệt.
Thêm nữa, phương thức thanh toán tại nước này đối với nhóm hàng nông sản thường là đặt cọc, sau đó trả chậm chứ hiếm khi chịu mở L/C (tín dụng thư do ngân hàng lập). Do vậy doanh nghiệp Việt nên cẩn trọng, tránh để bị trả chậm sẽ dẫn đến tình trạng đọng vốn hoặc cạnh tranh kiểu hạ giá bán làm mất uy tín thương hiệu nông sản trong nước. 
Trước đây, chắc hẳn mọi người còn nhớ vụ một tòa án tại Thái Lan đã công nhận phán quyết trọng tài của VIAC xử vụ kiện giữa một công ty tại Việt Nam bán cho một công ty bên Thái Lan 1.000 tấn gạo, nhưng sau đó bị bên Thái “xù” nợ. Cụ thể, hợp đồng bán gạo được chia thành 2 đợt giao hàng, kèm các tiêu chuẩn cụ thể. Bên mua (công ty tại Thái Lan) chấp nhận mẫu hàng do bên bán gửi đến. Thế nhưng, thời điểm bên bán tiến hành giao gạo thì bên mua thông báo từ chối nhận hàng vì chất lượng không phù hợp theo hợp đồng. Vì trong hợp đồng mua bán có thỏa thuận điều khoản hàm lượng hạt tấm không vượt quá 6%, nhưng gạo được giao cho công ty ở Thái Lan lại có hàm lượng hạt tấm vượt quá 7%. Vậy điều này có vi phạm thỏa thuận hợp đồng? Truy ngược lại vụ việc, Hội đồng VIAC phát hiện, trong quá trình lấy mẫu gạo để đi đến ký kết hợp đồng, kết quả tại thời điểm phân tích cho thấy hàm lượng hạt tấm hơn 7% nhưng vẫn được các bên đồng thuận. Theo đó, phía công ty Việt Nam thắng cuộc. 
Luật sư Châu Việt Bắc khuyến cáo, doanh nghiệp hãy cẩn trọng với các giao dịch cùng đối tác. Có những chi tiết nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng đã “làm nên lịch sử” như vụ thắng kiện của công ty xuất khẩu gạo; nhưng cũng có sơ suất để hacker nhòm ngó, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng như công ty nông sản làm ăn với đối tác châu Âu. Theo Luật sư Châu Việt Bắc, giao dịch bằng fax luôn có những rủi ro tiềm ẩn. Với trường hợp sử dụng email, doanh nghiệp hãy dùng tên miền riêng của công ty tại Việt Nam, không dùng các địa chỉ email có tên miền khác như gmail, yahoo… Tiếp nữa, khi thanh toán tiền các đơn hàng, doanh nghiệp nên thông qua nhiều phương thức giao dịch khác để xác nhận lại cho chắc chắn, ví dụ điện thoại, viber, wechat chẳng hạn.

Tin cùng chuyên mục