Đề án 10.000 của blouse trắng

TPHCM có chất lượng sống tốt thì sức khỏe của người dân phải được chăm sóc tốt. Với mục đích đó, các bác sĩ trẻ của Trường Đại học (ĐH) Y Dược TPHCM đã nỗ lực thực hiện đề án chăm sóc bệnh cho 10.000 người dân trên địa bàn thành phố, nhằm hình thành thói quen tự chăm sóc sức khỏe, thăm khám bệnh định kỳ… trong nhân dân.
Thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt tư vấn sức khỏe cho người dân
Thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt tư vấn sức khỏe cho người dân

Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt

Bà Nguyễn Thị Cần (ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Củ Chi) kể, mấy năm nay, bà được đội ngũ bác sĩ trẻ khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe rất nhiệt tình, nhờ vậy mà bệnh tiểu đường của bà thuyên giảm nhiều. Theo bà Cần, không chỉ bà mà ở địa phương nơi bà sinh sống, hàng trăm người dân được chăm sóc như vậy, có cả trẻ em và người lớn. “Các bác sĩ nhiệt tình lắm, vài tháng trở lại thăm bệnh cho chúng tôi một lần. Ngoài tư vấn, các bác sĩ còn phát thuốc miễn phí để chúng tôi điều trị bệnh”, bà Cần cho biết.

Chương trình chăm sóc sức khỏe mà bà Cần và hàng trăm người dân xã Xuân Thới Thượng được thụ hưởng là từ Đề án 10.000 (thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 10.000 người dân giai đoạn 2017-2018) của Trường ĐH Y Dược TPHCM. Thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt, giảng viên Khoa Dược, “cha đẻ” của Đề án 10.000 cho biết: “Với mục đích cùng chung tay xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, Trường ĐH Y Dược TPHCM đặt ra nhiệm vụ làm sao để người dân thành phố phải có sức khỏe tốt. Từ mục đích đó, chúng tôi thường xuyên mang chuyên môn và sức trẻ thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân các địa phương, thông qua những chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc tình nguyện”.

Rút kinh nghiệm từ các chương trình thăm, khám trước đây và tìm hiểu thực tế hiện nay, với vai trò là thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Trường ĐH Y Dược TPHCM, Thạc sĩ Trương Văn Đạt nhận thấy cần tận dụng sức trẻ của các sinh viên, bác sĩ trẻ để cải tiến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, đẩy mạnh các chương trình giúp người dân tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân; tầm soát đại trà những bệnh thường gặp để sớm phát hiện bệnh, đặc biệt giúp người dân biết cách phòng, tránh bệnh. Sau nhiều mô hình mà giảng viên Trương Văn Đạt cùng sinh viên trong trường xây dựng, cuối cùng Đề án 10.000 được chọn để đưa vào thực tiễn. Đề án thực hiện trong thời gian 2 năm, bắt đầu từ chương trình Xuân tình nguyện và Mùa hè xanh 2017, với 10 nội dung trọng tâm: tầm soát huyết áp, đường huyết, loãng xương, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, chăm sóc sức khỏe răng miệng, vật lý trị liệu, tư vấn bệnh thường gặp, sử dụng thuốc, tặng vườn cây thuốc - tủ thuốc.

“Trước đây, chương trình khám bệnh, phát thuốc chỉ thực hiện theo kiểu bác sĩ tới địa phương đó khám bệnh, phát thuốc là xong. Nhưng với Đề án 10.000, sau khám đại trà đợt đầu, cứ sau 2 - 3 tháng chúng tôi sẽ trở lại để khám chuyên sâu, tư vấn và trang bị kiến thức để người bệnh và người thân tự chăm sóc sức khỏe, chúng tôi cũng theo dõi tiến triển bệnh trong suốt 2 năm. Trong thời gian được chăm sóc bệnh liên tục, người dân sẽ hình thành thói quen thăm khám bệnh định kỳ, như vậy thì mới giải quyết được bài toán phòng bệnh hoặc phát hiện bệnh kịp thời để quá trình điều trị giản đơn hơn”, Thạc sĩ Trương Văn Đạt cho biết.

Hoạt động tình nguyện nhân văn

Để đề án thực hiện có hiệu quả và lâu dài, Trường ĐH Y Dược TPHCM thành lập Câu lạc bộ Sức khỏe vàng, quy tụ các bạn sinh viên năm 4, 5, 6, cùng nghiên cứu, học tập, xây dựng chương trình tập huấn, tìm kiếm nguồn lực, thiết kế sản phẩm tuyên truyền về sức khỏe. Sau 2 năm thực hiện, Đề án 10.000 đã chăm sóc sức khỏe liên tục cho 12.534 người dân từ 20 quận huyện, công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, học sinh, sinh viên trên địa bàn TPHCM.

Theo giảng viên Trương Văn Đạt, với mỗi đối tượng, đề án sẽ phân ra các nội dung tầm soát đại trà và khám chuyên sâu khác nhau. Đơn cử như với người dân, chủ yếu khám chữa răng, tầm soát huyết áp, đường huyết, loãng xương, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tuyên truyền giáo dục sức khỏe. Với học sinh, sinh viên, đề án tổ chức tập huấn sơ cấp cứu, tuyên truyền sức khỏe sinh sản, chống xâm hại tình dục, hướng dẫn chăm sóc vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng. Lứa tuổi thiếu nhi thì tập trung hướng dẫn vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe răng miệng. Riêng công nhân, các bác sĩ sẽ đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đánh giá về Đề án 10.000, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng đây là đề án với những nội dung thiết thực, đi vào cuộc sống của người dân và có ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, giúp người dân hình thành ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe nhằm phòng, chống bệnh tật. Đây còn là hoạt động tình nguyện giúp các giảng viên trẻ và sinh viên có cơ hội rèn luyện, học tập, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, góp phần nâng cao kiến thức và tay nghề.

Cũng theo PGS-TS Trần Diệp Tuấn, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường giảng viên trẻ, sinh viên tham gia học tập thực tế tại tuyến y tế cơ sở, từ đó thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân, hỗ trợ đào tạo liên tục cho nhân viên y tế cơ sở, thực hiện các đề tài nghiên cứu, phối hợp với các trường y dược trong cả nước để lan tỏa các mô hình hay. Từ hiệu quả của Đề án 10.000, Trường ĐH Y Dược TPHCM sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm và triển khai chuyên sâu hơn để phục vụ người dân thành phố.

Ngoài thăm khám và tư vấn theo phương pháp truyền thống, Đề án 10.000 còn xây dựng các nội dung tư vấn sức khỏe in trên lịch treo tường với chủ đề “Vui, khỏe cả năm”. Mỗi tháng sẽ có một nội dung hướng dẫn các thành viên trong gia đình tự chăm sóc sức khỏe, tự xử lý các tai nạn nhỏ như: Làm gì khi bị bỏng; 6 sự thật về bệnh cúm; Sốt xuất huyết và những điều chưa biết; Cùng sống khỏe với bệnh tăng huyết áp…

Năm 2018, đề án cũng cho ra mắt bộ tập “Học hay, sống khỏe” dành cho học sinh tiểu học. Ngoài các trang giấy trắng để viết, các em có thể tìm hiểu các nội dung bổ ích trong 7 trang lụa in màu. Nội dung xoay quanh các câu chuyện làm gì để tránh cận thị, tránh béo phì, hướng dẫn rửa tay để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ răng miệng; cách sơ cứu khi bị điện giật; sơ cứu khi bị đuối nước… Hình thức trang trí bắt mắt, kiến thức được truyền tải qua các câu chuyện dí dỏm và minh họa bằng các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh nhằm thu hút trẻ nhỏ tìm hiểu.

Tin cùng chuyên mục