ĐBSCL tập trung ứng phó với mưa lũ

Cùng với phòng chống lũ, thì Đồng Tháp cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất gắn với mùa lũ như: mô hình trồng sen - nuôi cá - du lịch; nuôi cá - trồng sen - trồng điên điển; lúa - nuôi vịt - nuôi cá đồng; mô hình lúa – tôm... nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Nông dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) thu hoạch lúa chạy lũ sớm
Nông dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) thu hoạch lúa chạy lũ sớm

Liên tục những ngày qua ở các tỉnh ĐBSCL có mưa, cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên sông Tiền và sông Hậu lên nhanh.

Theo đó, mực nước cao nhất ngày 6-8, trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,25m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,60m. Dự báo đến ngày 10-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,6m (trên báo động 1 là 0,1m); tại Châu Đốc lên mức 3,0m (đạt mức báo động 1).

Trước tình hình mưa lũ diễn biến khá phức tạp, ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL đang dồn sức ứng phó.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN-PTNT huyện An Phú (An Giang) cho biết, do đặc thù An Phú là huyện nằm tiếp giáp biên giới Campuchia và năm nay lũ về sớm hơn khoảng 15-20 ngày gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Toàn huyện có khoảng 13.000 ha lúa hè thu và khi nước lũ về thì nông dân tập trung thu hoạch; đến nay cơ bản đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, do lũ về sớm, cộng triều cường và mưa nhiều đã làm mất trắng khoảng 47 ha lúa và hoa màu nằm ngoài đê bao.

Những ngày qua, ngành nông nghiệp phối hợp cùng chính quyền các xã và người dân… khẩn trường gia cố đê bao bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, triển khai xuống giống khoảng 7.500ha lúa thu đông ở những khu vực có đê bao đảm bảo.

ĐBSCL tập trung ứng phó với mưa lũ ảnh 1 Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang kiểm tra phòng chống lũ ở vùng biên giới Tri Tôn và Tịnh Biên

Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, do mưa bão và lũ về sớm làm ảnh hưởng hơn 7.500 ha lúa đang trong giai đoạn gần thu hoạch và hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong số này có hơn 2.100 ha lúa hè thu bị thiệt hại từ 30-70%; 320 ha bị thiệt hại trên 70%; hơn 5.000 ha lúa hè thu bị đổ ngã phải bơm rút nước để cứu lúa...

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có khoảng 14.000 ha lúa và hoa màu nằm ngoài đê bao, chưa đảm bảo nhưng một số hộ dân vẫn sản xuất vụ này, bất chấp sự khuyến cáo của ngành chức năng.

Hiện tại, ngành nông nghiệp và chính quyền đang triển khai các biện pháp bảo vệ, tuyên truyền cho bà con tranh thủ thu hoạch đối với những diện tích lúa đã chín, để giảm thiệt hại. Về lâu về dài sẽ cơ cấu lại mùa vụ, không sản xuất lúa ở những khu vực thiếu an toàn…

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, mới đây Bí thư Tỉnh ủy An Giang - Võ Thị Ánh Xuân, cùng với UBND tỉnh đã đi khảo sát nắm tình hình phòng chống lũ ở các huyện vùng biên giới.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền để người dân biết và chủ động ứng phó với mưa lũ bất thường, tập trung bảo vệ sản xuất trong và ngoài đê bao.

Bí thư Võ Thị Ánh Xuân cũng chỉ đạo, tới đây, cần cương quyết không để người dân xuống giống ở những vùng không an toàn. Đối với ngành nông nghiệp cần đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn thiện để phục vụ sản xuất lâu dài...

Tại Kiên Giang, ngành chức năng và người dân cũng tất bật ứng phó với mưa lũ. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này thì kế hoạch sản lúa hè thu năm 2018 là 280.000 ha, nhưng do lúa được giá nên nông dân xuống giống tới 303.000 ha. Những ngày qua đã thu hoạch được khoảng 100.000 ha, năng suất khoảng 5,3 tấn/ha. Đối với lúa thu đông kế hoạch xuống giống 74.000 ha, nhưng mưa liên tục và lũ về sớm khiến nhiều hộ lo lắng. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo chỉ sản xuất lúa thu đông ở những vùng lũ về muộn, vùng có đê bao an toàn… để không bị lũ uy hiếp.
ĐBSCL tập trung ứng phó với mưa lũ ảnh 2 Các tỉnh khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống lúa thu đông ở nơi có đê bao đảm bảo
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiệm vụ phòng chống lũ đang được tập trung quyết liệt. Khoảng 130.000 ha lúa thu đông của tỉnh chỉ được sản xuất ở những vùng có đê bao "ăn chắc", đảm bảo công trình chống lũ xấp xỉ năm 2011.
Đối với những nơi không sản xuất lúa thu đông thì ngành nông nghiệp chủ trương xả lũ để bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, tháo chua xả phèn, diệt mầm bệnh....
Dự kiến, tổng diện tích xả lũ khoảng 82.000 ha, thời gian xả lũ từ tháng 8 đến tháng 10-2018; sau đó bơm, rút nước để xuống giống lúa đông xuân. Cùng với phòng chống lũ, thì Đồng Tháp cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất gắn với mùa lũ như: mô hình trồng sen - nuôi cá - du lịch; nuôi cá - trồng sen - trồng điên điển; lúa - nuôi vịt - nuôi cá đồng; mô hình lúa – tôm... nhằm tăng thu nhập cho nông dân.

Các nhà chuyên môn lưu ý, dự báo lũ ở ĐBSCL năm nay từ bằng đến cao hơn mức báo động cấp 2 là không lớn; tuy nhiên cần chủ động phòng tránh và cảnh giác với mưa bão, thời tiết bất thường, nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Song hành cùng phòng chống lũ thì các địa phương và người dân nên tận dụng lợi thế của mùa lũ để triển khai các mô hình sản xuất phù hợp, giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế…

Tin cùng chuyên mục