ĐBSCL nỗ lực “tự cứu mình trước khi trời cứu”

“Tự cứu mình trước khi trời cứu”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã nói một cách hình tượng như thế tại hội thảo "Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu", được tổ chức sáng nay 14-12, tại Trường ĐH Cần Thơ. 

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và nhiều chuyên gia đã đánh giá, phân tích những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP.

Cần giải pháp cấp bách

 “ĐBSCL là vùng có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL”, GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nhận định.

ĐBSCL nỗ lực “tự cứu mình trước khi trời cứu” ảnh 1 Sạt lở đang gây thiệt hại nghiêm trọng ở ĐBSCL

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính.

Nghị quyết 120 nhấn mạnh: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước, Tiểu vùng sông Mê Công và quốc tế…

Thực tế 1 năm qua, một số tỉnh, thành ĐBSCL đã ra nghị quyết chuyên đề và một số bộ, ngành đã xúc tiến một số chương trình nhằm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực hiện mà Nghị quyết đã đề ra; trong đó có vấn đề thiếu liên kết và kinh phí.

Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá mang lại sinh kế bền vững cho nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu  Giang. Ảnh: CAO PHONG

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ), nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nông dân các nơi triển khai. Đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Có thể kể ra các mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa – cá, lúa – tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa – cây ăn trái,… đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch. 

Đây là các mô hình chuyển đổi canh tác rất thuận thiên, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả với các biến động khí hậu, rất  hợp lý với tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Thực tế, người nông dân ở ĐBSCL đã tự tìm những giải pháp thích ứng khá phù hợp với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120/NQ-CP.

Lúc đầu chỉ là những phát kiến đơn lẻ của một số nông dân tiên tiến, sau được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các tổ chức, các mô hình này dần được hoàn thiện và mở rộng khá ổn định.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng hệ thống đê biển Tây

Cần tư duy kinh tế nông nghiệp!

Cũng theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chiến lược phát triển bền vững này trong bối cảnh biến đổi khí hậu hoàn toàn phù hợp với các tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới hiện nay là “thích nghi và chuyển đổi dần theo thời gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”, đặc biệt là thích ứng dựa vào hệ sinh thái và thích ứng dựa vào các giá trị, cơ chế và kiến thức của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định.

Việc tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái giúp cộng đồng dân cư chọn lựa các giải pháp thích ứng phù hợp một cách mềm dẻo ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước thiên tai và bất thường thời tiết, giải pháp này chú trọng bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái, quản lý bền vững, tạo lợi ích cho xã hội và môi trường đồng thời cung cấp các dịch vụ sinh thái bền vững.

ĐBSCL nỗ lực “tự cứu mình trước khi trời cứu” ảnh 4 Nông dân Hậu Giang trồng mãng cầu xiêm đang có thu nhập cao. Ảnh: CAO PHONG

“Trong những lần chia sẻ tại các diễn đàn và trên phương tiện truyền thông, tôi ít đề cập cũng như "than thở" về "vùng trũng hệ thống hạ tầng" của vùng ĐBSCL chúng ta. Tôi luôn có suy nghĩ rằng, thay vì mất quá nhiều công sức để đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt đó, thì chúng ta có thể cùng nhau "tự cứu mình trước khi trời cứu", ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết.

Theo ông Lê Minh Hoan, trong 1 năm qua, Đồng Tháp đã chủ động thực hiện đa dạng hóa cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa cây trồng đã giảm thiểu được rủi ro thị trường, đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp.

“Chúng ta cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra vào tháng 9-2017 thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với đặc trưng và điều kiện của vùng. Đó là, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hoá quan điểm đó chính là đội ngũ các chuyên gia và các nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục