ĐBSCL nỗ lực phòng chống cháy rừng

Mặc dù ĐBSCL vừa mới có cơn mưa trên diện rộng chiều tối 27-4, nhưng tình trạng nắng nóng kéo dài và nhiệt độ trong ngày lên tới 37°C đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng tràm rất cao, nhất là khu vực rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng. Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau và Kiên Giang, nhiều diện tích rừng tràm trên địa bàn hiện đang dự báo có thể cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, xảy ra bất cứ lúc nào.
ĐBSCL nỗ lực phòng chống cháy rừng

Mặc dù ĐBSCL vừa mới có cơn mưa trên diện rộng chiều tối 27-4, nhưng tình trạng nắng nóng kéo dài và nhiệt độ trong ngày lên tới 37°C đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng tràm rất cao, nhất là khu vực rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng. Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau và Kiên Giang, nhiều diện tích rừng tràm trên địa bàn hiện đang dự báo có thể cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhân viên bảo vệ rừng U Minh Hạ kiểm tra phương tiện sẵn sàng chữa cháy rừng. Ảnh: NGỌC CHÁNH

Kênh rạch khô cạn, ao hồ trơ đáy

Từ đầu năm đến nay, hàng trăm hécta rừng trong cả nước đã bị cháy rụi do hạn hán kéo dài. Tại Cà Mau nhiều kênh rạch khô cạn, ao hồ trơ đáy khiến chính quyền và người dân không khỏi lo lắng về viễn cảnh cháy rừng trên diện rộng.

Theo ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, từ đầu tháng 3-2016 đến nay, mực nước tại các lâm phần trong rừng bốc hơi rất nhanh, bình quân từ 3 - 4 cm/ngày. Nước trên các dòng kênh chỉ còn khoảng 1,5 - 1,7m. Trên toàn bộ lâm phần rừng tràm U Minh Hạ (tổng diện tích 45.000 ha), chân rừng không còn nước. Trong đó có 35.000 ha đang ở mức báo động cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, còn lại đều trong tình trạng báo động cấp IV, cấp nguy hiểm. Đặc biệt, Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ với diện tích 8.500 ha đang ở mức báo động cấp V.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc VQG U Minh Hạ cho biết: “Để đảm bảo phòng chống cháy rừng, VQG đã có phương án huy động lực lượng trên 1.100 người tham gia ứng phó. Quan trọng là mình phát hiện sớm, xử lý kịp thời, cho nên VQG chỉ đạo tăng cường tuần tra luồn rừng và trực sẵn sàng 24/24 giờ để phát hiện kịp thời và dập tắt ngay khi có lửa xảy ra”. Việc triển khai công tác phòng chống cháy rừng không thể không có sự tham gia phối hợp của người dân trên địa bàn. Theo đó, tỉnh đã tiến hành ký văn bản cam kết đảm bảo an toàn về phòng chống cháy rừng đối với hơn 5.000 hộ dân ven rừng. Hiện nay chính quyền địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy rừng.

Đến thời điểm này, các phương án phòng chống cháy rừng đã và đang được triển khai tới các lâm phần và chính quyền, nhân dân các xã, huyện có người dân sinh sống trong rừng. Hiện nay, tỉnh đã huy động hàng trăm người trực suốt ngày đêm tại 127 chòi canh lửa; bố trí 100 xuồng máy để vận chuyển lực lượng chữa cháy. Đặc biệt, 80 máy bơm công suất lớn cùng trên 60.000m ống dẫn nước chữa cháy được trang bị tại các điểm trong các lâm phần rừng.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo các chủ rừng cần tiếp tục duy trì và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong  phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra công tác quản lý hành chính trên địa bàn rừng tràm, nhất là những đối tượng thường hay vào rừng, nghiêm cấm người dân không có trách nhiệm vào rừng trong thời điểm này; lực lượng hỗ trợ phải trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có cháy xảy ra; về lâu dài cần nạo vét lại một số trục kinh để trữ nước phục vụ cho PCCCR; tăng cường thời lượng tuyên truyền về PCCCR.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng

Chiều 28-4, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cho biết đã khống chế hoàn toàn đám cháy ở diện tích gần 14ha rừng thuộc khi phục hồi sinh thái VQG U Minh Hạ. Ông Hải cũng cho biết rừng chủ yếu là cây sậy, cây tạp, thưa và nhỏ tuổi. “Dù đám cháy đã được khống chế nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng luôn túc trực cho đến khi dập ngúm hoàn toàn” - ông Hải nói.

Trước đó, chiều 27-4, sau các tiếng nổ do sét đánh thì các chốt trực báo về có khói ở khu vực rừng phục hồi sinh thái. Lập tức các lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng và 80 bộ đội đang huấn luyện tại đây được điều động đến đám cháy dập lửa. Do gió lớn bỗng dưng xuất hiện nên công tác chữa cháy gặp khó khăn, ngọn lửa lan nhanh. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm, phòng cháy chữa cháy rừng phải cắt đường băng, khống chế đám cháy.

Bơm nước vào U Minh Thượng

Nhằm kiềm chế, giảm thiểu các vụ cháy rừng có thể xảy ra, tỉnh Kiên Giang đã tập trung hướng dẫn khoảng 2.250 hộ gia đình nhận khoán rừng, sinh sống ven rừng ký cam kết thực hiện các quy định về PCCCR; tăng cường thông tin cảnh báo đến người dân và chủ rừng.

Ông Trương Thanh Hào, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của mùa khô, Chi cục phân công cán bộ chuyên môn cập nhật thông tin, theo dõi dự báo cấp độ, điểm cháy rừng thông báo nhanh cho địa phương có rừng và chủ rừng gắn với thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống cháy trên các lâm phần. Tổ chức trực chiến 24/24 giờ để nắm bắt diễn biến tình hình PCCCR, chủ động hỗ trợ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy cho các địa phương và chủ rừng”.

Cùng với đó, tỉnh triển khai đồng bộ các phương án, biện pháp PCCCR. Cụ thể, xây dựng 272 tổ, đội phòng chống cháy rừng cơ sở với khoảng 2.950 thành viên tham gia, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi tình huống xấu xảy ra; bơm hàng triệu mét khối nước vào VQG U Minh Thượng và lâm phần các huyện An Minh, Giang Thành, Hòn Đất giữ độ ẩm, giảm nguy cơ cháy; phát dọn thực vật thủy sinh các tuyến kênh trong rừng; tuần tra, kiểm soát, đắp đập giữ nước và xây dựng nhiều tháp canh lửa trên lâm phần vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Giang Thành. Đối với rừng trên đảo Phú Quốc, cày ủi hơn 120km đường băng cản lửa ở VQG Phú Quốc và nạo vét 82 giếng trữ nước phục vụ công tác chữa cháy. Ngoài ra, các chủ rừng phối hợp lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an xây dựng 72 điểm, chốt, trạm trên các cánh rừng có hàng trăm người trực tại vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao với đầy đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo cho công tác chữa cháy kịp thời, hiệu quả.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: Từ nay đến cuối mùa khô, tỉnh tập trung quyết liệt cho công tác PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra, kịp thời phát hiện, dập tắt nhanh các đám cháy. Các địa phương và chủ rừng không được chủ quan, lơ là trong công tác PCCCR, nhất là không để bị động, bất ngờ trước diễn biến phức tạp của thời tiết khô hạn và rừng trên các lâm phần!

ĐẤT MŨI - VĨNH THUẬN

Tin cùng chuyên mục