ĐBQH: Vấn đề "cốt tử" của ngành giáo dục là bệnh thành tích

"Căn bệnh thành tích là trầm kha và liên quan đến bệnh thành tích trong các lĩnh vực khác của xã hội chứ không chỉ của ngành giáo dục nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa nêu rõ. Theo Bộ trưởng, bệnh thành tích của ngành có trầm trọng hơn không?”, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu câu hỏi.
Quốc hội thảo luận ngày 31-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quốc hội thảo luận ngày 31-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Kết thúc 1,5 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 77 đại biểu đăng đàn, 9 ý kiến tranh luận; còn 16 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và 4 Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài chính, Giáo dục- Đào tạo, Kế hoạch- Đầu tư đã giải trình trước Quốc hội.

Phiên thảo luận sáng 31-5 tiếp tục diễn ra với tranh luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Dù chiều 30-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu giải trình với Quốc hội về vấn đề giá điện, nhưng trong buổi thảo luận sáng 31-5, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang tiếp tục có ý kiến về vấn đề này.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nhận xét công tác tham mưu chính sách ở một số bộ, ngành còn hạn chế, tham mưu chưa bám vào tình hình thực tiễn để xây dựng chính sách; thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền chậm, kéo dài... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử là việc tăng giá điện vừa qua.

Tuy đồng ý với giải trình của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước Quốc hội, nhưng ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân là tham mưu thời điểm tăng giá điện không phù hợp; ngoài ra người dân cho rằng phải xem lại cách tính giá điện bậc thang, biểu giá điện... 

Dẫn chứng cho việc tham mưu chưa sát, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé còn nhắc tới việc tham mưu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nước mắm làm dư luận xôn xao, báo chí tốn giấy mực phân tích, Chính phủ phải vào cuộc thì mới lắng xuống.

Rồi dự kiến xử phạt sinh viên nếu có 4 lần mua bán dâm. Hay như việc hành vi cưỡng hôn trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng khiến dư luận không hài lòng.

“Chính phủ và các Bộ, ngành cần rà soát, xem xét lại công tác tham mưu chính sách, hạn chế thấp nhất bức xúc dư luận”, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nói.

ĐBQH: Vấn đề "cốt tử" của ngành giáo dục là bệnh thành tích ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Kim Bé 

Ngày 31-5, phát biểu giải trình của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội cho rằng, kỳ thi  “2 chung” đã đạt được một số kết quả.

Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) – người có ý kiến phát biểu đáng chú ý vào ngày 30-5 khi nêu những bức xúc về lĩnh vực giáo dục - đã tranh luận cho rằng thực tế kỳ thi chưa thể hiện được hoàn toàn như nội dung phát ngôn của người đứng đầu Bộ GD-ĐT.

ĐB Thái Trường Giang đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xem xét, đánh giá lại việc thi 2 chung, nêu ý kiến cần giao quyền tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng để họ tự lựa chọn sinh viên phù hợp.

“Một vấn đề "cốt tử" của ngành giáo dục nhưng chưa được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập, đó là bệnh thành tích. Căn bệnh thành tích là trầm kha và liên quan đến bệnh thành tích trong các lĩnh vực khác của xã hội chứ không chỉ của ngành giáo dục nhưng Bộ trưởng chưa nêu rõ. Theo Bộ trưởng, bệnh thành tích của ngành có trầm trọng hơn không?”, ĐB Thái Trường Giang nêu câu hỏi.

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình tán thành với những phân tích của ĐB Thái Trường Giang.

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, thực tế từ khi tổ chức thi chung thì bất cập liên bộc lộ và ngày càng trầm trọng hơn, đến kỳ thi năm 2018 thì “bung bét” với sự cố gian lận điểm thi gây rúng động. Đó là do kỳ thi ghép 2 mục đích khác nhau (tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học) vào một nên bất ổn. Việc tổ chức thi chung 2 mục đích đi ngược với tinh thần tự chủ đại học đang được xây dựng, định hướng. 

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) thì đề cập tới các loại tội phạm bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em xu hướng gia tăng, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Theo ĐB Bạch Thị Hương Thủy, nạn nhân của loại tội phạm này thường không có khả năng tự bảo vệ, nhỏ tuổi (3-4 tuổi), có những vụ án sau khi thực hiện hành vi đồi bại, kẻ phạm tội còn đánh đập nạn nhân, giết người phi tang.

"Đây là vấn đề báo động về sự xuống cấp đạo đức, nhân cách trong xã hội hiện nay", ĐB Bạch Thị Hương Thủy nhận xét.

Hậu quả của loại tội phạm này hết sức nặng nề cho gia đình bị hại và nạn nhân. Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì 60% trẻ em sau các vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tổn thương ở các mức độ khác nhau, luôn mặc cảm, lo sợ và xa lánh mọi người. Vì vậy,  ĐB Bạch Thị Hương Thủy đề nghị Chính phủ cần tăng cường giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, kiên quyết với loại tội phạm nêu trên.

Tin cùng chuyên mục