Dạy trẻ tránh bị sàm sỡ

Tình trạng trẻ em bị tấn công tình dục luôn là một trong những đề tài nóng bỏng đối với nhiều ông bố, bà mẹ. Rất nhiều gia đình chẳng may rơi vào tình cảnh đó đã vô cùng bối rối giữa một bên là sự phản ứng mạnh mẽ, lại sợ con cái bị sốc và một bên là im lặng với nỗi lo ám ảnh tâm lý sẽ theo trẻ lâu dài.

Vẫn còn xem nhẹ 

Những vụ việc tấn công tình dục vừa qua một lần nữa thổi bùng lên nỗi lo của các bậc phụ huynh. Một số vội cho con đi học các lớp võ thuật ứng dụng với mong muốn con có thể tự vệ nhanh trước các hành vi xấu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản bác lại cho rằng, học võ chỉ chữa phần ngọn chứ không chữa gốc. Một đứa trẻ 6-7 tuổi sẽ chiến đấu thế nào với một người trưởng thành trong không gian hẹp, kín như thang máy. Chưa kể, điều đó dễ dẫn đến hậu quả tiêu cực khác khi kẻ xấu trong cơn điên cuồng có thể gây ra hành vi nghiêm trọng hơn. 

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc vội vã tìm cách ứng phó như trên phản ánh thực tế là nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự hiểu hết tầm quan trọng trong việc trang bị cho con cái những kỹ năng cần thiết để phòng tránh cũng như xử lý khi bị sàm sỡ. Trong khi đó, đối với hành vi quấy rối tình dục, biện pháp phòng luôn được coi trọng bởi để đến khi sự việc xảy ra, việc chữa dù có hiệu quả cách mấy cũng để lại những vết thẹo tinh thần không nhỏ.

Chị Quỳnh Trang, nhà tại Q3, TPHCM phản ánh trên diễn đàn bà mẹ và trẻ em rằng tại Nhà Văn hóa Phụ nữ, hầu như cách vài tháng là có chuyên đề trao đổi về phòng tránh quấy rối tình dục, cả ở người lớn và trẻ em. Trong đó, việc quấy rối tình dục trẻ em trong thang máy được nhắc đến rất nhiều bởi đây từng là tình trạng gây đau đầu ở nhiều quốc gia phát triển, từ Trung Quốc, Nhật Bản đến cả một số nước châu Âu, Mỹ… thậm chí đã có cả một phong trào kêu gọi phòng chống hiện tượng xấu này. Rất nhiều kinh nghiệm đã được rút ra, cảnh báo, đến mức mà ở nhiều chung cư tại Nhật đều có dán cảnh báo không để trẻ em đi một mình trong thang máy với người lạ và hướng dẫn các biện pháp để ngăn ngừa những hành vi không đứng đắn.

Trong khi đó, ở Việt Nam vấn đề này vẫn bị xem nhẹ. Không hiếm khi bắt gặp đứa trẻ đi một mình trong thang máy vì bố mẹ chủ quan nhờ con xuống tầng 1 mua đồ, bảo con lên nhà trước để bố mẹ còn cất xe…

Anh Huỳnh Công Dũng, cư dân tại một chung cư cao cấp ở quận 10, cho biết, chung cư có hồ bơi nên rất phổ biến việc nhiều em nhỏ cứ thản nhiên mặc đồ tắm quấn khăn chạy lên chạy xuống, nếu gặp kẻ có tâm lý biến thái thì quá nguy hiểm. 

Đừng để cơ hội cho kẻ xấu

Có rất nhiều lời khuyên, kinh nghiệm để giúp trẻ tránh bị tấn công, tuy nhiên tại một số quốc gia, người ta đã đưa ra 7 gợi ý cơ bản cho các bậc phụ huynh dạy con, giúp trẻ an toàn trước nạn quấy rối khi không có cha mẹ ở bên.

Đầu tiên là giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện với người lạ. Trẻ em đều được dạy rằng không được nói chuyện với người lạ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng buộc phải giao tiếp với người không quen. Hãy cho con biết rằng thời gian cho một cuộc nói chuyện như thế chỉ cần kéo dài từ 5 đến 7 giây. Nếu dài hơn, trẻ nên bỏ đi và đến chỗ đông người hơn. Mặt khác, bố mẹ nên dạy con mình rằng hãy giữ khoảng cách giữa bản thân với người lạ từ 2m trở lên. 

Dạy trẻ tránh bị sàm sỡ ảnh 1
Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ đi thang máy một mình. Trong trường hợp bắt buộc, hãy dạy trẻ đứng tựa vào tường để có thể dễ dàng quan sát hành động của những người xung quanh. Nếu đang đi thang máy một mình, khi người lạ bước vào, tốt nhất trẻ nên ra khỏi thang máy. Bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách từ chối lịch sự khi người lạ rủ đi cùng thang máy: “Cháu đang đợi bố mẹ” hoặc “Bố mẹ dặn cháu không đi thang máy cùng người lạ”. 

Nhiều trẻ sẽ không biết cư xử thế nào khi có người lạ tiếp cận mình. Bố mẹ cần căn dặn trẻ rằng khi người lạ có hành động không đúng như đụng chạm, kéo, dắt tay, trẻ có quyền cư xử “mạnh mẽ” hơn bình thường. Trẻ hoàn toàn có thể tự vệ bằng việc cắn, đá người lạ và gây chú ý cho người xung quanh. Bên cạnh đó, trẻ không nên im lặng phản kháng mà hãy hét to lên “Cháu không quen người này” để mọi người xung quanh giúp đỡ. 

Khi bố mẹ đi vắng, nếu người lạ gọi, hãy căn dặn trẻ không được mở cửa với bất kỳ lý do nào. Ngoài ra, trẻ cũng không nên trả lời rằng mình chỉ ở nhà một mình dù đó là ai đi chăng nữa. Nếu đối phương vẫn kiên quyết đòi mở cửa hay có ý định xông vào, trẻ phải nhanh chóng gọi điện cho bố mẹ hoặc người thân.

Trẻ em ngày nay có khả năng sử dụng mạng xã hội, Internet thành thạo. Bố mẹ nên cảnh báo với trẻ rằng người xấu thường sử dụng Internet để tìm kiếm “con mồi”. Chính vì thế, khi sử dụng, trẻ tuyệt đối không được tiết lộ thông tin cá nhân của mình, trò chuyện với người lạ trên mạng và gặp trực tiếp bên ngoài. Bố mẹ nên trò chuyện thường xuyên với trẻ về chuyện hàng ngày, các mối quan hệ xung quanh để có thể nắm bắt và can thiệp vào những mối quan hệ không lành mạnh đúng lúc.

Có một vấn đề ở Việt Nam là nhiều bậc phụ huynh hay dạy con đánh giá người xấu người tốt thông qua ngoại hình dẫn đến trong nhận thức của trẻ, người xấu đồng nghĩa với ngoại hình xấu như ăn mặc lôi thôi, gương mặt dữ tợn... Nhưng chúng ta ai cũng biết, tốt hay xấu không phải là từ hình thức, kẻ xấu có thể là người xuất hiện với vẻ bề ngoài trau chuốt, tươm tất và nụ cười dễ mến. Chính vì thế, bố mẹ phải dặn trẻ cảnh giác với bất kỳ người lạ nào và biết từ chối trước mọi lời mời.

Hầu hết trẻ em đều thích được đi chơi. Bố mẹ cần căn dặn trẻ tuyệt đối không được lên xe người lạ nếu có những lời mời như “xe chú xịn lắm, lên chú chở đi một vòng chơi”, hoặc “đi theo chú, chú cho ăn món này rất ngon”.

Một lời khuyên mà mọi chuyên gia đều nhắc đi nhắc lại là phụ huynh không bao giờ được chủ quan, cho rằng môi trường xung quanh mình có thể an toàn. Đây là suy nghĩ sai lầm bởi hành vi xâm hại, sàm sỡ có thể chỉ diễn ra trong vài giây, vài phút nhưng chắc chắn các con sẽ mất cả cuộc đời trong sự ám ảnh, sợ hãi về điều đó.

Tin cùng chuyên mục