Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học

Cuối tuần qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học (GDĐH).
Chỉ còn 1 loại bằng đại học?
Theo GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội,, xã hội hóa không chỉ là phát triển khối các cơ sở GDĐH ngoài công lập để sát cánh cùng các cơ sở GDĐH công lập đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bao gồm cả việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển chính các cơ sở GDĐH công lập.
Vì vậy, sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH lần này cần làm rõ xã hội hóa là chủ trương lớn, quan trọng, nhằm thu hút nguồn đầu tư ngoài nhà nước để phát triển GDĐH. Ông nhấn mạnh, cần phân biệt rõ các loại cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, phi lợi nhuận, các cơ sở GDĐH công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư… để áp dụng cơ chế quản lý và chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp, tương xứng.
Đồng thời, làm rõ hình thức sở hữu cộng đồng đối với khối tài sản chung không chia của cơ sở GDĐH tư thục và vai trò đại diện phần tài sản này trong thành phần hội đồng quản trị.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học ảnh 1 Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại hội nghị
Góp ý cụ thể hơn, GS Đào Trọng Thi cho rằng, theo quy định, cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở GDĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia.
Vì vậy, nên gọi loại cơ sở GDĐH này là hoạt động phi lợi nhuận theo đúng thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, số lượng các cơ sở GDĐH phi lợi nhuận rất hiếm. Do đó, để phát huy hiệu quả chính sách khuyến khích thì vẫn cần quy định thêm loại cơ sở GDĐH hoạt động không vì lợi nhuận theo cách hiểu của Luật GDĐH hiện hành.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đề cập đến thực tế hiện nay có hiện tượng các tập đoàn tài chính nắm các trường tư thục, nên luật cần quy định rõ về cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Một nội dung mới mà dự thảo Luật GDĐH lần này đề cập, đó là chỉ còn một loại bằng đại học, không phân biệt chính quy và tại chức. Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đây là hướng đi đúng và tiếp cận với xu hướng chung.
“Nhưng xã hội Việt Nam sính bằng cấp, không coi trọng tố chất năng lực. Hệ chính quy và tại chức khác nhau hoàn toàn từ hình thức tuyển sinh đến quy định. Nhất là hệ tại chức luôn bị xã hội coi là có vấn đề, thậm chí một số địa phương không tuyển dụng người tốt nghiệp ĐH tại chức. Nay chúng ta thống nhất một loại văn bằng e là sẽ khó khăn”,  ông Tớp lo ngại. Mặt khác, nếu các trường muốn đảm bảo chất lượng đào tạo 2 hệ này như nhau để tấm bằng ĐH không còn sự phân biệt, thì cần tuyển sinh chặt chẽ như tuyển sinh chính quy và đạt điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng. Làm như vậy thì chắc chắn các trường sẽ rất khó tuyển sinh, thậm chí không tuyển sinh được… Vì vậy, cần cân nhắc quy định này liệu có khả thi?
Miễn học phí sinh viên sư phạm theo cách nào?
Về vấn đề hội đồng trường, trong dự thảo luật quy định chỉ cần có kinh nghiệm tham gia quản lý GDĐH ít nhất 5 năm hoặc được đào tạo về quản trị ĐH, PGS-TS Trần Văn Tớp kiến nghị chủ tịch hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp ban giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và được đào tạo về quản trị ĐH.
Thực tế, hiện nay hầu hết các trường, chủ tịch hội đồng trường chưa hề tham gia quản lý cấp ban giám hiệu, mà thường là cấp trưởng phòng. Mặt khác, trong dự thảo luật không quy định tuổi, điều này dễ áp dụng máy móc theo các văn bản quy định pháp luật khác. Do đó, PGS-TS Trần Văn Tớp đề nghị phải nới độ tuổi của chủ tịch hội đồng trường còn trong biên chế.
Một nội dung nữa đang thu hút sự quan tâm của dư luận đó là miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Dự thảo Luật GD sửa đổi mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đề xuất xếp lương của giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp. Theo GS Đào Trọng Thi, cùng với việc đó còn phải có thang bảng lương đặc thù cho giáo viên, vì nếu “giáo viên không toàn tâm toàn ý giảng dạy thì khó bảo đảm chất lượng giáo dục”. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện miễn học phí cho sinh viên sư phạm, cần luật hóa việc này (dự thảo không đề cập).
Về việc có nên luật hóa việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH hay không, theo PGS-TS Nguyễn Trường Giang (Bộ Tài chính), thực tế thời gian qua cho thấy quy định này có một số bất cập. Sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, ngân sách nhà nước cấp bù kinh phí đào tạo cho các cơ sở GDĐH tương ứng mức học phí cho sinh viên.
Tuy nhiên khi sinh viên tốt nghiệp, Nhà nước không sắp xếp (điều động) được việc làm cho sinh viên. Sinh viên sư phạm không kiếm được việc làm trong các cơ sở GD-ĐT, dẫn đến lãng phí về nguồn lực ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội. Do đó, PGS-TS Nguyễn Trường Giang đề nghị nghiên cứu sửa đổi về chính sách miễn học phí đối với người học ngành sư phạm.
Cụ thể, sinh viên sư phạm sẽ được vay tín dụng nhà nước để trang trải học phí. Sau khi học, nếu công tác trong lĩnh vực sư phạm đáp ứng đủ điều kiện thời gian theo quy định thì sẽ được miễn hoàn trả phần vay. Trường hợp không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải hoàn trả tiền vay.

Tin cùng chuyên mục