Đẩy mạnh tự chủ trong cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc hệ thống chính trị

Ngày 24-1, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, một số bộ, ngành đã cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị. 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Theo dự thảo đề án, việc sắp xếp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sẽ theo hướng tinh gọn về tổ chức, cơ cấu hợp lý; có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả. Trong đó lộ trình chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2019 - 2025, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, đến năm 2025 có 20% cơ sở đào tạo đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, 80% bảo đảm tự chủ chi tối thiểu; giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030, tiếp tục nâng mức độ tự chủ, theo đó, tối thiểu có 50% cơ sở đào tạo đảm bảo chi thường xuyên. 

Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thành viên ban biên tập đề án, nhấn mạnh, trước hết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng này là một “trường” đặc thù. Là trường đào tạo, bồi dưỡng cho những đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan tổ chức thuộc hệ thống chính trị; không cung ứng dịch vụ công cho người dân, không xã hội hóa; không có đơn vị sự nghiệp công lập nào đang làm công việc này.

Xuất phát trên thực tế này mới có giải pháp đổi mới phù hợp. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, nêu thực trạng hiện nay nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành y tế là cấp thiết, trong khi Bộ Y tế chưa có cơ sở chính thức nào để đảm nhiệm việc này. Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Trường Đại học Y tế công cộng (phía Bắc và Nam) được mở trung tâm đào tạo bồi dưỡng. Ông Sơn cũng cho rằng, ngành y tế là đặc thù nên Bộ Nội vụ cần tính toán, nghiên cứu để đề xuất đối với nhu cầu của ngành. Trong khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT cũng nêu ý kiến về quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, nhất là tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học để thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đề án này chủ yếu tác động tới các bộ, ngành, nhưng với một số địa phương vẫn có thể chịu tác động lớn. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cũng nhìn nhận việc đổi mới, sắp xếp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần xác định lại chức năng đào tạo, nội dung đào tạo, trong đó tập trung 4 nhóm nội dung (lý luận chính trị, nội dung quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học) để nâng tầm cơ sở đào tạo. 

Tin cùng chuyên mục