Đẩy mạnh truyền thông, tăng cường kết nối


Các giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ trọng tài viên, trung tâm trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp thương mại đã và đang được Bộ Tư pháp, các đơn vị chuyên trách tại nhiều địa phương (trong đó có TPHCM) gia tăng thực hiện. 
Trọng tài viên cần nâng cao chuyên môn, kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực như du lịch, tài chính, bảo hiểm... Trong ảnh: Du khách tham gia một sự kiện du lịch do TPHCM tổ chức
Trọng tài viên cần nâng cao chuyên môn, kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực như du lịch, tài chính, bảo hiểm... Trong ảnh: Du khách tham gia một sự kiện du lịch do TPHCM tổ chức
Bằng chứng là các hội trọng tài thương mại ở TPHCM đang kiến nghị đẩy mạnh công tác truyền thông đến doanh nghiệp, tăng cường kết nối giữa các hội để hỗ trợ nhau về công tác chuyên môn, cũng như gắn kết phát triển. Qua đó, giúp tiếng nói ngành nghề của hội ngày càng lớn mạnh. 

Gắn kết nhiều hơn
Trong tháng 5-2018, lãnh đạo Hội Trọng tài thương mại TPHCM (HCCAA), đã lần lượt có buổi khảo sát, làm việc với một số trung tâm trọng tài trên địa bàn TPHCM để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc thực tế mà từng trung tâm đang vướng phải. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HCCAA, cho rằng muốn hoạt động của trọng tài thương mại thực sự phát triển trong thời gian tới, bản thân các trung tâm phải nỗ lực gắn kết với nhau nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. HCCAA có nhiệm vụ đóng vai trò trung tâm kết nối.
Ông Hoàng Thế Cường, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại phía Nam (Stac), nhìn nhận hiện các trung tâm trọng tài chưa thực sự kết nối với nhau để chia sẻ về chuyên môn nghiệp vụ, cũng như các vướng mắc phát sinh cụ thể trong quá trình hoạt động. Việc tăng cường quảng bá hình ảnh, hoạt động của trọng tài nước ta trên các phương tiện truyền thông để mọi người cùng biết, hiểu hơn về hoạt động trọng tài; đặc biệt đối với lĩnh vực của trọng tài thương mại là cần thiết. Tuy vậy, ông Cường cho rằng, bản thân HCCAA cũng cần có sự kết nối thực sự, trở thành chỗ dựa tin cậy, nói lên được những phản ánh, kiến nghị của các trung tâm trọng tài… 
Hiện nay, TPHCM đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khuyến khích nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong nước cũng như quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong việc tiếp cận dịch vụ trọng tài… Ngoài ra, hàng loạt diễn đàn, hội thảo, tọa đàm cũng được ráo riết triển khai thực hiện. Thế nhưng, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, qua ghi nhận sơ bộ tại một số trung tâm trọng tài thương mại ở TPHCM, có nhiều vướng mắc phát sinh cần được tháo gỡ để hoạt động trọng tài thực sự phát huy tính ưu việt. Chẳng hạn như, biểu phí của các trung tâm trọng tài có sự chênh lệch đáng kể. Tất nhiên, khách hàng sẽ có tâm lý “tiền nào của đó”, nhưng HCCAA từng ghi nhận có trung tâm trọng tài đưa ra mức phí cạnh tranh kiểu… phá giá, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của các trung tâm trọng tài thương mại. Vì vậy, Luật sư Nguyễn Văn Hậu xác nhận, HCCAA sẽ xem xét vấn đề này, hay như mức phí áp tại các trung tâm trọng tài hiện nay chưa phù hợp nên sẽ tiếp tục kiến nghị để điều chỉnh.
Chuyên nghiệp để hội nhập
Tại các hội thảo trong nước cũng như quốc tế có liên quan đến hoạt động trọng tài, nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ rằng, yếu tố chuyên nghiệp để hội nhập đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại với các quốc gia phát triển. Khả năng tranh chấp thương mại sẽ nhiều hơn, khiến áp lực cho các tòa án cũng tăng cao. Làm thế nào để kéo giảm áp lực này? Rõ ràng, việc sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại chính là hướng ra hiệu quả.  
Chính vì thế, theo lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), việc hoàn thiện thể chế về pháp luật thương mại, trọng tài thương mại và hệ thống pháp luật hỗ trợ hoạt động của trọng tài thương mại sẽ góp phần đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có hiệu quả. Đồng thời đảm bảo các phán quyết trọng tài đã có hiệu lực pháp lý được thi hành trên thực tế, hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài thiếu cơ sở pháp lý. Thêm nữa, cần xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định pháp luật trọng tài thương mại. Đặc biệt là giám sát việc hủy phán quyết của trọng tài; giám sát việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với trọng tài viên, cần được nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp; đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên sâu như đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, triển khai việc thành lập hiệp hội trọng tài thương mại toàn quốc nhằm hỗ trợ việc phát triển hoạt động trọng tài nói chung và phát triển đội ngũ trọng tài viên nói riêng...
Bộ Tư pháp cũng lưu ý, các trung tâm trọng tài cần chú trọng xây dựng đội ngũ trọng tài viên có chất lượng, chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ phù hợp, đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nên tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động trọng tài thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng tăng và yêu cầu hội nhập quốc tế. Song song đó, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trọng tài viên quốc tế, luật sư nước ngoài, chuyên gia, luật sư trong nước giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của trung tâm trọng tài trong nước với các trung tâm trọng tài quốc tế và khu vực.

Tin cùng chuyên mục