Thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi):

Dạy kiến thức cơ bản, không “nhồi nhét”

Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã tiếp tục được Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung đến 87 điều. Tuy nhiên, dự luật này vẫn tạo nên không khí rất “nóng” trong phiên thảo luận hôm qua (22-2) của Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách với nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Dạy kiến thức cơ bản, không “nhồi nhét”

Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã tiếp tục được Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung đến 87 điều. Tuy nhiên, dự luật này vẫn tạo nên không khí rất “nóng” trong phiên thảo luận hôm qua (22-2) của Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách với nhiều vấn đề đáng quan tâm.

  • Phải thay đổi chương trình giáo dục

Không phải là ĐBQH chuyên trách, nhưng ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) lại được xem như một “điểm nóng” tại buổi thảo luận. Ông Dũng vui mừng vì trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đề cập tới chương trình giáo dục – vấn đề được ông coi là “xương sống quyết định chất lượng nền giáo dục nước nhà”. Nhưng sự vui mừng đó không trọn vẹn. “Tôi nghe nói, vừa qua Bộ GD-ĐT có xây dựng một chương trình “giáo dục tích hợp”, giống như các nền giáo dục khác trên thế giới, nhưng rồi lại bị bác bỏ vì sợ giáo viên không theo kịp.

Dạy kiến thức cơ bản, không “nhồi nhét” ảnh 1

Học sinh Trường THCS Hoa Lư, quận 9 trong giờ học môn văn.

Như vậy là không chính đáng” – ông Dũng bức xúc, và cho rằng mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi chương trình giáo dục hiện nay cho phù hợp với quốc tế, làm sao cho học sinh tốt nghiệp tú tài cũng được thế giới công nhận. “Phải trả lại tuổi thơ học đường vui vẻ, nhẹ nhàng cho con em chúng ta, chương trình giáo dục phải dạy kiến thức cơ bản chứ không phải là nhồi nhét” – ông Dũng đề nghị.

Về hệ thống giáo dục quốc dân, một số đại biểu đề nghị đổi tên gọi các cấp học của giáo dục phổ thông thành “cấp 1”, “cấp 2”, “cấp 3” như trước đây, vì cách gọi này đơn giản, dễ hiểu hơn và tất cả đều là giáo dục phổ thông.

Cách gọi tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) hiện nay vừa khó nhớ, vừa không chuẩn xác vì chỉ không chỉ bậc THPT mới là bậc học phổ thông mà kể cả tiểu học, THCS, THPT cũng đều là bậc học phổ thông.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Quang (Tuyên Quang) đề nghị giữ nguyên cách gọi hiện nay vì sử dụng đã lâu, người dân đã quen. “Nếu thay đổi, chỉ tính riêng việc đổi con dấu và biển hiệu các trường đã rất tốn kém. Hiện cả nước có 26.359 trường cấp phổ thông, chi phí mỗi trường 1 triệu đồng thì cũng đã hết trên 26 tỷ đồng. Chưa kể đến phải sửa văn bản, mẫu biểu chuyên môn…” – ông Quang tính toán.

“Tốn tiền cũng được, không thể vì sợ tốn tiền mà chấp nhận một điều phi lý” – đại biểu Nguyễn Lân Dũng phản bác và đưa ra một giải pháp “thỏa hiệp”: đổi tên gọi thành các trường cấp 1, 2, 3 nhưng không cần phải đổi… con dấu (!?). “Nhưng trên thế giới, có nước nào gọi giáo dục phổ thông thành cấp 1, 2, 3 không?” – Chủ tịch Nguyễn Văn An chất vấn. Đại biểu Dũng trả lời: “Các nước chỉ có 2 bậc là tiểu học và trung học”.

  • Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS

Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, khi thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng đi liền với bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, cần bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THCS. Rất thận trọng, trong dự thảo lần này, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án: (1) giữ kỳ thi tốt nghiệp THCS; (2) bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS mà chỉ xét các điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT để cấp chứng chỉ tốt nghiệp.

Phương án 2 đã vấp phải sự phản đối của nhiều đại biểu. “Cần giữ lại kỳ thi này, vì khi học xong THCS, học sinh đã có sự phân luồng nhất định: hoặc là học tiếp lên THPT, hoặc là học trung cấp, học nghề, hay đi làm” – đại biểu Nguyễn Đình Quang phân tích. Cũng với quan điểm này, đại biểu Hồ Thị Hồng Nhung (Bến Tre) cho rằng việc giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THCS sẽ giúp những học sinh “ra cuộc đời sớm” có được tấm bằng để đánh dấu việc học của mình.

  • Người đi học không phải đóng góp khoản tiền nào khác ngoài học phí

Một quy định mới trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này được nhiều đại biểu nhất trí là vấn đề học phí và các khoản đóng góp của người học. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Đan cho biết, để thuận tiện trong công tác quản lý và không gây phiền hà cho dân, Ban soạn thảo đã quyết định đưa tất cả các khoản đóng góp của người học vào một khoản gọi là học phí và quy định: “ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Điều này có nghĩa là, khoản “tiền đóng góp xây dựng trường” như dự thảo lần trước được bãi bỏ. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng gọi đây là “một cuộc cách mạng”, bởi nạn “tiền trường” thu một cách bừa bãi hiện nay đang gây bức xúc lớn trong xã hội.

Liên quan đến thẩm quyền cấp bằng tiến sĩ, nhiều ý kiến đồng ý nên giao cho hiệu trưởng các trường đại học, viện trưởng viện nghiên cứu, nơi tổ chức đào tạo cấp, thay vì do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cấp như hiện nay.
Hôm nay, 23-2, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục dành trọn một ngày để thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). 

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục