Đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rào cản

Nông nghiệp là ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế ở nước ta nhưng dòng vốn FDI vào ngành này thời gian qua rất hạn chế. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2017, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả nước rất khả quan. Cả nước có 23.594 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 306,3 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp nông thôn nguồn vốn thu hút khá hạn chế, chỉ xấp xỉ 1% tổng lượng vốn (hơn 3,4 tỷ USD) với 516 dự án.

Có thể thấy, nông nghiệp là ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế ở nước ta nhưng dòng vốn FDI vào ngành này thời gian qua rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc phân bổ dòng vốn FDI vào nông nghiệp cũng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Dòng vốn FDI vào các lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản rất ít. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều rào cản, nhất là về chính sách, pháp luật. Hệ thống các văn bản pháp luật hiện nay quy định về các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vẫn còn mang tính chung chung, chồng chéo và đặc biệt là thiếu tính ổn định. Điều này gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, đất đai và những chính sách liên quan đến đất đai là vấn đề lớn, cản trở việc thu hút FDI vào nông nghiệp. Các doanh nghiệp rất khó tích tụ một diện tích đất đủ lớn để đầu tư. Bên cạnh đó là các chính sách khác về phí và lệ phí, quy hoạch chồng chéo, thay đổi thường xuyên…

Nông nghiệp Việt Nam đang có những tín hiệu thay đổi tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng đối mặt nhiều thách thức do thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt. Theo các chuyên gia, nông nghiệp cần phát triển theo xu hướng công nghệ cao, sạch, hữu cơ. Để làm được điều này, bên cạnh các chủ trương, giải pháp hiện có, nguồn lực đầu tư rất quan trọng. Làm thế nào để cải thiện được môi trường đầu tư, tháo gỡ rào cản, thu hút mạnh hơn nữa nguồn vốn FDI vào khu vực này là vấn đề rất quan trọng để lột xác nền nông nghiệp nước ta hiện nay.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-ĐT đã phối hợp với rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nghị định thay thế. Dự thảo nghị định mới tập trung vào các vấn đề: Mở rộng diện doanh nghiệp, dự án được Nhà nước hỗ trợ; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong các giai đoạn phát triển thị trường, làm thương hiệu, hỗ trợ sản phẩm có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước… Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo nghị định này còn nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Một nghị định mà phải hướng dẫn việc thực hiện rất nhiều luật, gồm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… thì khó có thể xử lý triệt để các vướng mắc!

Theo gợi ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp bàn về nội dung dự thảo Nghị định “Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, về lâu dài cần phải có một luật về phát triển doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tạo ra cơ chế đột phá. Trong khi chưa xây dựng được luật thì vẫn phải ban hành nghị định mới với các nội dung phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, chú trọng các nội dung về tạo thuận lợi thương mại, mở rộng đối tượng điều chỉnh, quy định công bố quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.. .

Trong khi chờ nghị định mới được ban hành, nhiều chuyên gia cho rằng các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ các rào cản chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp; các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi cách thức và đổi mới, hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế. Một nhân tố quyết định cho sự thắng, bại của cuộc “cách mạng” mang tính chiến lược trong thu hút FDI vào nông nghiệp chính là con người. Nông dân phải là người tiên phong trong thay đổi tư duy, nhận thức, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ. Đó là việc tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp toàn cầu để có kế hoạch thu hút đầu tư một cách bài bản, hệ thống.

Tin cùng chuyên mục